(Baonghean) -Gần đây, vấn đề triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà và cũng nhằm điều chỉnh những bất hợp lý trong chính sách nhà ở lại một lần nữa được “xới xáo” lên.
Người ta thấy, rõ ràng đây là một chính sách hay của Chính phủ, vừa nhân đạo, kịp thời, vừa giải quyết được tình trạng “mỡ treo, mèo nhịn” về nhà ở vừa giúp người thu nhập thấp có thể có nhà ở, vừa góp phần làm giảm bớt tình trạng ứ đọng bất động sản đang góp phần làm cho nền kinh tế phát triển trì trệ. Chính sách hay như vậy, Nhà nước sẵn sàng cấp vốn như vậy, nhưng người ta không hiểu sao sự triển khai này rất ì ạch. Sau 10 tháng triển khai “gói cứu trợ” 30 nghìn tỷ đồng, ngân hàng cả nước mới chỉ giải ngân được khoảng 9%, trong khi đó cả khách hàng lẫn các chủ dự án đều khó khăn về nguồn vốn. Đã có ý kiến bàn là nên “trả lại” nguồn vốn này cho Chính phủ, tức là công nhận sự thất bại của chương trình kinh tế và xã hội rất đáng trân trọng này?!
Tất nhiên, Chính phủ không “chịu” như vậy. Phải tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ này! Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, ví dụ sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập chưa đủ nhiều để người mua nhà chọn lựa, thứ nữa là nhà ở loại hình này thường được xây dựng ở khu vực xa trung tâm, đô thị, sẽ gây khó khăn trong việc đi lại của các viên chức và người thu nhập thấp (chủ yếu là công nhân viên chức và người nghèo đô thị). Mặt khác, việc thẩm định “tiêu chuẩn” mua nhà bị nhiều địa phương làm khó … Nhưng có lẽ, khâu “mắc” phổ biến nhất, sâu xa nhất chính là ở khâu tiếp cận nguồn vốn, tức là ở “cửa” các ngân hàng. Không ít người nghèo, người có thu nhập thấp thật sự thiếu nhà ở, thấy mình có đủ tiêu chuẩn mua nhà theo gói hỗ trợ, nhưng đến cửa các ngân hàng đều ngậm ngùi quay về, vì mình không thuộc loại… thu nhập cao! Phần lớn các ngân hàng đều yêu cầu khách chứng minh được thu nhập 8-9 triệu trở lên mới đủ tiêu chuẩn vay.
Đây là một nghịch lý lớn! Trong xã hội chúng ta, ai là người nghèo, ai là người có thu nhập thấp? Xin thưa, đây là số rất đông trong số công nhân, viên chức nhà nước, làm trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan chuyên môn, không có yếu tố nước ngoài; là những gia đình chính sách, người về hưu, người nghèo đô thị. Họ là những người hưởng lương Nhà nước, hoặc người làm thuê, buôn bán nhỏ.
Vậy thì ai là người được xác định là đối tượng “thu nhập thấp”, đủ tiêu chuẩn vay tiền mua nhà theo gói hỗ trợ của Nhà nước cũng như trở thành đối tượng của nhiều chính sách khác dành cho người thu nhập thấp? Nhiều ngân hàng đặt ra tiêu chuẩn người mua nhà phải có thu nhập 8-9 triệu trở lên mới được vay tiền. Việc xác định thiếu chính xác về “tiêu chuẩn” người thu nhập thấp chính là đầu mối gây ra những ách tắc để nhiều chính sách tín dụng của Nhà nước không đến được với người dân, mà chương trình gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà khó thành công chỉ là một ví dụ. Cũng tương tự như vậy, trong khi Nhà nước luôn quan tâm đến người nghèo, nhất là vùng nông thôn, miền núi và có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chưa chắc nguồn vốn đã đến được với nhiều đối tượng. Đặc biệt, ở khu vực đô thị, công thương nghiệp, đối tượng này càng ít được chú ý. Nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành khắp nơi có phần lỗi của ngành Ngân hàng với những chính sách tín dụng chưa phù hợp như thế.
Nếu không có một cách nhìn chính xác, khoa học về người nghèo, người thu nhập thấp và không có cách “gỡ” để những nguồn vốn chính sách hỗ trợ đến được với những đối tượng này thì chắc chắn rằng nhiều chính sách kinh tế - an sinh xã hội của Nhà nước sẽ không đến được người dân, hoặc ít nhất là thiếu hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Người nghèo, “ông” là ai ? Đây là một câu hỏi nên luôn được đặt ra và phải có câu trả lời chính xác, nghiêm túc.
Thạch Anh
Hà Nội