(Baonghean) -Trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý có ghi, tháng 11 năm 1029 vua Lý Thái Tông phong Đào Văn Lôi là Tả phúc tâm. Với chức vị ấy, ông là một trong những người gần gũi với vua và có thể tham gia vào nhiều quyết định quan trọng của triều đình. Vậy Đào Văn Lôi là ai? Quê quán ở đâu và sự nghiệp ra sao? Đó hẳn còn là một bí ẩn đối với hầu hết mỗi chúng ta...
Tại xã Diễn Kim (xưa gọi là làng Hoa Lũy), huyện Diễn Châu, trước đây có 3 ngôi đền từng được xây dựng và phụng thờ từ mấy trăm năm trước. Sau Cách mạng tháng Tám, vì những thiên kiến của một số người, tất cả những ngôi đền ấy đã bị phá hủy...
Nhà văn Sơn Tùng cho biết, sau khi những ngôi đền ở quê bị phá hủy, một người cháu họ ở quê (con một gia đình trước đây đã trông coi đền Trang ở Diễn Kim) đã gửi ra cho ông giữ 18 đạo sắc phong cho thần làng Hoa Lũy. Và chính nhà văn Sơn Tùng đã nhờ một người bạn là chuyên gia về Hán Nôm dịch toàn bộ 18 sắc phong đó từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ.
Từ bản dịch sắc phong mà nhà văn Sơn Tùng đã cho dịch trước đây, tôi đã nhờ nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực này rà soát và biên tập thành một bản dịch hoàn chỉnh hơn. Qua đó, chúng tôi tiến hành phân loại, thì thấy trong 18 đạo sắc trải dài trong 157 năm, đạo sắc cổ nhất là đời Lê Cảnh Hưng năm 28 (tức 1767), đạo sắc gần đây nhất là đời Nguyễn Khải Định năm thứ 9 (tức 1924), trong đó sắc phong cho 3 vị thần.
1. Bản thổ linh quan.
2. Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công.
3. Đông hải Thái thú Đại ngư ông.
Tôi và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao đã khảo sát trong các tài liệu cổ, xác minh vị thần được phong Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công thờ tại đền Trang - trung tâm của xã Diễn Kim ngày nay, chính là Đào Văn Lôi. Tuy nhiên, trong các tài liệu bằng chữ Quốc ngữ hiện thời ghi khá lộn xộn. Có một số ý kiến cho rằng Đào Văn Lôi là con của Đào Cam Mộc (người được phong Tín Nghĩa hầu dưới thời Lý Thái Tổ, sau khi mất được phong Thái Sư, Á Vương, là một trong những nhân vật quan trọng nhất đưa Lý Công Uẩn lên ngôi).
Tình cờ, tôi đã đọc được ý kiến tranh luận của ông Lương Thế Phiệt (đăng trên Website Hội Nhà văn Việt Nam), ông Phiệt người ở làng Vân Tra (thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng). Ông Lương Thế Phiệt cho biết, vị Đại vương Đô Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi hiện được thờ tại đền Vân Tra, là một trong những ngôi đền cổ nhất của Hải Phòng (gần 1.000 năm), đền đã được công nhận là Di tích quốc gia năm 1994. Đào Văn Lôi có quê mẹ ở làng Vân Tra, quê nội ở Nghệ An, cha của Đào Văn Lôi là Đào Mộc chứ không phải là Đào Cam Mộc như một số tài liệu nói.
Nhận được thông tin này, tôi đã liên hệ với ông Lương Thế Phiệt và ông Phiệt hết sức vui mừng viết thư cho tôi nói rằng, từ bao nhiêu năm nay, người làng Vân Tra vẫn chờ đợi một ngày nào đó, sẽ có một người từ quê nội của Thần liên hệ với bên ngoại, nhưng mãi bây giờ mới thấy. Ông Phiệt cũng cho biết, thần tích đền Vân Tra đã được ông Ngô Đăng Lợi, một trong những nhà nghiên cứu lịch sử địa phương của Hải Phòng sơ dịch. Bản chính của thần tích còn được lưu giữ trong Viện Hán Nôm.
Tôi đã liên hệ với chị Đỗ Bích Tuyển, hiện là nghiên cứu sinh, công tác lâu năm tại Viện Hán Nôm Việt Nam. Chị Tuyển đã tìm được và dịch bản thần tích này ra chữ Quốc ngữ. Bản thần tích này do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bản chính vào niên đại Hồng Phúc (1572-1573), và Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, Nguyễn Hiền sao chép lại ngày mồng 7 tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).
Nội dung bản thần tích cho biết nhiều nội dung quan trọng về lai lịch: Thần tích kể, cha của Đào Văn Lôi người gốc Hoan Châu, có tên là Mộc, trước có họ Nguyễn, sau đổi thành họ Đào... Mộ của mẹ ông Đào Mộc nằm trên núi Tung Sơn phía Bắc dãy Tản Lĩnh (chúng tôi xác định nơi này có thể thuộc về xã Trung Sơn, huyện Đô Lương ngày nay). Mẹ Đào Văn Lôi là Đỗ Thị Uyển, người làng Vân Tra, thuộc Hải Phòng ngày nay. Sở dĩ có mối lương duyên giữa ông Đào Mộc và bà Đỗ Thị Uyển là vì ông Đào Mộc thời thanh niên rời quê ra Tràng An theo học, nhờ một người bạn đưa về Vân Tra mà nảy nở mối lương duyên. Sau khi ông Mộc và bà Uyển cưới nhau thì họ trở lại Tràng An sinh sống. Đào Văn Lôi được sinh ra năm Đinh Hợi (987) ở Tràng An, và ở đó đến năm 13 tuổi thì cha mất, theo mẹ về Vân Tra sinh sống.
Đào Văn Lôi lúc nhỏ học hành thông tuệ. 24 tuổi, ông đỗ đầu ở Kinh đô, được vào làm ở Hàn Lâm Viện, rồi phong làm Phủ úy Sơn Tây, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Vì có tài lại nổi tiếng thanh liêm, yêu dân như con, sau được về kinh phong làm Đô Đài, rồi Bình Chương sự, Nội thị. Có công trong dẹp loạn tam vương nên ông được phong làm Tả phúc tâm. Từ đó về sau, lần lượt được phong làm Trung thư thị lang, Tả tham tri chính sự, rồi Thái úy Thành Quốc công.
Cuối đời, Đào Văn Lôi về thăm quê và qua đời ở núi Kim Nhan (nay là huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), Vua Lý Thánh Tông đã lệnh cho nhân dân lập đền thờ.
Trong lịch sử xứ Nghệ, Mai Hắc Đế là ông vua sớm nhất nổi lên chống giặc Phương Bắc, còn Đào Văn Lôi có thể là người đầu tiên đỗ đạt và làm quan đến hàng Thái úy, rồi lại được xếp vào hàng Thái Bảo. Đó, hẳn nhiên là một niềm tự hào của người xứ Nghệ, nhưng hàng chục năm nay cũng bị quên lãng.
Sau khi có trong tay bản thần tích, chúng tôi tiến hành khảo sát thực tế. Đoàn gồm ông Nguyễn Trọng Thể (Trưởng ban Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội), anh Chu Xuân Giao và tôi đã vào tận Kim Nhan, thuộc huyện Anh Sơn, rồi đến xã Trung Sơn thuộc huyện Đô Lương (nơi mà chúng tôi xác định là có núi Tung Sơn), những nơi này đền thờ cũ đã bị phá hết. Chúng tôi lại đến xã Nghi Thái (thuộc huyện Nghi Lộc) - một địa danh mà theo cuốn Di sản hán nôm Việt Nam xác định là có thờ Đại vương đô Thái úy thành Quốc công Đào Văn Lôi. Ở đây, ngôi đền cũng bị phá, chỉ còn lại một nền đất nhân dân để một bát hương để thắp vào rằm, mồng Một hàng tháng.
Chúng tôi cũng đã lập một đoàn vận động xây dựng lại đền Trang tại xã Diễn Kim do Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội làm nòng cốt, kết hợp với ủy ban nhân dân xã Diễn Kim. Chúng tôi đã lên gặp, trình bày với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chúng tôi cũng đã làm việc với đồng chí Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, và vào làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ở tất cả những nơi đó, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo. Đồng chí Phan Đình Trạc đã về tận xã Diễn Kim thăm lại di tích, nơi đã từng thờ Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi.
Từ cảm thức, chúng tôi cho rằng, sở dĩ phải lập lại đền thờ Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi là vì: Trên quê hương xứ Nghệ (quê nội của thần), một mảnh đất anh hùng và văn hiến, nên có ít nhất một nơi thờ tự một vị anh hùng, một bậc đại trí thức, một bậc đại công thần thời hậu Lý mà từ lâu nhân dân đã phong thánh. Và tôi cũng nghĩ, trong tương lai, trên đất xứ Nghệ nên có một con đường mang tên Đào Văn Lôi.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 1025 năm Ngày sinh của Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi, nhân dân Diễn Kim đã chính thức khôi phục lại Lễ hội làng Hoa Lũy và làm một Am thờ Ngài trên nền cũ ngôi đền khi xưa. Trong ngày lễ thiêng liêng đó, nhân dân được đọc lại những sắc phong của các đời vua thời trước phong cho thần.
Trên những tư liệu hiện có, mùa Thu năm 2012, tôi đã viết cuốn sách mang tên Hoa Ưu Đàm lại nở, đó là một cuốn truyện lịch sử về cuộc đời và thời đại của Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi, thể hiện dưới dạng một truyền thuyết hiện đại xen giữa hư cấu và lịch sử, giữa hiện thực và huyền thoại.
Mong rằng, mọi người dân xứ Nghệ, dù ở nơi đâu, hãy góp một tấm lòng, để sớm khôi phục lại được ngôi đền khang trang thờ Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công Đào Văn Lôi. Con người vĩ đại được phong thánh từ gần 1000 năm trước ấy, mãi mãi là niềm tự hào và niềm tôn kính của chúng ta.
Đào Văn Lôi nhân vật lịch sử của xứ Nghệ
Nhà văn Thiên Sơn