Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Khuất Duy Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; TS. Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; các giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các cơ sở nghiên cứu trong cả nước.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Nam Đình – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh;
Cùng dự có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành, thị trên địa bàn.
Đạt kết quả nhưng chất lượng chưa bền vững
Tại báo cáo đề dẫn, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định qua 20 năm triển khai thực hiện (2000-2020), tại tỉnh Nghệ An đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành một phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nêu gương người tốt, việc tốt, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân.
Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, chuẩn mực đạo đức mới được hình thành, các hủ tục từng bước bị đẩy lùi. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo.
Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển văn hóa được ban hành. Ở cơ sở, việc thực hiện quy chế dân chủ, hương ước, quy ước được đảm bảo, người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh. Việc cưới, việc tang và lễ hội được cải tiến theo hướng trang trọng nhưng tiết kiệm...
Tuy nhiên, hiệu quả, chất lượng các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương đạt được còn thấp và chưa thực sự bền vững; phong trào xây dựng các danh hiệu thi đua ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tinh thần chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa chưa cao.
Tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình, buôn bán trẻ em còn tồn tại đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đời sống tinh thần của nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn còn nghèo nàn, hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa còn thiếu thốn…
Tìm hướng đi hợp lý cho giai đoạn mới
Hội thảo tập hợp 40 tham luận xoay quanh các vấn đề: Lý luận về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các giải pháp nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn 2021-2025.
Vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở; vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống. Công tác đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa; Sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và văn hóa trong giai đoạn hiện nay…
Trong đó, đáng chú ý là tham luận của PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh về “Xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An (nhìn từ góc độ văn hóa chính trị)”. Tác giả đã khái quát thực trạng xây dựng đời sống văn hóa ở Nghệ An, đánh giá cao những kết quả quan trọng, những chuyển biến tích cực trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh, việc xây dựng, phát triển con người và gia đình ở Nghệ An vẫn còn hạn chế: Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Tư tưởng thỏa mãn, ích kỷ, hẹp hòi, bảo thủ, lối sống thực dụng chưa giảm…
Vì thế, giải pháp đưa ra là khơi dậy truyền thống nhân nghĩa và trách nhiệm của con người để nâng cao vai trò con người, gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có chiều sâu và hiệu quả bền vững, gắn với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị…
Tham luận “Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng” của ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý của các đại biểu. Qua đây, ông Nhất đã đưa ra một số giải pháp hợp lý: “Sau khi hương ước, quy ướcđược công nhận cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng để phát huy các nội dung đã xây dựng. Nội dung của hương ước phải đảm bảo đúng nguyên tắc, có sự góp ý của nhân dân…”.
Ông Lô Thanh Nhất cũng đưa ra ví dụ hương ước của một số bản như ở xã Lưu Kiền, Tam Hợp cấm đánh bắt cá trên các khe suối trên địa bàn để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ cảnh quan, môi trường. Quy định này được bà con thực hiện nghiêm túc, ý thức chấp hành của người dân ngày càng cao.
Bên cạnh đó là những tham luận đưa ra những ý kiến và giải pháp sát thực như “Cần đẩy mạnh các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cho thế hệ trẻ” (GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện truyền thống và phát triển); “Văn hóa là tinh hoa của đạo đức” (TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); “Tiếp biến văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay” (Đặng Khắc Thắng – Nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An)…
Phát biểu tổng kết, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định: Cùng với việc nghiên cứu lí luận và khảo sát thực tiễn, các đại biểu đã đề xuất giải pháp, các khuyến nghị khoa học cho việc phát huy hiệu quả “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trên cơ sở đó đề xuất những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chính sách hướng tới xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững trên địa bàn Nghệ An. Đây là những gợi ý và định hướng quan trọng giúp UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xây dựng chủ trương, kế hoạch và chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển văn hóa và con người Nghệ An trong giai đoạn tiếp theo...