(Baonghean) - Dự thảo Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi một cách căn bản và toàn diện. Có nhiều chế định mới được hình sự hóa, trong đó phải kể đến vấn đề đặt ra trách nhiệm hình sự cho pháp nhân kinh tế (tập thể có tư cách pháp nhân).

Quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự của pháp nhân kinh tế (PNKT) không thể thực hiện được cả ở về tội danh và không thực hiện được mục đích của hình phạt. PNKT là một tập thể, không thể áp dụng trách nhiệm hình sự và càng không thể áp dụng hình phạt. Vì pháp nhân là một thực thể “vô hình”, nó là cộng hưởng ý chí của nhiều người cụ thể đã sáng lập ra nó. PNKT tự thân không thể thực hiện được các hành vi nguy hiểm cho xã hội được mà phải qua con người cụ thể và hình phạt tù giam hoặc tử hình không thể áp dụng được với PNKT. Vì vậy, nếu buộc tội PNKT là buộc tội khách quan - một hình thức phản dân chủ. Mặt khác, việc chứng minh pháp nhân phạm tội rất khó khăn vì pháp nhân là cộng hưởng ý chí từ nhiều cá nhân. Do đó, trách nhiệm hình sự và hình phạt chỉ áp dụng đối với cá nhân còn thể nhân là không thể vì trái với nguyên tắc “cá thế hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt”. Chúng tôi cho rằng, pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự...
 
Mặt khác, nếu cho rằng áp dụng hình phạt đối với PNKT sẽ không công bằng và gây thiệt hại cho nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Quan niệm như vậy là còn quá hẹp và không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Vì cá thể hóa hình phạt không thể tách rời khỏi nhận thức về chế tài áp dụng đối với PNKT. Nếu pháp nhân là những thực thể có khả năng phạm tội thì có lý gì các cá nhân lại không chịu trách nhiệm hình sự khi nó phạm tội? Liệu có công bằng không khi chỉ buộc những người cấp dưới vốn chẳng có quyền hành gì và những người quản lý thành những người phải lãnh hậu quả pháp lý thay cho PNKT? Có công bằng không khi mà cá nhân phạm tội như pháp nhân mà cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự còn pháp nhân thì không?
 
Nếu cho rằng, áp dụng hình phạt với pháp nhân phạm tội là trái với nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là không chính xác, vì bản án kết tội hoặc hình phạt nó không nhằm vào cá nhân thành viên của PNKT mà là chính PNKT - chủ thể chịu trách nhiệm hình sự. Bản án kết tội đối với cá nhân cũng ảnh hưởng đến người thứ ba vô can, đó là gia đình họ, nếu họ là giám đốc một doanh nghiệp thì còn ảnh hưởng hơn rất nhiều. Vậy cho rằng hình phạt với pháp nhân trái với nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự là không phù hợp. 
 
Nếu cho rằng, PNKT chỉ cần áp dụng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự là đã đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức như vậy là chưa đầy đủ và đánh giá chưa toàn diện thực tiễn. Thời gian qua có nhiều PNKT như VEDAN ở Đồng Nai, Thanh Thành Thái ở Thanh Hóa... vì lợi nhuận đã xả thải ra môi trường gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng chỉ xử lý về hành chính. Mức phạt tiền có thể chưa làm cho PNKT phải từ bỏ vi phạm, mức phạt tiền quá ít, quá thấp và đôi khi hiệu quả phòng ngừa không cao. Thêm vào đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu đại diện pháp nhân cũng không thể thực hiện được vì cấu thành tội phạm về môi trường đòi hỏi phải thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng trên thực tế, việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với pháp nhân chứ không phải đối với người đại diện của pháp nhân có hành vi vi phạm...
 
Trong xu thế chung, có 119 PNKT quốc gia quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trong đó riêng ở khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia. Trong bối cảnh nước ta đang cải cách, mở cửa, hội nhập sâu rộng vào quan hệ quốc tế, đã ký kết và đàm phán ký kết các hiệp ước kinh tế, thương mại, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ có thể dễ bị PNKT nước ngoài lợi dụng để vi phạm pháp luật. Đồng thời, nhiều nước có quan hệ kinh tế ngày càng lớn với nước ta đã quy định trách nhiệm hình sự của PNKT, nếu nước ta không quy định thì sẽ bất bình đẳng vì PNKT nước ta ra nước ngoài có vi phạm thì bị xử lý hình sự, còn pháp nhân của nước họ sang nước ta có vi phạm thì chỉ bị xử lý hành chính./.
 
Trần Văn Hội
(Viện KSND Tương Dương)