(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết “Các Vua Hùng không thích đi... khinh khí cầu” của tác giả Hải Triều đăng trên báo Nghệ An Cuối tuần ra ngày 6/4 và bài “Giữ gìn quốc thể” của CTV Duy Hương đăng trên nhật báo số ra ngày 29/3 nhận được số phiếu bình chọn tin, bài hay cao thứ 3. Sau đây là một số lời bình dành cho các bài viết:
1.Quan trọng là cái Tâm.Đọc bài: "Các Vua Hùng không thích đi... khinh khí cầu!" của tác giả Hải Triều tôi lại nhớ đến lời dạy của nội lúc còn sống: "Con đi lễ phật, lễ thánh mua mấy bông hoa tươi, đừng thắp hương nhiều. Không hương, không hoa, chắp tay khấn vái cũng tốt, quan trọng là cái tâm và có lòng thành kính con ạ. Không phải mâm cao cỗ đầy, cung tiến ngựa to, thuyền lớn mô". Nội còn dặn: "Khi vào cửa phật, thánh phải mặc quần dài lút gót chân, áo dài tay có cổ nghe con". Vậy mà, đâu đó nơi cửa phật, cửa thánh tôi không khó khăn bắt gặp người đi lễ tay xách nặng lễ vật, quần trên đầu gối chân, áo không cổ không cả ống tay; đủ kiểu váy, áo... Những ngày lễ lớn người ta còn tranh giành nhau đứng, ngồi rửa lễ, đặt lễ, nói những lời không hay.
Rồi một số quầy hàng hoa, bánh kẹo... dịch vụ nơi viếng chùa, đền bán với giá cắt cổ, còn người đi lễ dâng lễ vật tới cả chục triệu đồng. Mấy lần tôi đi dự lễ hội đầu xuân, một nhóm người nói giọng Bắc đi cả một xe ô tô mang theo những con gà luộc sẵn, thịt, xôi, hoa quả, bánh kẹo, bia rượu, ngựa giấy to đồ sộ đến cả 5 triệu đồng một con. Lễ vật cung tiến vừa hết cả một cung, không còn chỗ cho người đi lễ khác đặt một hộp bánh nhỏ. Chị người Bắc vừa bày kín lễ trên cung điện vừa lớn tiếng với các khách đi lễ: "Giời ạ, lễ vật gì mà chỉ gói bánh cỏn con thế kia; chỉ mấy bông hoa cúc vàng ai người ta chứng". Một chị trong nhóm còn ùa vào: "Bọn tôi đã đăng cai với nhà đền cả cung này rồi, trọn 1 ngày, vì thế đừng ai chen vào đây mà dâng hoa dâng hoét nữa nhé".
Tác giả Hải Triều đề cập đến cái văn minh trong đi lễ rất hay: "Của ít lòng nhiều", tấm lòng không đong đếm bằng vật chất, nhất là trong vấn đề tâm linh tín ngưỡng...". Hải Triều nói quả không sai: "Có phải những phường đồng cô đồng cậu, buôn thần bán thánh... để trục lợi cá nhân...". Tôi đã tận mắt chứng kiến các "thầy" lên danh sách mua lễ vật dài cả trang cho các tín chủ nào: ngựa giấy, thuyền giấy, hình nhân thế mạng, bia, rượu, thuốc lá, xôi, gà, thịt, hoa quả... Bởi theo “cô” thì “ngựa to ngài sẽ đi nhanh, những tờ giấy cánh sớ của mình trình sẽ sớm đến với Ngài". Không ai chê trách lễ vật của mỗi người cung tiến cả. Như tác giả Hải Triều đã viết "Khi điều kiện sống của mình ngày càng khá giả thì việc chăm chút cho phần hồn, cho đời sống tâm linh... cũng đáng trân trọng... Nhưng làm sao cho hợp lý, không phải lãng phí, không phô trương...". Vậy nên người xưa thường dạy: "Của ít lòng nhiều", đi lễ cũng không nên chen nhau đặt lễ bởi vì "Một vái lạy xa bằng ba vái lạy gần". Tôi lại nhớ đến lời dạy thuyết pháp của Thích Chân Quang "Phật là ở trong tâm mình, tâm mình tốt, luôn biết thành kính nơi cửa phật, cửa đền, không làm điều ác, làm điều có hại đến ai là phật ở trong tâm mình...".
2. Danh dự quốc gia. Quốc thể, đó là uy tín của cả một quốc gia, là sự thể hiện danh dự của một nước. Tuy nhiên, đã có những sự lơi lỏng danh dự này ở một bộ phận (dẫu chỉ là số ít) người Việt. Chuyện người Việt "này nọ", thực ra đây là vấn nạn đã có từ lâu chứ không phải là gần đây mà những người Việt Nam ở nước ngoài thường gặp phải. Có lẽ sau một thời gian dài ủ bệnh những thói xấu của người Việt đã đến lúc bộc lộ đậm nét hơn với phạm vi rộng hơn.
Khó có thể chấp nhận rằng, trong một buffet cho khách du lịch có rất nhiều người đến từ nhiều nước khác nhau, thế nhưng, ban tổ chức lại chỉ ghi biển cảnh báo bằng tiếng bản địa và… tiếng Việt với nội dung: “Đề nghị bạn không lấy quá nhiều thức ăn! Lấy quá nhiều, ăn không hết sẽ bị phạt”. Chắc hẳn, cái sự “xấu xí” ấy của người Việt đã được nước bạn rất chú tâm và cảnh báo.
Và thật xót xa khi Cảnh sát Nhật cho biết, trong tổng số người nước ngoài bị bắt vì tội trộm cắp, người Việt đứng đầu chiếm tỷ lệ 40%. Có nỗi xấu hổ nào hơn thế? Trở lại chuyện cô Bích Ngọc bị tạm giữ vì nghi tuồn đồ ăn cắp về Việt Nam, nhiều người cho rằng, Bích Ngọc rất đáng thương, kém may mắn, cô đâu phải là người Việt Nam duy nhất làm việc xấu xí đó? Bất cứ người Việt Nam nào khi ra nước ngoài đều gánh trọng trách việc gìn giữ hình ảnh đất nước, và bất cứ một hành động nào cũng phải xem xét trên tinh thần pháp luật của nước mình và nước người. Rõ ràng, hành động của Bích Ngọc đã vi phạm luật pháp Nhật, làm xấu hình ảnh của đất nước mình, hành động đó cũng không đúng với pháp luật Việt Nam, và phải bị pháp luật trừng trị.
Phần kết của bài, tác giả viết: “Thế giới biết đến Việt Nam và người Việt Nam là một dân tộc cần cù, thông minh, dũng cảm, hiếu học và có ý chí…, nhưng cũng không ít người nước ngoài có định kiến về người Việt là những người thiếu văn minh với những hành vi kém văn hóa như hay chen lấn, xô đẩy, tranh giành; không có thói quen xếp hàng, xả rác bừa bãi, khạc nhổ lung tung và đặc biệt, thói xấu nhất là hay ăn cắp vặt”. Do đó “Các cơ quan hữu quan của Nhà nước, các hội hữu nghị nên có một chương trình hành động dài hơi để chấn hưng và bảo vệ danh dự quốc gia và thể diện người Việt. Tạm gọi là chiến lược giữ gìn quốc thể… Làm sao cho mỗi người trong số họ ý thức được lòng tự tôn dân tộc mà kìm hãm, chế ngự được lòng tham cùng thói quen vô tổ chức, vô kỷ luật để từng bước cải thiện và làm sáng lên hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Người xây dựng