(Baonghean) -Phong trào xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Quế Phong đang có chuyển biến mạnh mẽ trong vụ mùa vừa qua. Cái được lớn nhất là bà con nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi và hiệu quả kinh tế cao hơn trông thấy.

Mường Nọc là địa phương được coi là vựa lúa của huyện, cũng là xã vừa thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Quế Phong. Bà con nông dân ở đây vừa có một vụ mùa bội thu. Đến nhà trưởng bản Ná Phày, thấy có khá nhiều người dân đến trả tiền cho công ty đã trực tiếp đầu tư vật tư và giống lúa để thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Trưởng bản Lô Thanh Bình hồ hởi khoe: Chưa bao giờ người dân chúng tôi có vụ mùa gặt được nhiều lúa như thế này. Lúc đầu nghe nói cánh đồng mẫu lớn, bà con ai cũng ngại, nhất là khi công ty đưa ra mức đầu tư phân bón cho lúa quá cao, khiến người dân sợ không có mà trả nợ. Công ty cho vay 100% phân bón, giống lúa (hỗ trợ 30% giá giống) nếu lúa nhiều sâu bệnh, mất mùa. Để thông tư tưởng người dân, chi bộ tổ chức cuộc họp mở rộng, xóm họp đến 2 lần xoay quanh vấn đề cánh đồng mẫu lớn, khi đó người dân mới đồng sức, đồng lòng. Và niềm vui đến với bà con sau 4 tháng chờ đợi là năng suất lúa đạt cao hơn nhiều so với trước.

784615_small_85022.jpg

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Mường Nọc (Quế Phong).

Nhà ông Bình có 3 sào ruộng thuộc diện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã. Ông tính toán: Công ty đầu tư 125 kg phân bón NPK, trị giá 1.450 nghìn đồng + 170 nghìn đồng giống lúa + 40 nghìn đồng thuốc BVTV = 1.665 nghìn đồng. Thu hoạch được 8 tạ lúa, nếu bán tại chỗ cho doanh nghiệp 5.000 đồng/kg = 4 triệu đồng. 4 triệu đồng – 1.665 nghìn đồng = 2.435 nghìn đồng là tiền lãi. Trước đây, cùng diện tích đó, vụ mùa thu hoạch được 5 tạ lúa, gia đình đầu tư phân bón NPK 770 nghìn đồng + 40 nghìn đồng thuốc BVTV + 280 nghìn đồng giống lúa (lúa lai) = 1.090 nghìn đồng. Giá  lúa năm ngoái 6.000 đồng/kg = 3 triệu đồng – 1.090 nghìn đồng (tổng chi phí), còn lãi 1.900 nghìn đồng. Như vậy, làm cánh đồng mẫu lớn, nhà ông Bình thu nhập cao hơn so với trước 535 nghìn đồng, cộng với 247 nghìn đồng tiền hỗ trợ 30% giá phân bón của công ty, là được thêm tổng cộng 782 nghìn đồng. Cái được lớn hơn là người dân đã thay đổi cách nghĩ cách làm, từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Giống lúa Vật tư NA2 do Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Quỳ Châu thực hiện, cung ứng cho bà con gieo cấy ở cánh đồng mẫu, gạo ngon hơn giống lúa lai Nhị ưu 838 trước đây bà con gieo cấy. Ông Bình cho biết thêm, bản Ná Phày có 154 hộ, trong đó 42 hộ nghèo đều tham gia sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Sau khi thu hoạch xong, chỉ có 62 hộ bán lúa cho công ty, với số lượng 27,295 tấn lúa tươi. Phần nợ còn lại bà con trả bằng tiền mặt.

Ông Quang Văn Toản – Chủ tịch UBND xã Mường Nọc, nhận xét: Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Mường Nọc thực hiện ở 2 bản Ná Phày và Ná Ngá, với diện tích 30 ha. Thuận lợi nhất tại 2 bản này là đồng ruộng khá bằng phẳng, nước tưới thuận lợi, mặc dù hệ thống kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hóa. Trong quá trình thực hiện, bà con nông dân được công ty và cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật, từ khi gieo mạ đến lúc cấy, bón phân, phun thuốc BVTV… Do vậy năng suất lúa cao hơn nhiều so với trước. Tính  bình quân, năng suất đạt 51 tạ/ha, cá biệt có những nơi đạt 61 tạ/ha. Trước đây bà con gieo cấy lúa lai, năng suất đạt bình quân 41 tạ/ha. Như vậy 1 ha năng suất tăng 10 tấn lúa, tương đương 5 triệu đồng. Khi lúa đến kỳ thu hoạch, công ty thông báo cho bà con lịch thu hoạch để bao tiêu sản phẩm cho bà con ngay tại ruộng. Với giá 5.000 đồng/kg lúa tươi, thì người dân có lãi đáng kể. Những vụ tiếp theo, nếu công ty tiếp tục hợp tác, đầu tư, xã sẽ thực hiện thêm 1 cánh đồng mẫu lớn nữa tại cụm bản Thái Phong, gồm: bản Tám, Pá Nạt, Na Pú và Pá Cá. Thuận lợi nữa là sự đầu tư cho cây lúa không phân biệt hộ giàu, hộ nghèo, mà mọi người dân đều có chung quy trình chăm sóc như nhau. Do vậy, sẽ không có hiện tượng mất mùa riêng như trước.

Vụ mùa 2012, huyện Quế Phong tổ chức thực hiện mô hình đồng mẫu lớn tại 2 xã Châu Kim và Mường Nọc (mỗi cánh đồng 30 ha). 2 địa phương này đều có lợi thế sản xuất lúa nước. Huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, sự vào cuộc tích cực tạo gắn kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp nên người dân yên tâm sản xuất. Và năng suất lúa mùa 2012 tại 2 địa phương này đều đạt cao hơn nhiều so với trước, mặc dù vụ mùa thường gặp rủi ro về thời tiết và sâu bệnh.

Thành công của cánh đồng mẫu lớn ở Quế Phong, ngoài hiệu quả mang tính kinh tế, còn mang lại hiệu quả xã hội, đó là tạo ra sản phẩm hàng hóa, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững. Người nông dân vùng cao biết áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, nắm vững được kiến thức trong quá trình tham gia, sau khi kết thúc, các hộ có khả năng tự đầu tư để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở Quế Phong còn một số hạn chế, như: diện tích lúa nước còn manh mún, nhỏ lẻ, không liền vùng; hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; các địa phương chưa chuyển đổi được ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Ở Quế Phong, ngoài 2 xã nói trên, còn có nhiều địa phương có thể xây dựng cánh đồng mẫu, như: Tiền Phong, Tri Lễ, Cắm Muộn, Quang Phong. Vấn đề ở chỗ là địa phương có đăng ký thực hiện hay không và doanh nghiệp có tiếp tục đồng hành cùng nhà nông nữa không.


Xuân Hoàng