(Baonghean) - LTS:  Trong những ngày đầu năm 2013, tại TP. Vinh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức 2 cuộc gặp mặt có ý nghĩa. Đó là cuộc gặp Tướng lĩnh và trí thức, văn nghệ sỹ quê hương Nghệ An được tặng giải thưởng, danh hiệu cao quý của Nhà nước đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc. Cuộc gặp mặt là sự hội ngộ của tinh hoa xứ Nghệ trên tinh thần ấm áp đầy nghĩa tình của quê hương, nhằm tôn vinh và cũng là sự tri ân công lao to lớn những người con xứ Nghệ thành đạt.

Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên- tác giả của những ca khúc mang đậm sắc màu Dân ca xứ Nghệ vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2012, vì bận việc không về dự được, đã gửi bức thư đầy tâm huyết, trăn trở trước sự phát triển của quê hương Nghệ An. Báo Nghệ An trích đăng giới thiệu cùng bạn đọc.

Việc tỉnh nhà tổ chức liên tiếp 2 cuộc gặp mặt: Tướng lĩnh và trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu quê hương Nghệ An, được dư luận chung ca ngợi lắm, vì ta đã tập hợp được gần như toàn bộ tinh hoa, những người con tiêu biểu trên 3 lĩnh vực: Quân sự, Khoa học, Văn hóa... của xứ Nghệ trong thời đại Hồ Chí Minh về với quê hương yêu dấu. Chắc chắn sẽ có hiệu ứng tích cực bằng những đóng góp cụ thể để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Với văn hóa Nghệ An, trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng cần phải có chiến lược, có nhiều nỗ lực cao hơn để có nhiều thành tựu lớn hơn, mang tầm quốc gia, khu vực, mới tương xứng với mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà và truyền thống văn hóa xứ Nghệ. Tôi nghĩ, nếu ta có định hướng, có đầu tư tốt, tập trung được lực lượng, chắc chắn sẽ làm được! Vì Nghệ An có nhiều thế mạnh mà không phải tỉnh nào cũng có được.

Trước mắt, theo tôi, Nghệ An có 4 thế mạnh có thể tập trung xây dựng thành ưu thế lớn, là "4 quả đấm thép", cho văn hóa Nghệ An trong tương lai.

Thứ nhất là, thế mạnh về văn chương. Xứ Nghệ là đất văn chương. Ra ngõ gặp nhà thơ. Tập trung xây dựng cho có một lực lượng nhà văn tài năng đông đảo hơn, xuất sắc hơn, để có được nhiều tác phẩm văn học xuất sắc, nổi tiếng cả nước và vươn tới khu vực, với những đề tài về mảnh đất, con người xứ Nghệ, gây hiệu ứng lớn trong xã hội. Bắt đầu từ việc củng cố và thúc đẩy đội ngũ viết văn đã trưởng thành, song song với việc đào tạo tài năng văn chương trong lớp trẻ, lấy nòng cốt là các lớp chuyên văn ở các trường phổ thông. Nếu có lộ trình đồng bộ, hợp lý thì khoảng 10 năm, văn chương Nghệ An sẽ là một trong những trung tâm văn chương cả nước. Có thế mới xứng đáng với tầm cao văn hóa truyền thống xứ Nghệ.

Thứ hai là, thế mạnh về Dân ca Nghệ Tĩnh. Đây là di sản, đặc sản Nghệ An. Người Nghệ An hát rất hay. Thanh niên Nghệ An bây giờ rất nhiều người hát hay, nổi tiếng.

789253_small_90240.jpg

                               Hát ví trên sông Lam.                     Ảnh: Xuân Tám

Tỉnh ta đã có kế hoạch trình UNESCO công nhận Dân ca Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa nhân loại, là việc làm rất tốt và cần thiết cho sự phát triển của tỉnh nhà. Để tiếp tục, cần có kế hoạch phát triển lớp trẻ hát dân ca, toàn tỉnh hát dân ca, nhà nhà hát dân ca, người người hát dân ca. Đồng thời đầu tư tài năng, trí tuệ và vật chất xây dựng Nhà hát dân ca Nghệ An thành một đơn vị nghệ thuật nổi tiếng, tầm cỡ Quốc gia, ai đến đây cũng phải xem, không xem là coi như chưa đến Nghệ An. Nhà hát Dân ca là một thế mạnh. Kế hoạch này là trong 5 đến 10 năm, có thể làm được, vì ta có tiềm năng lớn.

Thứ ba là, thế mạnh truyền thống hiếu học. Dân xứ Nghệ hiếu học, chí lớn, tài cao.

Trên lĩnh vực văn hóa, ta cần tập trung xây dựng Trường VHNT Nghệ An tầm cỡ, là trung tâm đào tạo văn hóa, nghệ thuật của khu vực Trước mắt, đầu tư cho Trường Cao đẳng VHNT có hội tụ các yếu tố "cần và đủ" để trở thành.một trường đại học đa ngành. Tạo cho được nguồn lực hùng hậu về nhu cầu văn hóa, nghệ thuật, không những của tỉnh nhà mà còn là nguồn lực của khu vực. Tập trung đào tạo những chuyên gia về văn hóa Nghệ Tĩnh, trên nền văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông. Đặc biệt là đào tạo hát và biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh và dân ca Khu 4, Việt Nam. Tạo cho được nhiều tài năng văn học, nghệ thuật nổi tiếng cả nước, chứ không chỉ tính đến phục vụ nhu cầu cụ thể trước mắt. Việc nâng cấp đại học nên làm ngay, còn việc nhà trường tầm có uy tín quốc gia thì ít nhất cũng 10 năm trở lên. Ta làm được vì dân ta hiếu học, người ta chí lớn, tài cao mà.

Thứ tư là, thế mạnh bài hát mới mang chất liệu Dân ca Nghệ Tĩnh. Từ mấy chục năm nay những bài hát mang âm hưởng Dân ca Nghệ Tĩnh đã được cả nước yêu thích, Việt kiều cũng mê, ai ai cũng mê dù rằng không phải là người Nghệ Tĩnh.

Đây là một thế mạnh để quảng bá hình ảnh Nghệ An ra cả nước và quốc tế. Trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc là loại hình làm quảng bá mạnh mẽ và hiệu quả nhất (cần có kế hoạch tập trung viết bài mới về mảnh đất và con người Nghệ An. Lấy nòng cốt là các nhạc sỹ đang công tác và sinh sống tại Nghệ An, phát huy mạnh mẽ nội lực, cộng thêm sự gắn bó "máu thịt", "tri kỷ" với một số ít nhạc sỹ tài năng ở các vùng, miền khác, khoảng trên dưới 10 người, ăn rồi chỉ chăm chăm ngồi "đánh vật" nghiên cứu, học tập và viết. Tổng cộng mỗi năm viết khoảng 15 đến 20 bài hát, chọn lọc lại còn 1 đến 2 bài thật hay nhất. Trong vòng kế hoạch 3 năm, ta sẽ có được 5 đến 6 bài hát (nếu 5 năm ta có trên dưới 10 bài) hay nhất phổ biến ra cả nước.

Chỉ thế thôi, các hài hát ấy cũng đủ khuấy động rầm rộ công chúng yêu nhạc cả nước lắm rồi. Ta làm được, bởi ta có lực lượng hùng hậu công chúng trong và ngoài nước yêu âm nhạc Nghệ Tĩnh, các nhạc sỹ có tài năng nhiều. Vấn đề là biết khai thác, phát huy, tạo cơ hội để có một cách đi, cách làm đúng mà thôi. Tôi ví dụ nhỏ: Nếu ta muốn Di tích oanh liệt Truông Bồn nổi tiếng hơn lên tầm cao mới, tôi nghĩ chỉ cần 2 đến 3 bài hát thật hay là sẽ rất hiệu quả rồi, chưa kể đến đầu tư thêm văn chương, sân khấu, điện ảnh, hội họa, tôi tin rằng sẽ đạt kết quả tốt hơn. Ngã ba Đồng Lộc là như thế, lớn hơn nữa Hàn Quốc là thế. Đầu tư vào văn hóa sẽ được xã hội văn hóa, sẽ được văn hóa trường tồn…

Thiếu tướng, Nhạc sỹ An Thuyên là một trong những người đầu tiên (cùng với nhà viết kịch tài danh Nguyễn Trung Phong, Nhạc sỹ Lê Hàm, Nhạc sỹ Thanh Tùng) có nhiều năm làm công tác sưu tầm Dân ca Nghệ Tĩnh. Nhiều năm tham gia xây dựng Hội Nhạc sỹ Việt Nam, đặc biệt có gần 20 năm xây dựng thành công Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân Đội từ 2 bàn tay trắng thành thương hiệu có uy tín cao trong hệ thống đào tạo VHNT nước nhà. Trên lĩnh vực sáng tác, ông là người được mến mộ, là người thành công trên cả 2 lĩnh vực: sáng tác và quản lý. Ông tâm sự rằng, tất cả những ý chí phấn đấu đó là phẩm chất của một con dân xứ Nghệ, sự nghiệp của ông mãi mãi thuộc về quê hương yêu dấu. Ông muốn được tiếp tục cống hiến nhiều hơn, thiết thực hơn cho quê hương. 4 việc trên là những suy nghĩ ban đầu, nhưng nó là suy nghĩ nhiều năm tích tụ, nó nằm trong khả năng của ông, có kinh nghiệm để xử lý từng việc. Nếu được lãnh đạo tỉnh đồng ý về phương hướng, ông sẽ chuẩn bị nội dung chi tiết, rõ ràng hơn, sắp xếp về báo cáo cụ thể. Rồi sau này làm việc gì trước, sau, ông sẽ xây dựng lộ trình và dự án khả thi từng việc một.

                                                                               Nhạc sỹ, Thiếu tướng
                                                                                          An Thuyên


(*) Đầu bài do Báo Nghệ An đặt.