(Baonghean) - Khi đường bay thẳng quốc tế từ Thành phố Vinh tới Viêng Chăn, Thủ đô nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào khai mở, nhiều ý kiến cho rằng đây là bước tạo đà và có tính kích cầu mạnh mẽ trong việc giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, phát triển du lịch giữa các tỉnh của Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam. Riêng với tỉnh Nghệ An, đường bay này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở mang và phát triển kinh tế - xã hội trong vai trò là đầu mối trung gian giữa Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh khác trong khu vực. Từ vị thế đó sẽ tạo cơ hội mở thêm các đường bay quốc tế đến với các quốc gia khác. Nhưng để có được vị thế đó, việc cần làm trước hết là Nghệ An phải khẳng định được vai trò của một vị trí trung gian.
Và cách khẳng định hay nhất vẫn là bằng các chương trình, hành động cụ thể trong từng lĩnh vực để tạo sức lan tỏa và sự kết nối với các địa phương khác để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng cùng phát triển. Trước hết là về lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp du lịch của Nghệ An không chỉ gói gọn những tua, những tuyến trong tỉnh, quanh quẩn với những Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương mà phải liên kết với các tỉnh khác như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... để có những tuyến du lịch biển dài, phong phú, mới lạ và hấp dẫn. Tất cả khách du lịch từ Lào, Thái Lan sang đều phải “qua tay” các doanh nghiệp du lịch của tỉnh. Để từ đây mới “phân phối” sang các địa bàn, địa điểm tùy theo sở thích và yêu cầu của du khách.
Như thế là “bất chiến tự nhiên thành”, các doanh nghiệp du lịch của Nghệ An bỗng dưng được quyền điều hành và phân bổ tua, tuyến đi các tỉnh. Và muốn hay không muốn, các nơi khác phải chấp nhận sự điều hành này như là một tất yếu ngẫu nhiên trong chuỗi du lịch, tham quan thắng cảnh của khu vực. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà cần chú trọng đầu tư xây dựng các khu du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng ở biển theo hai hướng đẳng cấp cao để phục vụ khách có nhiều tiền và thường thường bậc trung để phục vụ các đối tượng bình dân, phổ thông. Những vị khách quý đến từ đất nước không có biển chắc chắn sẽ rất thích thú với kiểu nghỉ ngơi này.
Họ sẵn sàng lưu lại dài ngày, bỏ tiền ra chi dùng, góp phần tạo việc làm và nguồn thu, nâng cao thu nhập cho người dân sở tại. Du lịch Nghệ An phải vươn lên đón nhận, nắm bắt và khai thác triệt để lợi thế của vị trí “đầu nguồn” này. Cùng với du lịch thì Nghệ An phải tập trung xây dựng, mở mang các khu công nghiệp. Đặc biệt là công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp cho thị trường Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhập nguyên liệu thô từ Lào về rồi chế biến tinh hoặc thành các sản phẩm hoàn chỉnh để mang đi tiêu thụ ở các tỉnh trong khu vực và xuất ngược trở lại. Phải làm sao cho Nghệ An trở thành địa điểm tiêu thụ hàng hóa từ Lào sang và là nguồn cung các hàng hóa này cho các địa phương trong khu vực và theo đường biển đi sang các nước khác. Đồng thời là nơi sản xuất các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho thị trường Lào và vùng cận kề. Nghĩa là, phải tạo được mối liên kết, ràng buộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp của Nghệ An với doanh nghiệp Lào và giữa các doanh nghiệp Nghệ An với các doanh nghiệp khác trong khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.
Tóm lại là phải biến đường bay Vinh - Viêng Chăn trở thành một cửa ngõ giúp nước bạn Lào thông thương ra bên ngoài, từ đó mới tạo ra được nhu cầu đi lại cao và vận chuyển hàng hóa một cách liên tục. Không để tần suất 4 chuyến bay/tuần bị ế chỗ, dẫn tới cắt giảm chuyến bay như đã từng xảy ra ở một số tuyến bay nội địa và quốc tế khác. Mặt khác các hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Nghệ An như cảng biển Cửa Lò, đường bộ, đường sắt cũng phải được nâng cấp đủ sức đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao khi vươn lên trở thành địa điểm trung gian vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa đi trong nước và ra cả nước ngoài.
Nếu chúng ta thực hiện tốt vai trò, vị trí của một địa điểm trung gian thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến hợp tác làm ăn. Đó chính là cơ sở thực tế vững chắc để có thể mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế khác. Vì hiện nay, Sân bay Vinh sau khi nâng cấp có thể đáp ứng nhu cầu mở thêm một số tuyến bay nội địa mới và các đường bay quốc tế tầm trung đến Bangkok (Thái Lan), Campuchia, Hải Nam (Trung Quốc), Singapore, Nhật, Hàn Quốc... Và đây cũng chính là một trong những điểm tựa quan trọng để Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ.
Và như đã nói ở trên, việc cần làm trước mắt là phải tập trung nhân tài, vật lực nhằm khai thác triệt để vai trò đầu mối trung gian.
Duy Hương