(Baonghean) - Đề xuất của Bộ Nội vụ về việc sáp nhập một số sở, ngành trong dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố đã trở thành tâm điểm của dư luận.

Nếu coi bên ủng hộ sáp nhập là “phe cấp tiến” và bên phản đối là “phe bảo thủ” thì xem ra, “phe bảo thủ” đang ở số đông. Và qua đây mới phát lộ ra một điều là bình thường, khi nói đến mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, ai cũng rất hào hứng, rất say sưa và coi đó như là mục đích tối thượng cần phải ưu tiên tối đa, phải hy sinh hết thảy cho mục đích đó. Nhưng khi cần phải hy sinh một chút quyền lợi cá nhân để góp phần thực hiện mục tiêu đó, thì người ta lại lưỡng lự, lại bàn lùi. Minh chứng rõ nhất là khi đề xuất của Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến thì hầu hết những người thuộc diện sáp nhập, khi được hỏi ý kiến đều tìm cách trả lời theo kiểu “hoãn binh chi kế”.

Ngoài TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn từ chối, không đồng ý thì các nơi khác đều tìm cách chứng minh là chưa nên, chưa vội tiến hành mà nên nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét cho thật kỹ lưỡng, thấu đáo mọi nhẽ rồi hãy quyết định. Không một ai, trong diện này giơ cả hai tay đồng ý ngay tức khắc. Cho dù, tất cả những người được hỏi đều biết rằng, sáp nhập các sở, ban, ngành cùng chức năng là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính nhằm thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

images1865422_1491035092.jpgĐề xuất của Bộ Nội vụ về việc sáp nhập một số sở ngành đang gây nhiều tranh cải. Ảnh: Internet

Là bước khởi đầu quan trọng để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí hành chính từ ngân sách để có thêm nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Về mặt xã hội, như nhận xét của một vị đại biểu Quốc hội thì dưới Chính phủ là bộ máy chính quyền địa phương - nơi trực tiếp gắn với lợi ích của người dân. Càng nhiều tầng, nhiều nấc thì người dân càng khổ. Cho nên giảm bớt đầu mối là giảm khổ cho dân, càng cần phải làm và nên làm ngay. Ấy vậy mà…

Và như ai đó đã từng nói: lợi ích bao giờ cũng dẫn dắt con người. Nó như “cục pin” mà tạo hóa đã gắn vào ngực con người. Bất cứ một chủ trương, chính sách nào mà lại móc “cục pin” đó ra khỏi ngực con người thì con người sẽ không còn động lực. Sáp nhập cũng là một chủ trương thuộc diện móc “cục pin” đó ra khỏi ngực một số người, một số đơn vị nên người ta phải phản đối, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì thế, không nên hỏi ý kiến theo kiểu đồng ý hay không đồng ý sáp nhập, mà nên coi đó là việc đương nhiên phải làm. Cần phải làm ngay và làm luôn. Và chỉ nên hỏi ở khía cạnh là nên làm như thế nào mà thôi để bớt đi được những biện giải, bàn lùi dài dòng và vô bổ. Nên nhớ, mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi ra cỡ 400 nghìn tỷ đồng để trả lương trong tổng thu nhập 1 triệu tỷ đồng. Nếu trả đủ lương theo mức sống bình thường thì hết nhẵn không còn một đồng nào để chi cho đầu tư phát triển.

Nếu không tinh giản biên chế, không tinh gọn bộ máy thì không thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước. Mà không đi nhanh thì sẽ không bắt kịp với đà phát triển chung của thế giới và sẽ bị tụt lại phía sau, bị bỏ rơi. Phải nhìn thấy nguy cơ đó để mà nêu cao quyết tâm thực hiện, mà gỡ bỏ đi những cản trở mang tên “lợi ích cá nhân”. Không thể chần chừ, không thể chậm trễ hơn được nữa. Hãy vì đại cục mà làm ngay những việc cần làm./.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN