Cựu hậu vệ thòng Lê Văn Lưu
Ở độ tuổi 20, Lê Văn Lưu đã có vinh dự được sát cánh với những người đàn anh như Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Tiến Quang, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Hùng, Ngô Quang Trường, Lê Kỳ Phương, Phạm Anh Tuấn…trong màu áo của đội 1 SLNA. Với vị trí sở trường là hậu vệ thòng, cựu cầu thủ sinh năm 1974 sở hữu khả năng quan sát và phán đoán cực tốt để bọc lót cho những đồng đội xung quanh. Nhờ lối chơi không tốn sức và thói quen sinh hoạt lành mạnh, nên Lê Văn Lưu đã thi đấu tới năm 36 tuổi mới treo giày, trong màu áo Hòa Phát Hà Nội (năm 2010).
Mặc dù được đánh giá rất cao về mặt tài năng, cùng những đóng góp to lớn cho đội bóng xứ Nghệ trong giai đoạn cuối thập niên 1990 – đầu những năm 2000 (vô địch Giải vô địch quốc gia 2000, vô địch V.League 2001, vô địch Cúp QG 2002…), nhưng Lê Văn Lưu lại không có duyên với màu áo Đội tuyển Việt Nam, giống như 2 người đàn anh là Nguyễn Hữu Thắng và Văn Sỹ Hùng. Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Văn Lưu chỉ 1 lần được triệu tập lên Đội tuyển Việt Nam, đó là ở lần hội quân diễn ra vào tháng 5/2002.
Lê Văn Lưu (ngoài cùng bên trái, hàng sau) hồi còn thi đấu cho SLNA. Ảnh: Quang Minh
Sở dĩ, Lê Văn Lưu không có cơ hội thi đấu cho Đội tuyển Việt Nam tại các giải đấu chính thức như SEA Games hay AFF Cup là do không cạnh tranh nổi với Nguyễn Mạnh Cường (Thể Công) Và Đỗ Văn Khải (Hải Quan) ở vị trí hậu vệ thòng. Bên cạnh đó là vào đầu những năm 2000, Đội tuyển Việt Nam không còn ưa chuộng sơ đồ 5 – 3 – 2, với 2 hậu vệ dập và 1 hậu thòng, mà cựu HLV Karl – Heinz Weigang đã sử dụng trong giai đoạn 1995 – 1997. Đây là điều hết sức đáng tiếc với cá nhân Lê Văn Lưu.
Cựu hậu vệ cánh trái Văn Sỹ Sơn
Xét về mặt tài năng và tầm quan trọng với SLNA, Văn Sỹ Sơn đều không thua kém những người đồng đội thuộc thế hệ 1970 – 1974 như Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Thủy, Nguyễn Phi Hùng... Thời còn thi đấu, Văn Sỹ Sơn là một trong những cầu thủ có nhiều đóng góp nhất cho đội bóng xứ Nghệ. Ngoài những danh hiệu cao quý, người con trai thứ nhà họ Văn còn có thời gian gắn bó với sân Vinh lâu nhất. Mãi tới năm 36 tuổi, Văn Sỹ Sơn mới chia tay SLNA để chấm dứt sự nghiệp “quần đùi, áo số”.
Trợ lý Văn Sỹ Sơn là người giành được nhiều danh hiệu vô địch nhất V-League. Ảnh: Internet
Thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái, nhiệm vụ của Văn Sỹ Sơn không chỉ hỗ trợ Ngô Quang Trường trong những pha tấn công, mà cầu thủ thường mang áo số 16 còn thường xuyên bó vào trong để “phá” lối chơi của đội bạn. Nhắc đến Văn Sỹ Sơn, hẳn những Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công), Lê Huỳnh Đức (Công An TP.HCM)… vẫn chưa hết ám ảnh. Tiếc rằng, dù thi đấu ấn tượng là vậy, nhưng Văn Sỹ Sơn vẫn không được các “thuyền trưởng” của Đội tuyển Việt Nam ở giai đoạn đó đoài hoài (Karl – Heinz Weigang, Henrique Calisto, Alfred Riedl…).
Văn Sỹ Sơn (số 16) trong pha tranh bóng với các cầu thủ của Thể Công. Ảnh tư liệu Quang Minh
Thực ra, chuyện Văn Sỹ Sơn không được “ăn cơm tuyển” là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi ở giai đoạn này, bóng đá Việt Nam cũng đang sở hữu hàng loạt hậu vệ cánh trái xuất sắc, điển hình như Lê Đức Anh Tuấn (Huế), Nguyễn Chí Bảo (Công An TP.HCM) và Nguyễn Đức Thắng (Thể Công). Dẫu sao thì với không ít nhà chuyên môn và người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ vẫn cảm thấy tiếc, cảm thấy bất công, vì Văn Sỹ Sơn không một lần được khoác áo Đội tuyển Việt Nam. Có lẽ, đó là điều nuối tiếc nhất trong sự nghiệp cầu thủ của cựu hậu vệ cánh trái sinh năm 1972.
Hiện tại, Văn Sỹ Sơn đang nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm “thuyền phó” của CLB Hà Nội, còn cựu hậu vệ Lê Văn Lưu thì đang làm công việc tự do, không liên quan đến lĩnh vực bóng đá. Họ chính là 2 cựu “ngôi sao” SLNA kém duyên với màu áo đội tuyển Quốc gia nhất từ trước đến nay./.