(Baonghean) -Cha ông có câu rằng, “Trung ngôn, nghịch nhĩ” (nói thẳng thì trái tai), hàm ý chỉ những lời nói thẳng nói thật thường không dễ nghe. Một xã hội phát triển cần lắm những lời nói trung thực, mà ngày nay đôi khi ở một chừng mực hay góc độ nào đó, nó được thể hiện trong các hoạt động phản biện xã hội...
Giáo sư Ngô Bảo Châu từng có một phát biểu ấn tượng: "Không có phản biện, xã hội coi như đã chết lâm sàng". Đành rằng, phản biện và lợi dụng phản biện là hai vấn đề trên cùng một câu chuyện. Dõi theo những bước đi cởi mở gần đây, chúng ta có thể hoàn toàn nhận thấy, một bộ phần đông đảo trí thức chân chính, có tinh thần trách nhiệm xây dựng đất nước, đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến một cách khoa học và khách quan. Phản biện không đơn giản chỉ là tiếng nói ngược chiều. Phản biện chúng ta đang nói đến phải là những gì xuất phát từ hoài nghi khoa học, trước (hoặc sau) một chính sách được đưa ra. Từ những hoài nghi ấy, được lý trí phân tích thấu đáo, được tranh luận, bàn bạc trong môi trường dân chủ thực sự để cùng tìm ra cái đúng. Tuy nhiên, những năm qua, mặc dù về chủ trương, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đề cập “tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”.
Nhưng trên thực tế, hình như chúng ta vẫn đang thiếu đi những quy định, những văn bản có tính hướng dẫn cho hoạt động quan trọng này. Điều ấy, đôi khi dẫn đến những trạng thái không tốt như “giấu” phản biện, hoặc phản ứng một cách tiêu cực. Chúng ta biết, từ kiến thức phản biện đến tiếng nói phản biện là một quá trình. Có kiến thức phản biện mới có thể dẫn đến tiếng nói phản biện, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được tiếng nói phản biện, mà đôi khi là sự im lặng. Phải chăng, phía sau sự im lặng này là một “tài nguyên” khổng lồ về tri thức, về trách nhiệm chưa được khai thác hết? Thiết nghĩ, nếu chúng ta tạo dựng được một “không gian” tốt hơn cho tiếng nói phản biện, cái chúng ta nhận được sẽ nhiều hơn cái mất đi. Xét ở góc độ khoa học quản lý, có thể đây cũng là một phương pháp “giải nén” cho các xung đột xã hội đang ở dạng tiềm ẩn. Vậy thực tế có phải chúng ta đang thiếu “đất” cho hoạt động phản biện không? Câu trả lời là không, nhưng nên chăng từ “đất” đó, cần là phải “quy hoạch” lại, thậm chí “phân lô” cụ thể để quản lý và khai thác tốt hơn.
Gần đây, phản biện xã hội được nhắc đến như là một trong những chức năng quan trọng của tổ chức MTTQ Việt Nam. Hy vọng, đây sẽ là cánh cửa mở ra “không gian” để hoạt động phản biện được kích hoạt và phát triển lành mạnh. Chúng ta nhận được nhiều thông tin đa chiều, trong ấy chắc không ít những lời nói thẳng. Có được không gian ấy, rất có thể chúng ta cũng hạn chế được những tiếng nói tựa bóng phản biện, đang lạc lõng đâu đó. Biết rằng, về mặt hình thức, đôi khi có cảm giác người phản biện và người được phản biện ở hai thái cực khác nhau. Nhưng không phải, họ không là đối thủ, thực chất họ cùng một phía, cùng có chung một mục đích. Quả thực, tiếng nói phản biện không phải lúc nào cũng “dễ nghe”, nếu loại trừ cái lý do thuộc về cách nói của người phản biện thì một phần “lỗi” cũng thuộc về phía được phản biện. Biết chấp nhận “nghịch nhĩ” để có được “trung ngôn” như là một kỹ năng đòi hỏi với từng cá nhân, rộng hơn là thể chế.
Tiếng nói phản biện là tiếng nói của khoa học, của lương tâm và trách nhiệm. Phản biện không cùng dòng với chê bai dè bỉu, phản biện cũng ngược chiều với kẻ cơ hội. Ủng hộ phản biện cũng không phải là cứ vỗ tay cổ súy cho những cực đoan. Bởi thế, người phản biện trước hết phải có cái trí là chìa khóa mở lối vào phản biện, cách thức phản biện, cái trí để truy tìm ra chân lý đúng đắn của khoa học. Kế tiếp là phải có cái tâm thực sự sáng. Cuối cùng, người phản biện không thể thiếu cái dũng. Dám bày tỏ chính kiến, đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải!
Nguyễn Khắc An