(Baonghean) - Bằng sự năng động, vượt khó, tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vùng quê nghèo Diễn Trung (Diễn Châu) đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đáng ghi nhận là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần làm nên diện mạo mới của một xã bãi ngang vùng ven biển…

images1012026_anh_a1.jpgTrang trại nuôi gà Cibi của ông Lê Văn Ân ở xóm 2A.
 
 
Những triệu phú đồng quê
 
Về Diễn Trung, chúng tôi thật sự ấn tượng với những đầm tôm được đầu tư với quy mô lớn, những gia, trang trại chăn nuôi gà, lợn được quy hoạch bài bản. Đó là nhờ người dân mạnh dạn hưởng ứng chủ trương của cấp uỷ, chính quyền chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Đất không phụ công người, nhiều người dân đã thực sự đổi đời, trở thành những triệu phú của làng quê. Cựu chiến binh Ngô Xuân Đại  ở xóm 4 là một trong những người đi tiên phong trong việc đấu thầu đất bãi Ngầm La để làm giàu. Từ diện tích ban đầu 1,7ha đến nay trang trại nuôi tôm của ông đã mở rộng diện tích lên đến 4ha.
 
Để thực hiện mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, bên cạnh số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng của tỉnh, CCB Lê Xuân Đại đã đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng đúng quy chuẩn bao gồm hệ thống cấp thoát nước, ao lắng, nhà kho chứa thức ăn… mỗi năm nuôi 2 vụ ăn chắc, thu từ 40 – 43 tấn tôm,  trừ chi phí thu lãi vài tỷ đồng. Anh Nguyễn Cường, xóm 14 cũng là một trong những triệu phú nuôi tôm ở Diễn Trung cho hay: Gia đình tôi có 7 ao nuôi tôm trên diện tích 2ha cho thu nhập bình quân trên dưới 1 tỷ đồng tiền lãi, nói không ngoa rằng nhờ có tôm mà “đổi đời”. Ngoài 4 lao động thường xuyên, với mức thu nhập cao nhất là 6 triệu đồng/ tháng, trang trại của gia đình anh Cường còn tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ. Nhiều hộ nuôi tôm còn sắm xe bán tải để chuyên chở hàng hoá.  Từ vài ba hộ đến nay, Diễn Trung đã có 41 hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 30 ha ở 3 vùng đập Ráng, Ngâm Bàng, Lệ Muối.
 
Bên cạnh nuôi tôm, người dân Diễn Thịnh phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung nhiều nhất là nuôi gà Cibi và lợn thịt. Nhiều người đã mạnh dạn nhận những phần đất xấu, kém hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Hiện tại, trên địa bàn có 168 gia trang trại, trong đó có 7 trang trại lớn với quy mô 6.000-10.000 con gà, cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/lứa như  Hồ Hữu Sỹ (xóm 4), Hồ Sỹ Sinh, Phạm Tư (xóm 10), Cao Văn Cừ (xóm 4). Đến thăm trang trại nuôi gà thịt rộng 1.700m2 được đầu tư khá hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, quy mô 7.500 con của ông Lê Văn Ân - một trong những triệu phú nuôi gà ở xóm 2A. Ông vui vẻ cho biết:  mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 7 lứa gà, lãi ròng trên dưới 100 triệu đồng. Không dừng lại ở việc nuôi gà, CCB này còn đang triển khai dự án nuôi lươn đồng và ấp ủ dự định nhận thêm đất để nuôi cua… quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó.
 
Năng động phát triển
 
Nói về những đổi thay của Diễn Trung hôm nay, ông Hồ Công Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã hồi tưởng: Vốn là một xã ven biển, với 2.035 hộ, 10.369 nhân khẩu, trong khi đất canh tác chỉ có 500 ha, phần lớn bạc màu, khô hạn nên đời sống của người dân Diễn Trung gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở với bài toán xoá đói, giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi những vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả, nhiễm mặn sang mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản. Nhờ đó, những vùng đất bạc màu, hoang hoá, chua phèn dần biến thành những đầm tôm, những trang trại rộng lớn cho giá trị kinh tế cao. Để thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, bên cạnh việc tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân, cấp uỷ, chính quyền còn chỉ đạo các hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB đứng ra tín chấp, thế chấp vay vốn ngân hàng để hội viên nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi. Xã còn tạo điều kiện để người dân đấu thầu đất hoang hoá, ao đầm để làm VAC như thông qua việc thực hiện Chỉ thị 08 về dồn điền, đổi thửa, nhiều người dân có cơ hội nhận những diện tích đất chua phèn để làm trang trại chăn nuôi…
 
Chủ trương đưa ra là thế, nhưng quá trình để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân là không dễ, bởi vậy cán bộ, đảng viên, hội viên các hội phải là những người tiên phong đi trước để nhân dân tin và làm theo. Nhiều cán bộ xã cũng là những tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia, trang trại như gia đình Xã đội trưởng Hồ Sáu hay gia đình Phó Chủ tịch Hồ Quốc Thắng với trang trại quy mô 200 con lợn thịt, 4.000 con gà đẻ, tạo việc làm  cho 2-5 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng…
 
Để đảm bảo tính ổn định cho đầu ra của sản phẩm, xã chủ động phối hợp với một số công ty, 1 dự án để phát triển hàng hoá sạch như nuôi tôm theo chương trình VietGAP,  dự án  nuôi gà sạch với Công ty Cibi không chỉ được hỗ trợ giống, thức ăn mà còn được bao tiêu đầu ra.  Nhờ vậy mà bà con yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi ra toàn xã, nhà ít thì vài chục, vài trăm con, nhà nhiều lên đến hàng nghìn con. Anh Tuyến, Hội Nông dân, người dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình kinh tế giỏi cho biết: Người dân Diễn Trung giàu lên nhờ phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Từ một vài ao hồ nhỏ lẻ hiện toàn xã đã có hơn 30 ha tôm, sản lượng đạt 150 tấn,168 trang trại lớn, nhỏ với tổng đàn gia súc, gia cầm lên tới 1.62.100 con… Bên cạnh đó, để giải quyết lao động dư thừa, xã khuyến khích người dân phát huy lợi thế vùng bãi ngang ven biển, với 6,8 km chiều dài dọc tuyến biển phát triển hoạt động đánh bắt thuỷ sản gần bờ, đẩy mạnh XKLĐ, toàn xã có hơn 1.007 lao động làm việc trong các khu công nghiệp và 30 lượt người đi XKLĐ. Về Diễn Trung hôm nay, đi đến đâu, cũng nghe người dân râm ran bàn chuyện làm ăn, mở rộng quy mô gia trại, trang trại…
 
Chính sự cần cù, năng động của cấp uỷ, chính quyền và bà con nhân dân Diễn Trung trong việc thay đổi phương thức canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá mang lại giá trị kinh tế cao, đã và đang làm thay da đổi thịt ở vùng đất này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định ở mức 18,5%, bình quân thu nhập đầu người đạt 19,2 triệu đồng/năm… Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của  nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhờ sự tích cực tham gia đóng góp, xây dựng của người dân, nhiều công trình trọng điểm phục vụ dân sinh như cầu cống, trung tâm giao dịch một cửa, trường học, tuyến mương đường An Ngãi từ xóm 7B-2B… đã  được tu bổ, nâng cấp, bê tông hoá đường giao thông nông thôn đạt 75%, trong đó có 4 xóm đạt 100%... tạo diện mạo mới cho xã vùng bãi ngang.
 
Khánh Ly