(Baonghean) Thời gian qua, Kỳ Sơn đã được thụ hưởng nhiều dự án trồng rừng, nhờ đó diện tích rừng trồng nói chung và diện tích cây keo lai nói riêng trên địa bàn huyện được tăng lên. Tuy nhiên, việc phát triển cây keo lai ở đây lại còn nhiều vướng mắc và không mang lại hiệu quả cao.
Gia đình ông Vi Hồng Sơn trồng 1,5 ha cây keo lai, trong đó hơn 0,5 ha được trồng từ năm 2008. Nghĩa là diện tích đó đã gần đến thời kỳ thu hoạch. Nhưng hiện tại giá keo lai trên thị trường đang xuống thấp và cũng không có người mua, vì thế bán cho ai và bán giá như thế nào là điều mà ông và nhiều hộ dân khác đang lo lắng. Bởi cây keo đã đến ngày thu hoạch càng để lâu thì càng mất giá.
Thời gian qua, để khuyến khích người dân phát triển cây keo lai, Nhà nước đã có một số dự án hỗ trợ như 147, 661… Khi tham gia những dự án này, người dân được hỗ trợ hoàn toàn về giống phân bón và được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Những gia đình thuộc diện hộ nghèo còn được trợ cấp gạo hàng tháng. Nhờ thế mà diện tích cây keo lai ở Kỳ Sơn đã đạt 65 ha.
Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào trồng đã lộ rõ một số hạn chế. Cây keo được xác định là thích hợp với độ cao khoảng 700 m so với mực nước biển, trong khi đó, Kỳ Sơn với địa hình đồi núi chủ yếu có độ cao từ 1000m trở lên. Cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, lại thường xuyên có sương muối, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh trưởng và phát triển của cây keo. Bà con lại có tập quán thả rông trâu bò, vì thế thời gian mới trồng rất nhiều diện tích đã bị trâu bò phá hại. Hơn nữa, là huyện nằm cách Thành phố Vinh gần 300km và chưa có nhà máy sơ chế nguyên liệu keo, do đó, việc khai thác và vận chuyển cây keo gặp không ít khó khăn.
Theo người dân cho biết, giá keo hiện nay là 950 nghìn đồng/1 tấn, mà chi phí vận chuyển gần 500 nghìn đồng/tấn. Giá thấp đã đành nhưng người mua ngại lên Kỳ Sơn. Nói về việc phát triển cây keo lai, anh Nguyễn Xuân Trường- Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn, đề xuất: “Hiện tại, cây keo lai không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về phía đơn vị, chúng tôi đề xuất các cấp khi đưa cây vào trồng cần nghiên cứu kỹ về điều kiện tự nhiên tập quán của bà con nơi đây, có thể đưa những giống cây bản địa vào thì dễ phát triển hơn. Và cũng cần có nhiều hơn những dự án hỗ trợ để tăng diện tích rừng trồng”.
Hiện tại, một số người dân đã không còn mặn mà với keo lai. Hơn nữa, phần đông bà con dân tộc thiểu số còn có tâm lý làm phải thấy được hiệu quả ngay, vì thế số diện tích đã trồng cũng không được bà con chăm sóc. Một số người dân thì đã chuyển diện tích trồng keo sang trồng cây xoan đâu.