Các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Mông Cổ đã phát hiện ra dấu tích một tiền đồn quân sự ở thế kỷ 13, được lập ra phục vụ cuộc chinh phạt của đế chế Thành Cát Tư Hãn ở tây nam Mông Cổ.
Theo Asahi Shimbum, đội nghiên cứu cho biết phát hiện này có thể hữu ích trong việc tìm hiểu chiến lược mở rộng về phía tây và tuyến đường thương mại của đế quốc Mông Cổ.
"Chúng tôi hy vọng phát hiện này sẽ có ích trong việc xác định lịch sử của cao nguyên Mông Cổ giữa thế kỷ 13 và 14", Koichi Matsuda, dẫn đầu nhóm khảo cổ, giáo sư danh dự khoa Lịch sử đế quốc Mông Cổ ở Đại học quốc tế Osaka nói.
Đội nghiên cứu đã vẽ bản đồ khu di tích khoảng 880 km về phía tây thủ đô Ulan Bator năm 2001 và nhận thấy đặc tính địa lý quanh vùng này tương tự với những cảnh quan được mô tả trong cuốn sách du lịch của một nhà lãnh đạo Đạo giáo thời Trung Cổ ở Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ cũng khai quật được những mảnh gốm sứ Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ 13. Bức ảnh chụp từ trên không năm 2001 cho thấy những tàn tích của một chiến lũy bao quanh bởi tường đất.
Mùa hè năm ngoái, các nhà khảo cổ đã sử dụng phương pháp cacbon xác định tuổi những mảnh gỗ và xương động vật khai quật được. Phân tích cho thấy các mảnh gỗ có từ thế kỷ 12 đến 13, trong khi xương có từ thế kỷ 14.
Dựa trên kết quả này, nhóm khảo cổ kết luận nơi đây từng là một thành trì được sử dụng làm căn cứ quân sự khi Thành Cát Tư Hãn xâm lược các nước Trung Á.
Theo.VnExpress