(Baonghean) - Nợ đọng thuế đang khá báo động ở Nghệ An khi số thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2014 đạt  3.024 tỷ đồng, bằng 55% Kế hoạch, nợ thuế  tới 870 tỷ đồng. Bên cạnh doanh nghiệp (dn) hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngừng hoạt động, bỏ trốn, giải thể thì vẫn còn những hạn chế thuộc về chủ quan từ cả cơ sở lẫn chính sách. Nợ thuế chưa được kiềm chế. 
 
 
Chưa tròn trách nhiệm
 
Chi cục Thuế Vinh là đơn vị có số nợ thuế lớn nhất trong các địa phương trên địa bàn tỉnh, tính đến 30/6/2014, nợ thuế là 204,7 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2013, chiếm khoảng 1/4 nợ thuế của toàn tỉnh. Theo lãnh đạo Chi cục Thuế Vinh, nguyên nhân tăng nợ thuế là do các chính sách của Nhà nước thay đổi như thuế GTGT kê khai theo quý, cho nên thuế phát sinh theo quý. Nền kinh tế suy thoái DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, Ngân hàng siết chặt việc cho vay vốn nên DN không đủ tiền để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và luân chuyển vốn. Một số DN làm ăn thua lỗ dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán kéo dài. Các DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng vẫn chưa được Nhà nước chi trả vốn đầu tư từ NSNN dẫn đến nợ thuế lớn kéo dài. Trong khi đó, do địa chỉ DN khi thay đổi địa điểm không thay đổi mã tin, không bổ sung trong giấy phép kinh doanh nên khó khăn trong việc liên hệ làm việc, đôn đốc, cưỡng chế.
 
image_4954020.jpgTiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa.
 
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân khiến nợ thuế tăng cao, còn do tỷ lệ thu nợ của từng nhân viên, cán bộ thu thuế dưới các đội phường, xã đạt chưa cao. Đội thuế liên phường xã số 4 ở các phường Hà Huy Tập - Hưng Đông – Nghi Kim - Nghi Ân thực hiện chỉ tiêu thu nợ trong tháng 6/2014, hầu hết các cá nhân đều không hoàn thành nhiệm vụ. Người thu nợ đạt cao nhất cũng chỉ 78%, còn hầu hết đạt từ 61% đến 65%, bình quân là 64%. Ở Đội thuế chợ Vinh, tỷ lệ thu thuế tháng 6/2014 chỉ đạt 56% KH, còn truy thu nợ đọng đạt 75% KH. Còn ở Đội thuế liên phường, xã Hồng Sơn – Lê Mao - Vinh Tân, tỷ lệ thu nợ của từng cán bộ đạt cao nhất, nhưng cũng chỉ 88% và số nợ đọng của đội này tăng theo từng tháng. 
 
Theo ông Hoàng Phạm Quảng – Đội trưởng Đội Quản lý nợ thuế Chi cục Thuế Thành phố Vinh: “Chi cục đã giao khoán số nợ thu cho từng cán bộ, nhân viên, ai hoàn thành  từ 90 -100% đạt loại A được hưởng  nguyên lương, ai thu được 70 - 90% thì loại B, còn dưới 70% là loại C. Loại B và C sẽ bị trừ lương. Như vậy, đối chiếu với kết quả thu nợ của cán bộ, nhân viên Chi cục Vinh có thể thấy là hầu hết bị trừ lương. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng ai bị trừ lương cả, kết quả thu ngân sách hàng tháng, hàng quý của nhân viên là căn cứ để xếp loại thi đua cuối năm.
 
Chính ý thức trách nhiệm, sự tận tụy, tinh thần thi đua trong công việc của đội ngũ cán bộ thuế để hoàn thành nhiệm vụ ở dưới cơ sở sẽ quyết định đến số tăng, giảm nợ đọng thuế ở các chi cục. Nếu cán bộ thu thuế đôn đốc quyết liệt giám sát nợ để thu hết ngay phần nợ của mình, không nể nang doanh nghiệp, hộ kinh doanh; kịp thời có giải pháp quản lý tốt số nợ, đồng thời giám sát các doanh nghiệp nợ lâu, nợ tăng, cũng sẽ khiến tình trạng DN bỏ trốn không tăng cao như vậy. Báo cáo sơ kết thuế 6 tháng của  Chi cục Thuế Vinh thừa nhận: “Mặc dù đã thực hiện quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế đầy đủ các bước theo quy trình nhưng số nợ ngày càng tăng cao do không kiểm soát được số nợ mới phát sinh và số tiền phạt, tiền chậm nộp”.  
 
Cán bộ Chi cục thuế TP. Vinh làm việc với Công ty TNHH Tiến Lực về nợ đọng thuế.
 
Sau hơn 6 tháng, đến thời điểm 30/6/2014, toàn Chi cục thuế Vinh đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, thu được 49% tổng số nợ cũ của năm 2013 là 73.750 triệu đồng. Toàn Chi cục cũng tiến hành thu nợ mới năm 2014 được hơn 40 tỷ đồng. Như vậy, dễ dàng nhận thấy vẫn còn một khối nợ lớn chưa biết bao giờ thu được, đặc biệt là nợ từ 2013 trở về trước. Nợ thuế đang gây nên sự lúng túng trong chỉ đạo, điều hành của Chi cục và có thể sẽ chi phối đến nhiệm vụ thu của Chi cục này. 
 
Còn ở Chi cục thuế Hoàng Mai, hiện số nợ thuế lên tới 36,1 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do chưa có trụ sở làm việc, toàn bộ cán bộ Chi cục đang phải ngồi làm việc ở hành lang của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Hoàng Mai, điều kiện làm việc thiếu thốn, nóng bức, chỗ nghỉ không có, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hoàng Mai  Ngô Gia Tinh cho biết, sáng 8h cán bộ, nhân viên mới đến làm việc, chiều 4h đã ra về. Bên cạnh đó, hệ thống mạng tin học, điện tại Hoàng Mai không ổn định, đặc biệt là sự kết nối truyền số liệu về chi cục luôn chậm, công tác bàn giao giữa 2 chi cục thực hiện không tốt gây nên nhiều công việc phát sinh như tổ chức cho 21 ngàn hộ sử dụng đất phi nông nghiệp kê khai lại, nhập chứng từ thuế từ năm 2012. Theo dõi nợ đọng không chính xác, chưa quyết toán sử dụng hóa đơn tại Quỳnh Lưu nên không nhập được thông báo phát hành...
 
Chính tinh thần trách nhiệm làm việc như vậy cộng với “cục nợ” để lại của thủ trưởng trước đã khiến cho công tác thu thuế ở Hoàng Mai gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Nợ thuế lớn từ các “đại gia”
 
“Đại gia” và “con nợ” luôn song hành với nhau trong bức tranh nợ thuế ở Nghệ An. 120 doanh nghiệp khá lớn trên địa bàn chiếm đến một nửa số nợ với khoảng 400 tỷ đồng. Các DN nợ chủ yếu là kinh doanh bất động sản và xây dựng. Đứng đầu là Công ty TNHH Tổng Công ty Đầu tư và Hợp tác Việt Lào nợ 30,4 tỷ đồng, Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí 22 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 nợ 17,5 tỷ đồng, Công ty XD cầu đường Nghệ An 15 tỷ đồng, Công ty CP XD 16 Vinaconex nợ 15,4 tỷ đồng, Công ty CP XD số 9.1 nợ 10,1 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng khu công nghiệp Hoàng Mai 14,2 tỷ đồng, Công ty CP tư vấn và Xây dựng công trình miền Trung 14 tỷ đồng... Có 85 công ty nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Số nợ ngày càng tăng và khó thanh toán triệt để do cả phạt nộp chậm. Nhiều DN đã bị thông báo hóa đơn không còn sử dụng. Bà Đinh Thị Thúy Anh – Trưởng phòng Quản lý nợ thuế Cục Thuế Nghệ An cho biết: Đến lúc thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nghĩa là “bước đường cùng”, doanh nghiệp sẽ không có lối thoát bởi theo quy định thông báo có hiệu lực trong một năm. Nếu DN không hoạt động một năm thì cũng coi như “chết”. Chính vì vậy, Cục Thuế rất cân nhắc khi áp dụng biện pháp này, DN nào đang hoạt động thì không nên áp dụng để tạo điều kiện cho DN có cơ hội làm ăn trả nợ. 
 
Nhiều  DN tỏ ra “thách thức”, chây ỳ, không hợp tác và không cần biết ngành Thuế làm gì với tình trạng nợ thuế của mình. Một trong những lý do khiến cho Cục Thuế quan ngại nhất là các công ty ngoại tỉnh, nhiều DN nợ lớn đều có trụ sở chính ở các tỉnh khác, Giám đốc ở nơi khác nên rất khó thu thuế. Bên cạnh đó, trong quá trình thông báo ngừng sử dụng hóa đơn, thực hiện cưỡng chế nợ thuế, ngành Thuế cũng gặp những “can thiệp từ trên” để DN tiếp tục... được nợ.
 
Kinh nghiệm của Đô Lương 
 
Chi cục Thuế Đô Lương là một chi cục có số thu tương đối lớn trên địa bàn, nhưng số nợ thuế rất ít. 6 tháng đầu năm 2014, số thu Chi cục thuế Đô Lương đạt được 54,579 tỷ đồng/73,6 tỷ đồng kế hoạch, bằng 74,2% dự toán pháp lệnh. Đó là một kết quả rất đáng mừng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nợ đọng thuế trên địa bàn chỉ còn 7,8 tỷ đồng, số nợ này “khiêm tốn” nếu so sánh với với nợ đọng ở một số Chi cục như Hưng Nguyên nợ 16,5 tỷ đồng, TX. Hoàng Mai nợ 26,1 tỷ đồng, Nam Đàn nợ 17,3 tỷ đồng, Nghi Lộc nợ 17,2 tỷ đồng, Diễn Châu nợ 17,3 tỷ đồng, TX. Thái Hòa nợ 15,5 tỷ đồng...
 
Trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thuế  Đô Lương - ông Mai Văn Đông được biết “bí quyết” ở Đô Lương đó chính là suy động sức mạnh tổng hợp từ chính quyền địa phương, các ngành mình trên địa bàn, từ đó tạo ra được “quyền lực” trong thu thuế và  thu nợ thuế. Nhưng để làm được điều đó, chính ngành Thuế phải chứng tỏ vai trò đầu tàu, tiên phong của mình, phải phát huy trí tuệ của mình vào công tác quản lý thuế trên địa bàn để đạt được kết quả tốt nhất. Chi cục Thuế Đô Lương đã tham mưu cho huyện ban hành Đề án  “Chống thất thu và phát triển nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện Đô Lương, giai đoạn 2011-2015”.
 
Và rất nhiều giải pháp được Chi cục Thuế Đô Lương đưa ra, cùng với phát triển nguồn thu là chống thất thu. Chi cục thuế chủ trì, phối hợp các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác công khai thuế, tích cực tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế, đồng thời lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thuế. Chi cục cũng tham mưu UBND huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, cương quyết xử lý các đối tượng kinh doanh không có giấy phép ĐKKD và kinh doanh không kê khai, nộp thuế. Công tác phối hợp giữa Chi cục với các đơn vị, phòng, ban cũng mang lại hiệu quả cao.
 
Đó là: Phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch thống kê hoá đơn bán hàng các cơ sở sản xuất, kinh doanh viết cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách, qua đó đối chiếu với kê khai của các cơ sở kinh doanh, phát hiện những trường hợp vi phạm trong việc sử dụng hoá đơn bán hàng; phối hợp với chủ đầu tư và Ban quản lý các dự án (kể cả huyện và xã) kiểm tra, đối chiếu việc đăng ký, kê khai thuế của các nhà thầu đối với các công trình đã và đang thi công trên địa bàn toàn huyện; Phối hợp Phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra thủ tục pháp lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác đất, đá, cát, sạn và tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo về việc khai thác khoáng sản. Đồng thời, phối hợp với Công an huyện điều tra, xác minh và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thương mại trên các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản; Kinh doanh vận tải; Chế biến lâm sản; Khai thác cát, sạn...
 
Để “siết chặt” các nguồn tiền chu chuyển, Chi cục đã phối hợp với các  ngân hàng  trên địa bàn để nắm lượng tiền chuyển khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực, qua đó phát hiện các trường hợp kinh doanh không kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ, kịp thời theo quy định... Phí là khoản thu quan trọng của ngân sách, để tăng nguồn thu này, Chi cục thuế tiến hành kiểm tra thực tế tại các xã, thị có hoạt động thu phí (phí đò, phí chợ, phí bến bãi...) đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra quyết toán phí, lệ phí.
 
Chính sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các ngành trên địa bàn cùng với sự tích cực, tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy của người đứng đầu và từng cán bộ thu thuế nên Đô Lương vừa thực hiện tốt nhiệm vụ thu, đồng thời kiểm soát tốt nợ thuế. Ông  Hoàng Quốc  Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: “Công tác thu ngân sách muốn đạt kết quả cao một mình ngành Thuế không làm được mà phải có sự vào cuộc của các ngành cùng với Chi cục Thuế một cách chặt chẽ”.
 
Sớm khắc phục những kẽ hở trong thu nợ thuế  
 
Hiện biện pháp cưỡng chế tiền qua tài khoản ngân hàng của DN đã được quy định trong luật; và là một giải pháp thu nợ thuế khá hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, các chi nhánh Ngân hàng như Eximbank, chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn... đều cho rằng khi có yêu cầu của cơ quan thuế đều nghiêm túc thực hiện việc trích tiền trong tài khoản của DN khi các DN này nợ thuế. Tuy nhiên, giải pháp này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đó là ngành Thuế tỉnh chỉ kiểm tra, giám sát được các tài khoản của các DN ở các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, còn tài khoản ở các ngân hàng ở các tỉnh khác thì không có điều kiện giám sát được, hoặc phải nhờ Cục Thuế các tỉnh khác. Việc cung cấp tài khoản của DN là do DN tự khai báo với thuế, nếu muốn biết chính xác, ngành Thuế phải xác minh. 
 
 Ngay cả trên địa bàn tỉnh, cũng quá nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, bởi vậy việc điều tra, nắm bắt các tài khoản của DN không dễ. Theo ông Phan Hữu Phùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TM - CP Sài Gòn thì ngân hàng cũng chưa nhận được văn bản phối hợp của ngành Thuế trong vấn đề thu nợ thuế, mà ngân hàng đang tự nguyện thực hiện. Có thể một số ngân hàng tư nhân sẽ không “mặn mà” hợp tác, bởi quyền lợi khách hàng của mình. Mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa các ngân hàng trong thu nợ thuế nhưng trên thực tế vẫn còn có trường hợp ngân hàng “để sổng” mất nợ thuế hoặc ngân hàng vì quyền lợi của ngân hàng, xiết nợ vay ngân hàng trước khi tính đến nợ thuế. Bởi vậy, nhiều khoản tiền về của DN qua ngân hàng đã không được trả nợ thuế mà dùng để trả nợ ngân hàng. 
 
Trong cưỡng chế nợ thuế có thể nói là còn thiếu cương quyết và chưa hiệu quả. Hiện nay các chi nhánh công ty đóng trên địa bàn tỉnh nợ thuế khá nhiều nhưng khi cưỡng chế thì không thể kê biên được do tài sản thuộc sở hữu của công ty mẹ hoặc  đã thế chấp ngân hàng...
 
Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục phó Cục Thuế Nghệ An cho biết: “Hiện nay ngành Thuế đang quản lý trên 8.000 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, 1 tháng có trên 1.000 DN có tờ khai thuế bằng không, 228 DN đang làm thủ tục đóng mã số thuế. Đến 30/6/2014 nợ thuế là 835 tỷ đồng. Nhóm mất tích giải thể, phá sản, nợ 83,6  tỷ đồng, nợ chờ xử lý 29 tỷ đồng, nợ tiền phạt nộp chậm 168,4 tỷ đồng, nợ phải thu thông thường 619,3 tỷ đồng. Trước tình hình tiền phạt nộp chậm như vậy, Chính phủ yêu cầu các tỉnh làm việc với các DN có nợ lớn, có số phạt nộp chậm lớn để tháo gỡ cho DN. Gốc nợ sâu xa là do trước đây tình hình khó khăn, Chính phủ cho DN gia hạn nợ thuế, năm 2011 được gia hạn  136,9 tỷ đồng, năm 2012  được gia hạn 282 tỷ đồng, năm 2013 gia hạn 288 tỷ đồng, nay đến hạn nộp họ không có tiền nộp thuế vì đã  đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Gần 100 dự án bất động sản thì mấy năm nay không hoạt động”.
 
Bức tranh nợ thuế cho thấy đang có sự thiếu công bằng giữa các DN được và không được gia hạn nợ thuế; giữa những DN chây ỳ nợ đọng và DN nộp thuế đầy đủ. Ở nhiều  đơn vị, trước đây khi kế hoạch thu ngân sách “hòm hòm” rồi, ngành Thuế cũng không sát sao đòi nợ thuế, thậm chí buông lỏng nợ thuế, đó là nguyên nhân nợ thuế ở một số phòng, chi cục tăng rất nhanh. 
 
Từ kinh nghiệm quản lý thuế của Đô Lương, cùng với khắc phục những bất cập nói trên, xiết chặt kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, chi cục làm tốt; kỷ luật mạnh tay với những cán bộ chưa hoàn thành trách nhiệm... là những giải pháp góp phần thu nợ đọng thuế hiệu quả. Thực tế cho thấy, một số huyện vẫn đang coi nhiệm vụ thu thuế là của ngành Thuế. Do đó, ngoài việc ngành Thuế cần nâng cao trách nhiệm trong công tác thì các ngành, các huyện phải thực sự vào cuộc, tháo gỡ ngay những khó khăn cho DN, bên cạnh đó có các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
 
Hồng Sọc