(Baonghean) - Mấy hôm trước tôi phải làm một việc hơi khó, ông ạ!

- Việc gì?
 
- Ấy là thực hiện một cuộc điện thoại vừa chúc mừng lại vừa chia buồn.
 
- Sao lại có kiểu “nửa dơi, nửa chuột” vậy?
 
- Mừng vì bạn mình được lên chức, nhưng lại chia buồn vì lên ngồi ở chỗ không được như ý muốn.
 
- Chắc lại là từ bên ủy ban chuyển sang bên đảng chứ gì?
 
- Chính xác! Cụ thể là từ Phó Chủ tịch huyện sau Đại hội được đôn lên giữ chức Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Về vai vế, thứ bậc thì coi như lên, nhưng về tầm ảnh hưởng và các thứ "a, bê, xê" trong cuộc sống… thì coi như là đi xuống. Nên cậu ta được lên chức mà buồn chẳng khác gì bị giáng chức, ông ạ!
 
- Đâu phải mình bạn ông như vậy mà đó là tâm lý phổ biến chung của không ít cán bộ, đảng viên bây giờ. Chỉ thích làm việc ở bên chính quyền, không thích làm việc bên đảng. Nếu sang bên đảng thì chỉ thích ngồi ở "Tổ chức", "Kiểm tra" chứ mấy ai muốn công tác ở tuyên giáo, dân vận đâu.
 
- Thế mà khi nói thì ai cũng biết, cũng khẳng định công tác dân vận là quan trọng. Bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong ”. Khi có sự cố, xảy ra điểm nóng thì công tác dân vận luôn đi đầu, luôn được khẳng định là “hết sức quan trọng”. Nhưng khi “trời yên, biển lặng” thì chẳng mấy ai nhớ tới. 
 
- Tôi cũng thấy tình trạng đó là phổ biến. Chính vì lối suy nghĩ lệch lạc và cách hành xử không đúng mực như vậy nên công tác dân vận ở không ít nơi thiếu sự quan tâm, chăm chút thành ra chưa phát huy hiệu quả. Người làm công tác dân vận cảm thấy bị lép vế. Thậm chí là có lúc tủi thân, tủi phận. Dĩ nhiên trong việc này cũng có phần trách nhiệm của những người làm công tác dân vận đã không vượt khó vươn lên để chứng minh, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của mình. Bởi vị thế nằm trong những việc làm cụ thể có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp chung. Còn không thì…
 
- Ừ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Cứ phải tự soi mình trước đã. Nhưng mà về nhận thức thì hầu như ai cũng biết tầm quan trọng của công tác dân vận. Chỉ có hành động là chưa tương xứng. Thế nên, để thay đổi tình hình chỉ có mỗi một cách là thay đổi hành động. Phải có những hành vi, việc làm phù hợp, tương xứng với nhận thức. Đừng để “ông chẳng, bà chuộc” như hiện tại.
 
Phúc Vinh