Theo nhận định của một quan chức VFF, trong năm tới các giải hạng Nhất và hạng Nhì sẽ cần xấp xỉ 90 cầu thủ. Thị trường cầu thủ Việt sẽ sôi động hẳn lên và tân Giám đốc kỹ thuật Đức Thắng cần phải sớm có chiến lược kinh doanh cầu thủ, vốn lâu nay đang manh mún.
Thời cơ đến
Người ta đã thấy bầu Hiển ngoài việc đang có trong tay Hà Nội FC làm mưa, làm gió còn “bán buôn” cả đội Sài Gòn, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh như thế nào. Số tiền chuyển giao được giấu kín, nhưng chắc chắn là một cái giá không hề rẻ. Bầu Đức cũng làm điều tương tự khi cho CAND mượn sân Hàm Rồng cùng 9 cầu thủ trẻ HAGL đá hạng Nhì.
Việc tìm “đầu ra” cho các cầu thủ trẻ vừa giúp cho CLB có kinh phí, lại tạo thương hiệu đầu vào khi tuyển dụng. Việc chỉ tuyển sinh chủ yếu ở các huyện của Nghệ An để mỗi năm chỉ 1-2 cầu thủ được lên đội 1 khiến cho lò SLNA đang yếu thế trong công tác đào tạo trẻ. Thực tình, SLNA vẫn cho các đội mượn cầu thủ, nhưng nó không thành chiến lược và đem lại hiệu quả như nhiều CLB khác.
Trong đó, việc “xuất khẩu” cầu thủ của lò SLNA không có người cầm trịch đủ tầm nên cũng không có kinh phí trả lương, thu hút thầy giỏi như các lò đào tạo khác. Bị hạn chế cho “thầy và trò” sẽ khiến cho lò SLNA khó cạnh tranh với Viettel, PVF, Hà Nội, HAGL thậm chí cả láng giềng Hà Tĩnh.
Hiện nay, SLNA là số ít lò đào tạo tại Việt Nam có đủ các tuyến U10, U11, U12, U13, U14, U15, U17, U19 và U21 SLNA với trên 200 cầu thủ. Nhưng CLB xứ Nghệ thiếu hẳn chiến lược đào tạo xuyên suốt với mục tiêu cung cấp cầu thủ cho đội 1 và kinh doanh cầu thủ. Với các CLB chuyên nghiệp, Giám đốc kỹ thuật sẽ “đặt hàng” tuyến trẻ những vị trí mà đội 1 cần, chủ động liên hệ cho mượn, bán những vị trí mà đội 1 đã thừa.
Hiện nay, tại đội 1 SLNA có tới 4 thủ môn dự bị gồm: Văn Hùng (1992),Trần Văn Tiến (1994), Dương Văn Cường (1999), Hồ Văn Tú (1995) và Hồ Viết Đại (2000) chưa kể phía sau còn thủ môn U19 Việt Nam Nguyễn Văn Bá (2001), tuyển thủ U16 Việt Nam Nguyễn Văn Việt, Đặng Xuân Sơn nhưng vẫn phải bỏ tiền đi mua Văn Hoàng (Sài Gòn). Không giải quyết nhanh thì SLNA vừa khủng hoảng thiếu, vừa rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa thủ môn.
Vai trò của tân GĐKT
Việc SLNA nhiều năm nay không đào tạo được các tiền vệ trung tâm chất lượng bổ sung cho đội 1 đến nay vẫn không có lời giải. Với mô hình quản lý như hiện nay, quyền lợi và trách nhiệm của các thầy trẻ trong việc cung cấp cầu thủ cho đội 1 chưa tạo được động cơ cho anh em gắn bó với nghề.
Thu nhập giữa BHL đội 1 và các thầy HLV trẻ có khoảng cách, để bám nghề nhiều thầy phải làm thêm ở các trung tâm bóng đá cộng đồng. Nguồn kinh phí 20 tỷ đồng/năm cho công tác đào tạo trẻ từ ngân sách sử dụng như thế nào để có hiệu quả nhất đang là vấn đề lớn đối với SLNA.
So với các trung tâm đào tạo khác, có HLV ngoại làm việc, cơ hội học tập trau dồi kỹ năng đào tạo của các ông thầy tại SLNA hẹp hơn. Giáo án ít thay đổi, mảng miếng chiến thuật không đa dạng nên các đội U21 SLNA thường không có thành tích tốt như các lò đào tạo khác.
Đã rất lâu rồi SLNA mới có chức danh Giám đốc kỹ thuật, đây là cơ hội để lò đào tạo này sắp xếp, làm mới lại chính mình. Với bằng cấp và kinh nghiệm đã từng làm HLV trưởng SLNA, Đức Thắng là sự lựa chọn có chủ ý cho vị trí mới mẻ này.
Trong đó, việc phải tìm các giải pháp đầu ra cho những cầu thủ đã 7-10 năm gắn bó với sân Vinh phải được xem là vấn đề quan trọng, nghiên cứu thấu đáo. Tranh thủ khi thị trường cầu thủ hạng Nhất, hạng Nhì sẽ sôi động trong thời gian tới để “xuất khẩu” cầu thủ không nằm trong kế hoạch./.