Đình cổ Hoành Sơn – Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) - ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đẹp vào hàng bậc nhất miền Trung nhưng những năm qua, cảnh quan luôn trong tình trạng nhếch nhác. Bao quanh đình là cỏ dại, rác thải, cây bụi mọc rậm rạp. Ảnh: Huy Thư Ông Đinh Văn Hải (57 tuổi) – người trông coi di tích cho biết, sau nhiều lần trùng tu, khuôn viên đình, đặc biệt là nền đình vẫn chưa được nâng cấp. Mỗi lần mưa lớn, trong vườn đình bị ngập úng. Khuôn viên đình rộng, cỏ cây mọc tràn lan, phát, cuốc không xuể. Trong ảnh: Một góc bên trái đình Hoành Sơn. Ảnh: Huy Thư Sau đình Hoành Sơn, cây cối, cỏ dại tốt um tùm, cao quá đầu người, leo lên cả cửa sổ của đình. Ảnh: Huy Thư Thực trạng cảnh quan di tích xuống cấp, nhếch nhác cũng đang diễn ra ở Di tích lịch sử quốc gia đình Võ Liệt - ngôi đình có kiến trúc chữ “khẩu” độc đáo, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của huyện Thanh Chương. Đường đi, mương máng thoát nước lún, sập nhiều chỗ. Những bồn hoa lớn được thiết kế, xây dựng với đủ hình khối, chẳng thấy hoa đâu, mà chỉ toàn cỏ dại. Tại đây, cây gai leo chiếm hết phần lớn diện tích phía sau của khuôn viên đình. Ảnh: Huy Thư Cây gai leo rậm rạp che hết cả lối đi, mọc lên cả lan can đình Võ Liệt . Ảnh: Huy Thư Do 2 cổng phụ của đình Võ Liệt không có cửa đóng mở, nên bò của người dân địa phương đã vào trong đình đi lại nghênh ngang. Ảnh: Huy Thư Khuôn viên đình thành bãi chăn thả bò là chuyện có thật ở di tích quốc gia đình Võ Liệt. Ảnh: Huy Thư Ở vùng quê khoa bảng, nức danh truyền thống hiếu học và cách mạng, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), cảnh quan Di tích quốc gia đình Quỳnh Đôi cũng không khác mấy. Dưới tấm biển đỏ “Di tích lịch sử quốc gia đình Quỳnh Đôi” là bức tường rêu phong, bong tróc từng mảng vữa lớn, lòi các loại gạch đỏ, gạch tạp lô nham nhở, rất phản cảm. Ảnh: Huy Thư Trên sân đình lát gạch và quanh bia dẫn tích đình Quỳnh Đôi đầy cỏ dại, rác bẩn. Thật bất ngờ khi 1 di tích lịch sử quốc gia ở ngay trung tâm xã lại nhếch nhác đến vậy. Được biết xã Quỳnh Đôi là xã nông thôn mới từ năm 2014 và là 1 trong 3 xã được tỉnh chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020. Ảnh: Huy Thư Quyết định của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An số 19/2020 QĐ – UBND, điều 5 chương 2 ghi rõ: UBND nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý các di tích trên địa bàn, trừ các di tích đã được giao cho các Sở, ban, ngành quản lý trực tiếp. Căn cứ danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn, UBND cấp huyện phân công cho UBND cấp xã quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT khẳng định: Các di tích được xếp hạng, phân cấp quản lý, việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức của chính người dân./.