- Qua chuyến đi tìm hiểu thực tế giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, mình phát hiện một lỗ hổng quản lý trong bảo vệ hành lang an toàn giao thông ông ạ!
 
 - Cụ thể thế nào ông thử nói rõ xem?
 
 - Khi hàng cột mốc bằng bê tông được cắm dọc hai bên đường, cách tim đường một độ dài nhất định, phần đất được giải tỏa nằm phía trong cột mốc là của Nhà nước không ai được xâm phạm. Thế mà có những hộ dân vẫn xây dựng công trình trên phần đất đó, là đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông nên khi giải tỏa không được đền bù, thế là nhiều người dân bức xúc phản ứng.
 
- Dân phản ứng thì phải giải thích cho dân hiểu?
 
- Nhưng có một điều bất cập là khi những cột mốc được định vị, cơ quan đo đạc thiết kế không hề có biên bản bàn giao cho chính quyền cơ sở quản lý, bởi vậy chính quyền cơ sở coi việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông không phải là nhiệm vụ của mình, người dân lấn chiếm như thế nào họ cũng mặc. Thậm chí có nơi chính quyền cơ sở còn làm thủ tục cấp “bìa đỏ” cho dân trên phần đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Ông bảo như vậy thì làm sao ngăn chặn được tình trạng dân làm sai.
 
- Ước gì thiết kế được loại cột mốc hiện đại biết phát tín hiệu cấm lấn chiếm như đèn đỏ phát tín hiệu cấm vượt ở các ngã ba đường.
 
- Cột mốc là vật vô tri vô giác không biết nói, vấn đề là phải có biện pháp phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 
 
- Theo mình nghĩ thì sau khi cắm cột mốc, các cơ quan chức năng cần có biên bản bàn giao cho chính quyền cơ sở trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn giao thông. Có thể quy định chặt chẽ hơn là nếu để người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thì chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm.
 
- Như vậy, bên cạnh chỉ giới hành lang an toàn giao thông còn thiếu “chỉ giới trách nhiệm” để quy định rõ nhiệm vụ của chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn người dân lấn chiếm. Có như vậy mới phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở cơ sở trước những việc dân làm sai.
 
Trần Hồng Cơ