(Baonghean) - Dù anh đã rời nghiệp báo hơn 3 năm nay, nhưng những người làm báo chúng tôi vẫn muốn mãi gọi anh là nhà báo -  đó là nhà báo Hồ Quang Lợi. Tên anh đã hằn sâu trong ký ức của độc giả Báo Quân đội Nhân dân - cây bút bình luận sắc sảo của nền báo chí Việt Nam đương đại; Tổng Biên tập nhiệt huyết của Báo Hà Nội Mới - tờ báo đảng Thủ đô.  Tập Thời luận mà anh cho ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2012 với tựa đề:  “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, đã khái quát phần nào tình hình Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và trong nước đầy biến động, nhất là những năm đầu đổi mới của Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Quỳnh Đôi - huyện Quỳnh Lưu - mảnh đất nghèo nhưng nổi tiếng khoa bảng, tuổi thơ Hồ Quang Lợi chịu nhiều vất vả, song ước mơ đèn sách đã thôi thúc anh học và thi đỗ trường chuyên danh tiếng của xứ Nghệ - Trường Phan Bội Châu. Từ cái nôi trường Phan, sự học của anh tiếp tục thăng hoa, anh thi đỗ xuất sắc, được đi du học ở nước ngoài. Anh tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài - Đại học Tổng hợp Bucarest (Romania) năm 1979. Trở về từ Châu Âu năm 1979, anh xung phong vào quân ngũ, tham gia khóa đào tạo sĩ quan cấp tốc, trở thành phóng viên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), thường trú mặt trận ở các đơn vị tiền tiêu đầy gian khổ, hiểm nguy nơi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

789749_small_90773.jpg

Nhà báo Hồ Quang Lợi

3 năm trải nghiệm thực tiễn, cuối năm 1981, anh được chuyển về Phòng Thời sự quốc tế của Báo QĐND. Nghiệp làm báo đã đưa anh đặt chân đến hàng chục quốc gia. Với thế giới quan rộng mở, hiểu biết sâu, sự nhạy cảm, khả năng bao quát, nhận định, dự cảm, đã giúp anh có những bài thời luận sắc sảo, có chiều sâu, có phong cách riêng, được bạn đọc đón đợi. Với Hồ Quang Lợi, quan điểm của anh là viết về Quốc tế luôn có mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam và ngược lại, viết về Việt Nam luôn đặt trong dòng chảy của thế giới.

Trong 28 năm giữ chuyên mục “Bình luận quốc tế” Báo QĐND, Hồ Quang Lợi đã có hàng trăm bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ, định hướng trong từng thời điểm chính trị nhạy cảm, quan trọng. Tập Thời luận với tựa đề: “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” được chắt lọc qua những năm tháng đó. Cuốn sách được chia làm 4 phần theo cụm vấn đề.

Phần 1: Sự thật và lăng kính: Phần này tác giả bày tỏ quan điểm đối với cách nhìn nhận của Mỹ và một số nước phương Tây khác về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, với những bài viết: “Cuộc chiến tranh có tên gọi hòa bình”, hay anh đã phản bác lại luận điệu vu khống,  xuyên tạc của kẻ thù thông qua “diễn biến hòa bình” bằng ngòi bút sắc sảo trong bài: “Họ đã thấy gì ở “điểm nóng” Tây Nguyên”?. Trong bối cảnh chao đảo rồi dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, thì với con mắt tinh tường, cái nhìn xuyên thấu về “một khúc quanh lịch sử”, anh đã dự cảm khi soi vào cách mạng Việt  Nam trong bối cảnh khó khăn đó, và đưa ra nhận định tốt đẹp, đầy tự tin  về một Việt Nam đổi mới khi biết bước qua “khúc quanh lịch sử”, trong bài viết “Ngọn gió thời đại”...

Phần 2: “Cần đôi mắt mới”: Phần này, Nhà báo Hồ Quang Lợi dành trọn để viết về mối bang giao đầy thăng trầm giữa Việt Nam và Mỹ trong gần một phần tư thế kỷ qua: căng thẳng, phức tạp trong giai đoạn cấm vận; trải qua nhiều gập ghềnh trắc trở, đến điểm nút tất yếu của xu thế phát triển là bình thường hóa, hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, là chủ đề xuyên suốt của phần này.

Phần 3: “Vượt cạn” thời bình: Đây là giai đoạn Việt Nam vượt khó, thoát hiểm qua cơn lốc thế sự của thế giới, bằng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam để chuyển mình trong tư tưởng, trong hành động, để đón gió thời đại mà đi tới.

Phần 4: “Theo hướng Rồng bay”: Phần này, anh thể hiện con tim khát khao cháy bỏng với một tình yêu Hà Nội tha thiết, mãnh liệt. Thông qua ngòi bút chính luận, lối viết tùy bút, anh ước mơ cho Hà Nội, tự hào về Hà Nội - thủ đô anh hùng, thành phố Hòa bình - một thủ đô văn hiến qua bài “Tiếng Sông Hồng”. Tác giả dự cảm về thời cơ mới, thách thức mới của đất nước ta: “Thế Việt Nam là thế đạp bằng chông gai đi tới!... Thế nước của ta là thế của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây,thử thách cũng là đây!. Chính ở điểm nút dồn nén của cuộc chuyển giao lịch sử mà chúng ta nhận biết rõ hơn bài toán: Tạo thế- xử thế;  tạo lực - dụng lực”.

Nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã rất tự hào khi viết về Nhà báo Hồ Quang Lợi: “...Sau bao năm chuyên cần đọc, học, xem, nghĩ và viết, những gì anh viết ra gần đây mềm mại, đa chiều, lấp lánh chất văn. Sự kiên cường, quyết liệt, hiếu học, bền trí - những đức tính vốn có của người xứ Nghệ đã được bồi đắp thêm, hòa quyện cùng chất hào hoa, lịch lãm, tinh tế của sỹ phu Thăng Long, với tâm hồn Hà Nội từ tình yêu máu thịt. .....Thật không hổ danh người con làng Quỳnh Đôi, quê hương nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa Thơ Nôm cùng nhiều danh nhân khác, Hồ Quang Lợi đã thể hiện rõ phong thái của mình qua các thể loại bình luận, chuyên luận, tùy bút. Đọc tập Thời luận của anh, chúng ta thấy trong gian nan thử thách ngặt nghèo, vẫn ngời lên sức sống Việt Nam, vẫn bừng lên ánh sáng văn hiến Thăng Long - Hà Nội như những giá trị tinh hoa cao quý nhất của dân tộc ta”.

28 năm người lính cầm bút luôn miệt mài với lao động chữ nghĩa,  66 bài viết được anh tập hợp trong cuốn Thời luận: “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc”, Đại tá - Nhà báo Hồ Quang Lợi với cách nhìn biện chứng, đa chiều, ngòi bút anh đều hướng đến trung tâm thời cuộc, nắm bắt những vấn đề cốt yếu nhất, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Anh luôn nhạy cảm đối diện và bình luận sắc sảo mọi “xung chấn”, mọi “ngọn trào” đẩy xô; giải mã các “ẩn số” của thời cuộc bằng khả năng phân tích, nhận định, dự báo của một cây bút có bản lĩnh và sự hiểu biết sâu rộng, thể hiện rõ trách nhiệm của người cầm bút ở những thời điểm đầy biến cố và cần những dự cảm thời cuộc. Qua đó, giúp cho các thế hệ đi sau hiểu và góp phần luận giải, trả lời một câu hỏi lớn: Vì sao Việt Nam có thể đứng vững trong giông tố thời cuộc và Việt Nam sẽ đi tới như thế nào trong một thế giới đã và đang đổi thay sâu sắc?

Trong mấy chục năm cầm bút, trong đó 5 năm là Phó Tổng Biên tập Báo QĐND, anh có 9 giải báo chí quốc gia, trong đó 5 giải nhất. Theo yêu cầu nhiệm vụ, “cởi” áo lính, anh bước sang lối rẽ làm báo dân sự với cương vị Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới từ tháng 1 năm 2008. Vỏn vẹn 3 năm làm Tổng biên tập một tờ báo của Thủ đô, Hồ Quang Lợi đã để lại cho đồng nghiệp nhiều ấn tượng sâu sắc không chỉ vì một nhà báo tài hoa, say nghề, dồi dào bút lực, mà còn cả cách làm trong hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo của anh. Còn nhớ, những đợt rét kỷ lục năm 2008, đồng bào các huyện miền Tây Nghệ An như Quỳ Châu, Quỳ Hợp đã được hưởng hơi ấm từ thủ đô qua Cuộc vận động “Lửa ấm về các miền quê” do Báo Hà Nội mới trao tặng. Cuộc vận động do anh cùng BBT Báo Hà Nội mới khởi xướng, vận động doanh nghiệp là đồng hương của anh, đã tặng 1.000 con trâu bò cho đồng bào nghèo 13 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Nghệ An. Chương trình Lửa ấm... của anh đã giúp hàng nghìn hộ nghèo có điều kiện vươn lên, sưởi ấm lòng họ trong những ngày đông giá lạnh và thiếu thốn.

Trên cương vị lãnh đạo, Phó TBT rồi Tổng biên tập tờ báo lớn của thủ đô, dù bận rộn nhưng niềm vui sống của anh là thể thao, nhất là bóng đá, bóng bàn. Niềm đam mê bóng đá đã cho anh sức khỏe, niềm vui và sự tinh tấn. Với anh: “Niềm đam mê bóng đá không bao giờ cạn, dù đã ở tuổi này (anh sinh năm 1956 - PV), tôi vẫn đá bóng hàng tuần, năm 2010, bị gãy tay phải bó bột, nhưng vẫn không bỏ qua trận nào nếu có dịp đá giao hữu”. Quả vậy, năm 2009, khi anh là TBT Báo Hà Nội mới, thực hiện lời giao ước với Báo Nghệ An - tờ báo đảng quê nhà, dù đang mùa mưa, nước ngập đường, nhưng anh đã đưa đoàn quân của báo vào Cửa Lò giao lưu bóng đá với Báo Nghệ An. Trận bóng diễn ra dưới màn mưa giăng trắng xóa, nhưng đội nào cũng “cháy” hết mình, đã để lại kỷ niệm đẹp trong lòng đồng nghiệp xứ Nghệ với đội bóng báo Thủ đô, trong đó anh là tiền đạo.

 Tháng 3/2010, anh được bổ nhiệm làm Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Mừng cho anh - người con xứ Nghệ thành danh trên đất Hà thành.  Giới báo chí tiếc nuối vì anh không còn làm báo chuyên nghiệp. Dù không trực tiếp làm báo, nhưng bút lực của anh vẫn dạt dào không ngưng nghỉ. Anh vẫn viết, và viết nhiều hơn trước, viết những vấn đề gai góc của thời cuộc, giải mã những điều cuộc sống cần. Tiếc đấy, nhưng mừng cho anh - một cây bút có bề dày trí tuệ, giàu bản lĩnh chính trị, luôn vững chãi trong dòng chảy thế giới không bằng phẳng và luôn “neo” trong lòng độc giả.


Hồ Ngân