Một đạo sắc cổ có niên đại gần 400 năm vừa được phát hiện tại miếu Cự Lộc thuộc thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đặc biệt đạo sắc có liên quan tới sự kiện Trịnh – Nguyễn phân tranh tại Nghệ An thế kỷ 17.

785223_small_85683.jpg

Đạo sắc phong cho vị Thủy thần Long Vương

Một trong 2 đạo sắc cổ nhất Hải Dương

Giấy được làm bằng chất liệu tốt màu vàng nhạt, có hoa văn rất uyển chuyển và thanh thoát. Tất cả đều mang dấu ấn và phong cách triều Lê rất rõ nét. Sắc hình chữ nhật có kích thước 60x130cm, gồm 14 hàng và hơn 200 chữ. Đạo sắc này mang niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 đời vua Lê Thần Tông. Trải qua thời gian nên mép giấy đã bị hư rách nên đã bị mất một số chữ ở hàng dưới. 



Miếu Cự Lộc - nơi phát hiện đạo sắc 400 năm tuổi

Theo Bảo tàng tỉnh Hải Dương thì tính đến thời điểm hiện tại sắc phong này là một trong 2 sắc phong có niên đại cổ nhất trên địa bản tỉnh. Sắc phong này tặng thêm mỹ tự cho vị Thủy thần Long Vương trong việc phù hộ cho đội quân của chúa Trịnh trong cuộc chiến lần thứ 5 với quân đội chúa Nguyễn tại Nghệ An (bao gồm 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).

Đạo sắc cổ tạm lược dịch như sau: “…Ngài lại ngầm giúp quan thống lãnh phụng sai xứ Nghệ An và các tướng thuộc sai có được quân Thanh mạnh mẽ, nhuệ khí tràn đầy, tiêu diệt giặc mạnh, tiếng nổi trong quân, cắt được tai giặc, bắt được tù binh, thu được voi ngựa và khí giới của giặc, chiến thắng vẹn toàn, thu phục non sông, tỏ rõ sự linh thiêng nên phong tặng thêm mỹ tự... (Ngày 27 tháng 11 năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660)”

Tái hiện cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn tại Nghệ An

Căn cứ vào nội dung sắc phong và thời gian ở niên hiệu ta đoán định được sự kiện ghi trong sắc chính là cuộc đại chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh lần thứ 5 (1655 – 1660). Hai bên giằng co nhau trên đất Nghệ An mà người đứng đầu quân đội Đàng Ngoài lúc bấy giờ là quan Thống lãnh Phú Quận công Trịnh Căn. Đây chính là cuộc chiến có thời gian kéo dài nhất và quy mô lớn nhất trong cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn. Đặc biệt đây cũng chính là lần duy nhất quân đội Đàng Trong chủ động đánh ra Bắc.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vào tháng 4 năm 1655, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sau khi tự xưng là “Thái úy Dũng Quốc công” sai 2 tướng là Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ cầm quân vượt sông Gianh đánh úp ra châu Bố Chính. Thừa thắng tiến sang đánh bại quân Trịnh ở miền Hà Trung thuộc huyện Kỳ Hoa (xưa là trấn lỵ của Nghệ An, nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) khiến cho toàn bộ quân đội Đàng Ngoài phải tháo chạy về giữ An Trường thuộc huyện Chân Phúc (nay thuộc thành phố Vinh).

Chúa Trịnh Tráng phái tướng sĩ vào chống lại nhưng không nổi. Kết quả là 7 huyện phía nam sông Lam gồm Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Trong khoảng thời gian chiếm đóng tại đây, quân Nguyễn từng bước củng cố và phát triển mọi mặt về kinh tế - văn hóa.

Sau khi để mất 7 huyện ven sông Lam, Chúa Trịnh Tráng tức giận giáng chức các tướng và cử Trịnh Tạc đích thân đem tướng sĩ các doanh vào Nghệ An. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm này tàn dư họ Mạc tại Cao Bằng lại quấy nhiễu, do đó Trịnh Tạc lại phải quay về đánh dẹp. Trước tình hình đó Chúa Trịnh Tráng sai con út của mình là Ninh Quận công Trịnh Toàn vào cứu viện. Với sự có mặt của Trịnh Toàn, quân Trịnh dần lấy lại được thanh thế và cầm cự được với quân Nguyễn.



Lũy cổ bằng đá mới được phát hiện tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Để củng cố khả năng tấn công và phòng thủ, Trịnh Toàn đã phát triển hệ thống thành lũy bằng đá vốn có từ thời Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt – Chăm Pa). Thành lũy này vừa tăng cường khả năng quan sát vừa là địa điểm để tập kết quân đội. Mới đây, hệ thống thành lũy này vừa được phát hiện tại đỉnh Đèo Bụt, thuộc dãy núi Hoành Sơn (Hà Tĩnh). Vì gắn với Ninh quận công nên người dân địa phương gọi là lũy Ông Ninh.

Giữa lúc cuộc giao tranh đang quyết liệt thì ở Bắc Hà, Chúa Trịnh Tráng bệnh nặng khó lòng qua khỏi liền phong cho con làTrịnh Tạc làm Tây Đô Vương thay thế nắm quyền bính. Trong khi đó chiến trận tại Nghệ An, Trịnh Toàn là người nổi bật về tài năng cũng như đức độ, được quân sĩ mến phục. Do nghi kỵ về tài năng, đức độ của Trình Toàn, Trịnh Tạc liền cho con trai mình là Trịnh Căn đem quân vàoNghệ An vừa để tăng cường quân lực chống quân Nguyễn vừa để phòng ngừa Trịnh Toàn làm phản. Trịnh Căn vào Nghệ An, đóng ở huyện Hưng Nguyên nghe ngóng tình hình.

Phú quận công “thu phục non sông”

Đến tháng 4/1657, Chúa Trịnh Tráng qua đời, Thế tử Tây Định vương Trịnh Tạc lên thay cha nắm quyền bính. Vốn nghi kị Trịnh Toàn từ trước lại thêm việc chúa Nguyễn đến dụ dỗ Trịnh Toàn nên Trịnh Tạc truất chức Thống lĩnh và triệu Trịnh Toàn về triều. Chúa Trịnh Tạc viện cớ Toàn không chịu tang cha liền tống Trịnh Toàn vào ngục rồi giết chết. Từ đây, Trịnh Căn nắm toàn bộ binh quyền tại Nghệ An.

Tháng 6/1657, Trịnh Căn chia quân làm 3 đạo tiến đánh quân Nguyễn ở làng Nam Hoa thuộc huyện Thanh Chương. Quân Nguyễn nhờ có mật báo nên phòng vệ rất kỹ càng và phản công quyết liệt khiến quân Trịnh bị thua phải rút về bờ bắc sông Lam. Với tình thế đó, Trịnh Căn chủ trương đánh nhỏ, củng cố lực lượng để chờ thời cơ. Cho đến những năm tháng tiếp theo, quân đội hai bên giằng co nhau từng thước đất. Hai bên đã tiến hành hàng chục cuộc đụng độ lớn nhỏ từ Hưng Nguyên, Nghi Xuân, Hương Sơn, Nam Đường, Đông Thành... nhưng vẫn bất phân thắng bại.



Đền Mũi Rồng dưới núi Dũng Quyết (Tp Vinh, Nghệ An) được xem là nơi thờ các tướng sĩ Lê Trịnh trận vong trong cuộc chiến với quân đội Chúa Nguyễn tại sông Lam những năm 1655 – 1660

Ba năm sau, Trịnh Căn chia quân vượt sông Lam đánh quân Nguyễn ở Lận Sơn còn cánh quân khác đánh vào quân Nguyễn Hữu Tiến tại Tả Ao. Cả hai cánh quân này giao chiến ác liệt khiến quân Nguyễn cuối cùng phải chạy về phòng ngự ở Khu Độc và Nghi Xuân. Thấy quân mình thua trận, chúa Hiền vội vàng đem quân ra cứu viện thì hai tướng Hữu Tiến và Hữu Dật lại mâu thuẫn nhau, nhuệ khí giảm sút, quân lính đào ngũ. Trịnh Căn nhân đó xin thêm viện binh dốc sức tấn công.

Cuối cùng đến ngày 19/11 năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) các tướng Trịnh là Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt, Hoàng Nghĩa Giao và Năng Thiệu Hội đồng loạt tấn công đánh bại quân Nguyễn ở Phù Lưu Thượng (Can Lộc, Hà Tĩnh ngày nay) và lấy lại được toàn bộ 7 huyện ven sông Lam.

Quay trở lại đạo sắc phong, ta thấy đạo sắc ban ngày ngày 27/11 năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) tức chỉ sau ngày chiến thắng của quân Trịnh đúng 8 ngày. Điều đặc biệt là nội dung của sắc phong và phần ghi chép sự kiện này trong chính sử rất giống nhau. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ (tạm dịch) “Ngày 19, đánh một trận lớn với giặc ở địa phận Thiên Lộc, ba quân cố sức tranh lên trước, giặc trông thấy quân thanh mà vỡ chạy toán loạn. Ta chém đầu giặc, bắt sống quân sĩ giặc, thu voi ngựa khí giới của giặc dâng trước quân nhiều không đếm nổi. Hiện đang đem đại binh thẳng tiến, thừa thắng đuổi dài, tâu trước tin thắng trận”.

Một năm sau chiến thắng này thì đến tháng 10/1662 Trịnh Tạc hộ giá vua Lê Thần Tông đem đại binh mở cuộc nam tiến vượt sông Gianh đánh vào Nam. Tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến đắp lũy cố thủ khiến cho quân Trịnh đánh mãi không hạ được, tướng sĩ chán nản đành rút quân về.


Theo (dantri.com.vn) - HL