VCK U16 châu Á năm 2000 là giải đấu đầu tiên và cũng là duy nhất mà chàng cựu thủ môn quê ở thị xã Thái Hòa thể hiện được tài năng vốn có của mình. Nhờ những pha cứu thua xuất thần, những màn trình diễn hết sức ấn tượng của Phạm Đức Anh, thầy trò HLV Nguyễn Văn Thịnh đã gây sửng sốt với giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà khi giành được vị trí thứ 4 chung cuộc.
Ít ai biết rằng, cách đó 2 năm, Phạm Đức Anh mới được các tuyển trạch viên của lò đào tạo SLNA phát hiện trong một chuyến lên huyện Nghĩa Đàn để tuyển quân (năm 1998). Với tài năng thiên bẩm cùng những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Phạm Đức Anh đã dần chinh phục được niềm tin của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Phần thưởng dành cho Phạm Đức Anh là một suất tham dự VCK U16 châu Á năm 2000, nơi thủ môn này được bắt chính trong cả 5 trận đấu của U16 Việt Nam.
Tuy nhiên, sau giải đấu diễn ra trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), Phạm Đức Anh lại không gặp nhiều thuận lợi trên con đường sự nghiệp. Giai đoạn đầu tiên mới lên đội 1, Phạm Đức Anh được SLNA cho đội CLB BĐ Huế mượn thi đấu ở mùa giải 2003 và 2004. Trở về từ đội bóng cố đô, Phạm Đức Anh tiếp tục làm phương án dự bị cho người đàn anh Dương Hồng Sơn. Phải tới mùa giải 2008 khi Hồng Sơn đầu quân cho CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T), thủ môn quê Nghĩa Đàn mới trở thành sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ của đội bóng xứ Nghệ.
Nhắc đến Phạm Đức Anh, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng xứ Nghệ vẫn chưa thể quên sự cố xảy ra năm 2007, trên sân Thanh Hóa. Kết thúc trận đấu lượt về tại V.League 2007 giữa Thanh Hóa và SLNA, Phạm Đức Anh và một số cầu thủ của đội khách bị các cổ động viên quá khích của đội chủ nhà rượt đánh. Rất may là Phạm Đức Anh được một đôi vợ chồng người Thanh Hóa giải cứu kịp thời, nên chỉ bị xây xát nhẹ. Đây là ký ức không bao giờ quên với cựu thủ môn sinh năm 1983.
Dẫu vậy, xét về mức độ nghiêm trọng (ảnh hưởng đến sự nghiệp cầu thủ) thì vụ va chạm ở xứ Thanh không thể sánh bằng với những gì mà Phạm Đức Anh phải hứng chịu trong chuyến làm khách của SLNA trước đội chủ nhà Đồng Tháp, ở mùa giải 2009. Phút thứ 46 của trận đấu, trong một pha băng ra truy cản, Phạm Đức Anh đã va chạm rất mạnh với tiền đạo Timothy của đối phương. Hậu quả, cựu thủ môn SLNA bị gãy 2 xương ống chân và đứt 2 dây chằng đầu gối phải. Suýt chút nữa, Phạm Đức Anh phải giã từ sự nghiệp "quần đùi, áo số" ở tuổi 26.
Nhưng bằng nghị lực phi thường, Phạm Đức Anh đã quay trở lại sân cỏ ở mùa giải 2011, sau 2 năm dưỡng thương. Không còn giữ được phong độ như ngày nào nên Phạm Đức Anh phải chấp nhận "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị. Thậm chí, trong rất nhiều trận đấu ở các mùa giải 2011, 2012 và 2013, Phạm Đức Anh còn không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của đội chủ sân Vinh. Điều gì đến cũng phải đến, kết thúc mùa giải 2013, SLNA và Phạm Đức Anh chính thức "đường ai nấy đi".
Rời xứ Nghệ, Phạm Đức Anh chọn Sanna Khánh Hòa để tìm kiếm cơ hội mới. Trải qua quãng thời gian thử việc, cựu thủ môn SLNA chỉ nhận được "cái lắc đầu" của Ban Huấn luyện đội bóng thành phố biển. Trở về thành Vinh với nỗi thất vọng não nề, Phạm Đức Anh vẫn không từ bỏ được niềm đam mê với môn "thể thao vua". Suốt 2 năm trời (2014 - 2015), Phạm Đức Anh thường xuyên xuất hiện trên các sân phủi.
Cuối cùng, những nỗ lực của Phạm Đức Anh cũng đã được đền đáp. Đầu mùa giải 2016, cựu thủ môn U16 Việt Nam gia nhập Đồng Tháp, với bản hợp đồng có thời hạn 1 năm. Trước khi quyết định giải nghệ, Phạm Đức Anh còn có 1 mùa giải (2017) khoác áo Tây Ninh, đội bóng ở giải hạng Nhất QG. Hành trình sự nghiệp của cựu thủ môn quê thị xã Thái Hòa được gói gọn trong 2 từ "lận đận". 20 năm theo đuổi niềm đam mê, Phạm Đức Anh nhận lại chỉ toàn là những đau thương, mất mát.
Bỏ lại sau lưng những năm tháng rong ruổi cùng trái bóng, Phạm Đức Anh tiếp tục được SLNA thu nhận để làm công tác đào tạo trẻ. Kể từ năm 2018 đến nay, trên cương vị mới, Phạm Đức Anh đã giành được 3 chức vô địch cùng các đội trẻ SLNA (2 lần với đội nhi đồng, 1 lần với U15). Hiện tại, cựu thủ môn sinh năm 1983 đang là HLV thủ môn ở đội U14 SLNA.