(Baonghean) - Mỗi năm, Diễn Châu sản xuất hàng ngàn tấn nông, hải sản và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, khoảng vài tháng trở lại đây,  thị trường này “ăn hàng” kém, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Việc tìm một hướng đi mới để đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

images1012025__nh_3.jpgSơ chế lạc xuất khẩu tại doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (Diễn Thịnh - Diễn Châu).
 
 
Ứ đọng nông, hải sản
 
Hơn 1 tháng nay, cơ sở sản xuất bột cá Hiền Tuyến tại xã Diễn Ngọc không xuất đươc một tấn hàng nào đi Trung Quốc. Hàng trăm tấn bột cá đang ứ đọng trong kho khiến cho chủ doanh nghiệp lo sốt vó và tìm đủ mọi cách để tiêu thụ. Để bán được hàng, chủ doanh nghiệp đã phải chạy vạy khắp nơi, nhờ vả các doanh nghiệp khác xin được “gửi” hàng bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong nước. Nhưng số lượng cũng chẳng đáng bao nhiêu và chuyện lỗ, lãi không còn là vấn đề quan trọng nữa. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất bột cá Hiền Tuyến cho biết: Trước đây, trung bình mỗi tháng cơ sở chúng tôi xuất được 2-3 xe, mỗi xe 40 tấn bột cá sang Trung Quốc, nhưng hơn 2 tháng nay tình hình rất khó khăn, không xuất được xe nào. Thật tình chúng tôi không muốn bán cho Trung Quốc vì thường bị ép giá và có những lúc phải ngậm đắng vì bị thương lái Trung Quốc lừa. Nhưng bây giờ không bán cho thương lái Trung Quốc thì không biết bán cho ai, thị trường nội địa quá khắt khe, giá cả thấp. Mỗi cân cá chúng tôi mua cho người dân từ 4.000-7.000 đồng (tùy loại) và phải bán với giá trên 21.000 đồng/kg bột cá mới có lãi. Nhưng hiện nay, giá chỉ bán được là 18.000 đồng và doanh nghiệp chưa có tiền để trả cho người dân. 
 
Cùng chung nỗi lo đó, cơ sở sản xuất bột cá, cá phi lê của gia đình anh Nguyễn Hùng cũng gặp khó khăn khi thị trường Trung Quốc “ăn” hàng kém hơn. Anh Hùng cho biết, như các năm trước thì sản phẩm bột cá, cá phi lê làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó và thường là không có hàng để bán. Nhưng từ đầu năm đến nay, lượng hàng xuất đi có hạn và anh phải chuyển hàng vào miền Nam thông qua một công ty khác mới bán được. Đã thế, giá cả cũng bấp bênh, như đầu năm nay đã hạ xuống nên doanh thu của cơ sở bị giảm đáng kể. Anh Nguyễn Hùng chia sẻ: Bình thường thì giá mỗi kg cá phi lê là từ 32.000 – 35.000 đồng nhưng nay hạ xuống chỉ còn 26.000-27.000 đồng. Trước đây, mỗi tháng tôi xuất được khoảng 40 tấn cá thì đến nay chỉ còn khoảng 15-20 tấn. Đó là đối với các cơ sở lớn, còn đối với những cơ sở nhỏ chuyên cung cấp mặt hàng tôm, ghẹ tươi sống xuất khẩu thì bi đát hơn. Các cơ sở này thường cung cấp hàng cho các thương lái ở sát biên giới Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ông Uyên, chủ cơ sở cấp đông xã Diễn Ngọc tâm sự: Thường thì 3 chuyến đầu, thương lái Trung Quốc mua với giá rất cao nhưng đến chuyến thứ 4 thì tự nhiên không mua nữa hoặc ngâm hàng rồi ép bán với giá rẻ mạt. Do phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc nên chúng tôi chỉ buôn bán cầm chừng, nhỏ lẻ mà không dám gom hàng lớn. 
 
 Cùng với mặt hàng hải sản thì lạc nhân là nông sản chủ lực trong xuất khẩu của Diễn Châu. Với diện tích 3.236 ha, mỗi năm sản lượng lạc của toàn huyện khoảng hơn 8.000 tấn. Thị trường tiêu thụ lạc của Diễn Châu chủ yếu là Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Những năm trước, thương lái Trung Quốc về tận nhà, xem hàng rồi đặt cọc, hẹn ngày giao hàng. Nhưng 2 năm trở lại đây, thương lái Trung Quốc không sang thu mua nữa nên việc buôn bán ngày càng khó khăn hơn. Lạc rớt giá thảm hại, cộng với việc tiêu thụ khó khăn nên diện tích lạc đang ngày càng giảm sút. Dù đã vào mùa xuất khẩu lạc nhưng doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (xã Diễn Thịnh) không mặn mà trong việc gom và sơ chế lạc.
 
Ông Phạm Ngọc Thắng, chủ doanh nghiệp cho biết: Năm nay, tình hình xuất khẩu lạc khó khăn và ế ẩm hơn các năm, có khi chỉ bằng 1/10 mà thôi. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc không có nhu cầu và một phần khác là do giá lạc của chúng ta quá cao nên khó cạnh tranh được với lạc của Ấn Độ. Giá lạc nhân loại 1 của ta là 28.000 đồng/kg trong khi Ấn Độ bán chỉ dao động từ 23.000 – 24.000 đồng/kg nên khó tiêu thụ là chuyện đương nhiên. Không chỉ doanh nghiệp Sỹ Thắng mà hiện nay tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lạc ở Diễn Châu cùng gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Mỗi năm Diễn Châu xuất khẩu từ 10.000 đến 15.000 tấn lạc theo đường tiểu ngạch, tuy nhiên năm nay theo dự báo của các nhà kinh doanh thì toàn huyện chỉ xuất được khoảng 3.000- 5.000 tấn lạc. 
 
Chuyển hướng, giảm phụ thuộc
 
Mỗi năm, huyện Diễn Châu khai thác được khoảng 25-30 ngàn tấn hải sản, trong đó, có tới một nửa được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó mặt hàng bột cá chiếm tỷ lệ lớn. Trên địa bàn huyện hiện nay có 4 nhà máy chế biến bột cá nhưng chỉ có 1 nhà máy xuất qua Trung Quốc qua đường chính ngạch. Việc buôn bán với thương lái Trung Quốc chịu nhiều rủ ro nhưng doanh nghiệp chưa tìm được thị trường nào thay thế. Bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Chúng tôi là doanh nghiệp chế biến bột cá, gắn bó lợi ích với ngư dân nhưng hầu như chưa được quan tâm hỗ trợ khi có khó khăn. Trong khi bột cá trong nước dư thừa nhưng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn nhập khẩu bột cá của nước ngoài về. Không tiêu thụ được trong nước nên bắt buộc phải bán cho Trung Quốc dù biết nhiều rủi ro... Cùng suy nghĩ đó, ông Nguyễn Hùng cho hay: Nếu doanh nghiệp không bán được sản phẩm thì sẽ không mua cá cho người dân. Trong khi mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản đều tăng cao, suy cho cùng cả doanh nghiệp và người dân phải chịu thiệt. Chúng tôi cũng đã tìm kiếm thị trường mới nhưng điều đó không hề dễ bởi thị trường nội địa quá khắt khe, thủ tục rườm rà, phức tạp.
 
Có thể nói, việc tìm kiếm thị trường mới là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông, hải sản trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, những rào cản từ nhiều phía khiến cho hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tăng tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh mà mở ra nhiều cơ hội mới thì việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Thời gian qua, doanh nghiệp Sỹ Thắng đang tích cực đẩy mạnh tìm kiếm bạn hàng thị trường nội địa. Ngoài việc xây dựng quầy giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp đã xúc tiến hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu lạc nhân để xây dựng chỗ đứng trên thị trường. Hiện doanh nghiệp đã ký kết được với các siêu thị ở miền Nam để đưa mặt hàng lạc vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Ông Phạm Ngọc Thắng - chủ doanh nghiệp Sỹ Thắng cho biết: Lâu nay, thị trường nội địa luôn là thị trường khó và chưa thu hút được doanh nghiệp. Bởi thị trường này nhu cầu không lớn nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao mà giá cả lại thấp. Nhưng trong thời điểm này thì cần phải tìm kiếm nhiều cơ hội hơn bởi không thể phụ thuộc vào Trung Quốc mãi. Để làm được điều đó, những doanh nghiệp như chúng tôi rất mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách của Nhà nước.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Trong việc xuất khẩu hải sản thì Nhà nước đã có định hướng đẩy mạnh vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... nhưng do chất lượng sản phẩm của chúng ta còn thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu chưa đạt quy chuẩn nên rất khó. Trước tình trạng trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu, giảm thuế suất... để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận những thị trường mới, khó tính. Còn với hàng nông sản, theo ông Võ Tuyến Vinh, Phó phòng Công thương huyện thì để tháo gỡ những khó khăn cho việc xuất khẩu lạc, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, thì việc xây dựng thương hiệu riêng sẽ là một trong những giải pháp tích cực nhất.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng liên kết giữa 4 nhà đang trở nên cấp thiết trong vấn đề ổn định thị trường xuất khẩu lạc ở Diễn Châu. Muốn giảm được phụ thuộc vào Trung Quốc thì Nhà nước phải đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước bằng những chính sách, cơ chế cụ thể như đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó có cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hỗ trợ về vốn, công nghệ, thành lập thêm nhiều nhà máy chế biến sản phẩm có liên quan đến dầu ăn và đầu tư cơ sở khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm lạc. 
 
Cùng với các lĩnh vực khác thì sản xuất nông nghiệp, trong đó xuất khẩu nông, hải sản đóng vị trí quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Diễn Châu. Tuy vậy, để tận dụng được những cơ hội xuất khẩu nhóm hàng này, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, thì việc triển khai những chính sách hỗ trợ hay cải cách thủ tục hành chính, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu xứng tầm, chuyên sâu là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ kết nối, hỗ trợ phân phối, tiêu thụ nông sản và hình thành các liên kết chuỗi giá trị cần được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện một cách mạnh mẽ và có hiệu quả.
 
 
Phạm Bằng