Những giá trị truyền thống đó đã sớm được hun đúc trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành những đức tính tốt đẹp, riêng có của con người Nghệ An. Để trên cơ sở sự kế thừa, truyền thống quê hương; sự thể nghiệm cuộc sống với nhiều hoàn cảnh, nhiều nền văn hóa; sự sáng tạo và tiếp biến văn hóa, đem lại cho Người những chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người, về số phận. Thấu hiểu nhân tình và nổi đau nhân thế để rồi Bác tự thể hiện mình trên tất cả các cung bậc, phương diện cuộc sống một cách giản dị, lão thực, hiền minh, hài hòa, tự nhiên nhất.

hoc_tap_lam_theo_tu_tuong_dao_duc_phong_cach_ho_chi_minh7827203_5122021.jpg

Như vậy, có thể khẳng định rằng chính bản sắc quê hương xứ Nghệ là tiền đề để Người lĩnh hội văn hóa dân tộc, tiếp cận với tinh hoa văn minh nhân loại, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, cốt cách vĩ nhân. Từ đó, tạo nên phong cách văn hóa mang đậm cốt cách văn hóa phương Đông, văn hóa dân tộc Việt Nam, là sự kết tinh văn hóa xứ Nghệ chuẩn mực nhất. Vì vậy, người Nghệ học Báccũng là tự phát huy những giá trị tốt đẹp, truyền thống, đức tính vốn có của mình để khẳng định bản thân, để hội nhập và phát triển.

Học Bác ý chí, nghị lực, đức tính cần cù, sự quyết tâm phi thường, rèn luyện không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn để thành công

Suốt mấy chục năm hoạt động khắp thế giới, Bác làm đủ mọi nghề: phụ bếp, thợ làm vườn, bồi bàn, cào tuyết, thợ làm bánh... Trong lao động Người vẫn miệt mài học văn hóa, ngoại ngữ, tập viết từng mẩu tin đến làm chủ bút, chủ nhiệm tờ báo Người cùng khổ. Sau khi trải qua 30 nhà lao, 14 tháng tù giam, sức khỏe đã già yếu, nhưng Người vẫn quyết tâm rèn luyện, tập leo núi để hồi phục sức khỏe, về nước lãnh đạo cách mạng. Bác hoạt động cách mạng, xông pha nơi trận mạc, trèo núi, ngủ hang, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, tìm tòi mọi phương cách đánh thắng mọi mưu đồ thâm sâu, hiểm độc của kẻ thù.

Hình ảnh không ngừng học tập, nghiên cứu dù trong môi trường, điều kiện hoàn cảnh nào, đã dạy cho chúng ta bài học về tinh thần học tập, phấn đấu và làm việc hết mình, khắc phục những yếu kém của bản thân, của mọi khắc nghiệt của điều kiện, hoàn cảnh. 

Đây cũng là động lực để mỗi người Nghệ phát huy tố chất ham học, khả năng rèn luyện, vượt mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt để không ngừng hoàn thiện nhân cách, “để làm kinh tế, chính trị, văn hóa tiến bộ... học để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, xây dựng quê hương, tỉnh nhà.

Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Noi gương lòng trung thành, yêu nước, ngay thẳng và chính trực đậm chất nhân văn, cốt cách của con người xứ Nghệ

Từ truyền thống anh dũng chiến đấu trong dựng nước và giữ nước người xứ Nghệ nổi bật với những đức tính cương trực, khảng khái, dám xả thân, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Đây cũng chính là động lực chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, là cơ sở cốt yếu để Bác theo đuổi mục tiêu hạnh phúc của nhân dân. Thời gian hoạt động ở Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người trả lời “Rất giản đơn, Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”.

Năm 1944 ở Liễu Châu, tuy được ra khỏi nhà tù nhưng Người vẫn bị quản thúc, Người đã nói với tướng Trương Phát Khuê “Tôi là người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam”. Cho đến những năm tháng cuối đời, Người viết lại trong di chúc “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Đây là di sản quý báu, là cơ sở để Nghệ An xây dựng con người mới phát triển toàn diện theo Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Con người mới phải có lòng trung thành, chính trực, có lý tưởng yêu nước; có lối sống lành mạnh, giản dị, phong cách khoa học, khẩn trương, trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Con người mới phải đặt công việc lên trên hết, có nhân cách, đạo đức, bản lĩnh, trung thực và đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức.

Để xây dựng con người mới chúng ta phải chú trọng giáo dục con người trên tất cả các mặt từ đạo đức, văn hóa đến nhân cách, phải toàn diện từ đức, trí, thể, mỹ. 

Không chỉ học để khẳng định mình, để hình thành ở mỗi người ở tinh thần hăng hái lao động và khả năng tự giải phóng, “mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”, vươn lên vượt qua “cái nghèo”,”cái khó” phấn đấu đưa tỉnh nhà “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” như di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.    

Người dân Nghệ An chào đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 ngày 9/12/1961. Ảnh: Tư liệu

Nêu cao tấm gương đạo đức, lối sống giản dị, mẫu mực, trong sáng

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn đã tạo cho người Nghệ đức tính đặc biệt: cần, kiệm, giản dị, trong sáng, mộc mạc. Đây là nền tảng để Bác kế thừa và phát huy, tạo thành đỉnh cao của nhân cách đạo đức, lối sống thanh cao, giản dị, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Cả khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn giữ lối sống nhân dân, gần gũi mộc mạc, đơn sơ. Vẫn tiết kiệm mọi thứ với phương châm cần thiết thì mới dùng, đúng mức điều kiện hoàn cảnh cho phép, không lãnh phí, xa hoa, phô trương hình thức.

Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, từ chiến khu về, Người từ chối ở tại Phủ toàn quyền cũ mà dọn đến căn phòng của một người thợ điện thiếu gió và ánh sáng, mùa Hè nóng như nung. Đến năm 1958, theo yêu cầu giản tiện - nhanh gọn - tiết kiệm của Bác, một nếp nhà đơn sơ đã được dựng lên bên cạnh bờ ao, ngôi nhà ấy đã đi vào lịch sử, là nơi quy tụ những gì giản dị mà vĩ đại nhất của một vị lãnh tụ. Không chỉ là nơi ăn chốn ở mà phong cách, lối sống của Bác cũng rất đỗi bình dị, thân quen, không chút đặc quyền của một vị Chủ tịch nước. Đến thăm đồng bào Người cũng lội xuống ruộng đạp guồng nước cùng bà con; vẫn bộ áo nâu sờn, vẫn đôi dép cao su mòn, cũ ấy...

Nhà báo David Stamp của Mỹ đã viết trong cuốn sách “Hồ” (1971) rằng “...Tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao, ông càng giản dị và trong sạch...”.Ngày nay, trên cơ sở những bản sắc văn hóa tốt đẹp đó, chúng ta học Bác không chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường, mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, năng động, sáng tạo trong cuộc sống, trong công việc, trong thực tiễn. Kiệm không chỉ là ý thức tiết kiệm trong cuộc sống, trong ăn mặc, hưởng thụ mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo, tinh tường trước mọi cám dỗ, sự chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội, cạnh tranh có hiệu quả để làm giàu cho bản thân mình, cho quê hương.  

Bác Hồ tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ngày 12/1/1958. Ảnh: Tư liệu

Học Bác về nghệ thuật ngoại giao: nguyên tắc, quyết đoán, tự tin nhưng mềm mại, nhẹ nhàng

Tinh thần đồng cam cộng khổ, đoàn kết, yêu nước của truyền thống quê hương đã hình thành cho Người một phong cách ngoại giao hài hòa, tự nhiên, chân thành, nhân ái và khoan dung. Trong ngoại giao Bác luôn có các phương pháp tinh tế và phù hợp để giải quyết những vấn đề cụ thể, cứng rắn và kiên định về nguyên tắc nhưng mềm mại và uyển chuyển trong giải pháp, thận trọng nhưng kiên quyết, bình tĩnh nhưng khẩn trương, sâu sắc lý luận nhưng rất thực tiễn. Thể hiện rõ ở chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ gặp muôn trùng khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng với chiến lược và sách lược tài tình, Người đã tận dụng mọi mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng, lúc thì nhân nhượng với Pháp để đuổi Tưởng; lúc thì hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay chống Pháp, dành thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Người luôn đứng trên đỉnh cao của sự hiểu biết, nắm chắc tình hình của mình, của đối phương, tìm thế mạnh của mình, hạn chế điểm yếu của đối phương, dựa vào chính nghĩa của cách mạng, mềm dẻo “biết người, biết ta”. Đối với quân Tưởng, bằng những kinh nghiệm của nhà hoạt động chính trị lão luyện, Người có cách ứng xử mềm mỏng, nhưng giữ vững nguyên tắc “chia ghế, không chia quyền”.

Về phương diện đoàn kết quốc tế Bác luôn nêu cao tấm gương tuyệt vời về tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, luôn biểu hiện tình cảm, tinh thần quốc tếtrong sáng, thủy chung trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình nhân loại và tiến bộ xã hội. Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1955, khi nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, Người thân tình nói rằng:“Tuy Việt  Nam  và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”.

Ngay cả với kẻ thù đầu hàng, Hồ Chí Minh vẫn đối xử với họ rất khoan dung, độ lượng. Năm 1950, khi thăm trại tù binh trong chiến dịch Biên giới, chứng kiến một đại úy quân y Pháp đang rét run vì lạnh. Bác đã cởi chiếc áo khoác của mình trao cho người đó, khiến người đại úy của Pháp cảm động sâu sắc. 

Hồ Chí Minh là nhà chính trị sáng suốt, nhưng lại là nhà thơ mẫn cảm, sâu sắc. Đó chính là sự hòa quyện, sự kết đọng thông tuệ dân gian; là sự thông minh, tế nhị và mộc mạc của tinh hoa văn hóa xứ Nghệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (4/5/1957). Ảnh: Tư liệu

Phong cách của Bác luôn khẩn trương như một chiến sĩ, lại thanh thản như một triết gia, mềm dẻo mà cương nghị, cao cả mà thiết thực, vô cùng giản dị mà lại rất mực thanh tao, quan tâm cái lớn, không quên cái nhỏ, thấy rừng và thấy cả từng cây. Tất cả những điều đó hình thành nên tính quyết đoán, lòng chân thành, nhân cách đẹp, kiến thức và tầm nhìn quốc tế sâu sắc, sức cuốn hút vô song, khả năng hoạt động nổi bật và lòng chính nghĩa hào hiệp trong nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người Nghệ hôm nay đang sống trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tri thức đa chiều, đa phương, toàn cầu hóa nên có nhiều cởi mở, mềm dẻo, uyển chuyển, để vượt qua cái nghèo”, “cái khó”. Vì vậy, học Bác chúng ta không chỉ còn là sự đoàn kết tương thân, tương ái mà đó còn là sự linh hoạt, hội nhập, biết vận dụng, tiếp thu linh hoạt để tìm biện pháp thích hợp, tạo niềm tin trong phương thức đối nội, đối ngoại, nhằm phát huy điểm mạnh, lợi thế của mình. Người Nghệ học Bác cũng là tự phát huy những giá trị tốt đẹp, truyền thống, đức tính vốn có của mình để khẳng định bản thân, để hội nhập và phát triển.