(Baonghean) - Cách đây hơn một tuần, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực nội chính đã yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi bảo kê, “chống lưng” cho tội phạm. Nhưng qua những sự việc xảy ra gần đây cho thấy, cũng cần xử lý kiên quyết những hành vi “chống lưng” cho sai phạm.
Đây là việc khó và phức tạp, vì hành vi “chống lưng” cho các sai phạm thường được núp bóng dưới những chủ trương, kế hoạch công khai rất đàng hoàng. Đơn cử như trong lĩnh vực khoáng sản. Trước đây, ở tỉnh Quảng Ninh, có nhiều dự án rất lạ kiểu như trồng rừng hay nuôi trồng thủy sản được cấp phép thực hiện ở những khu vực có than lộ thiên. Trong quá trình thực hiện dự án, chỉ thấy người ta chủ yếu lấy than đi bán. Ai cũng biết dự án chỉ là cái bình phong cho việc khai thác than. Nhưng việc đào than đi bán lại được phép vì luật quy định khi thấy khoáng sản thì cho phép tận thu. Không ít người phất lên từ những dự án kiểu đó và dĩ nhiên phải có người “chống lưng” thì mới được cấp phép thực hiện dự án để làm được việc đó. Hay như người ta có thể dựa vào việc thực hiện dự án nạo vét luồng lạch các tuyến đường sông để khai thác cát một cách công khai, trong khi, việc khai thác cát tự nhiên trên sông, rạch đã bị cấm. Và việc khai thác đó cũng được coi hợp pháp vì được coi là tận thu khoáng sản. Mục đích chính của những dự án kiểu đó, ai cũng hiểu, nhưng không ai làm gì được, vì nó đúng quy định của pháp luật.
Cái khó trong việc xử lý hành vi “chống lưng” cho sai phạm là những người “chống lưng” là những người có chức vụ, quyền hành nhất định ở trong các cơ quan công quyền. Do đó, việc điều tra, làm rõ để xử lý không hề dễ, do họ không bao giờ ra mặt hay để lại bất cứ một thứ gì để có thể gọi là bằng chứng của sự liên quan. Còn nhớ, tại Hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn Hà Nội hồi đầu tháng, Chủ tịch UBND thành phố đã nói: “Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau. Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà, có bãi đỗ xe của ông bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả”. Vậy biết là có, nhưng không xử lý được vì không đủ bằng chứng. Vì chẳng có ai đứng ra làm cái việc tự tay đập bể nồi cơm của mình cả. Vỉa hè, đường phố vì thế mà cứ bị chiếm dụng triền miên ngay trước mắt các cơ quan công quyền. Ở các lĩnh vực khác, cũng có những kiểu “chống lưng” tương tự, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Vì thế, các công trình sai phép, không phép vẫn lù lù xuất hiện ở ngay cả những nơi không ai ngờ tới.
Để chấm dứt được tình trạng đó, cần phải coi những người “chống lưng” cho sai phạm là tội phạm và quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở những địa phương, những ngành, những lĩnh vực xảy ra những sai phạm kiểu đó để có hình thức xử lý thích đáng. Bởi, không phải là tội phạm thì rất khó xử lý mạnh tay để răn đe, ngăn ngừa.
Duy Hương