(Baonghean) - Đã gần 30 năm đổi mới, ngần ấy thời gian kinh tế nước ta - tỉnh ta đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Ấy thế nhưng hình như chúng ta vẫn chưa “thoát” được câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì để trực tiếp xóa đói, giảm nghèo, xa hơn là để làm giàu. Tại sao vậy? Xin được “đi” từ nguyên lý phổ biến, kế đó là từ tổng kết thực tiễn (hay thực tế).
Về nguyên lý, Mác từng nói: Xã hội này khác với xã hội kia không phải ở chỗ nó sản xuất cái gì, mà là ở chỗ nó sản xuất ra cái đó bằng cách nào. Có thể lấy thí dụ: Nuôi bò thả rông với nuôi bò nhốt là khác nhau; 1.000 hộ, mỗi hộ nuôi 1 con bò so với 1 trang trại nuôi 1.000 con bò khác nhau nhiều; nuôi bò với phương pháp truyền thống so với nuôi bò với công nghệ hiện đại càng khác nhau xa. Sản phẩm của nuôi bò có thể là thịt, có thể là sữa. Nhưng thịt và sữa của những cách nuôi khác nhau thì sản lượng khác nhau, chất lượng khác nhau, giá càng khác nhau xa. Như vậy, nguyên lý này cho ta nhận thức rằng: Nuôi con gì, trồng cây gì là cần thiết. Song quyết định lại là ở chỗ nuôi, trồng bằng cách nào? Mà cách nào thì ở đây xin đề cập 2 điều. Thứ nhất là “cách tổ chức”; thứ hai là “cách kỹ thuật” (công nghệ).
Kinh tế hàng hóa khác với kinh tế tự túc, tự cấp. Một bên sản xuất để bán. Còn một bên sản xuất để tự tiêu dùng. Sản xuất để bán đương nhiên phải tính đến sản lượng, đặc biệt phải tính đến chất lượng và giá thành của sản phẩm để có thể chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, có sức cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường. Còn sản xuất tự túc, tự cấp thì hoàn toàn không cần tính đến thị trường, mà chỉ cần tính nhu cầu của chính người sản xuất. Vậy là trồng cây gì, nuôi con gì để bán khác xa với để tự tiêu dùng. Và do đó, vấn đề chính là cách sản xuất ra sản phẩm ấy.
Về tổng kết thực tế (hay nói gọn là về thực tiễn), thì hiện nay sự phát triển của nông nghiệp (cả tỉnh và cả nước) đã kịch trần. Muốn có bước phát triển cao hơn phải phá trần, nghĩa là phải tổ chức lại sản xuất để xóa tình trạng manh mún, phân tán; lại phải dần đi vào công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Tức là phải thay đổi cách trồng, cách nuôi. Một số huyện miền núi tỉnh ta có những cây có thể coi là đặc sản như khoai sọ Mông; bí xanh, bí đỏ, dưa rẫy vẫn được trồng theo cách truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, “không có sự vào cuộc” của doanh nhân, doanh nghiệp để tiêu thụ, chế biến, nên các sản phẩm không ra được thị trường, không có khối lượng đủ lớn... do đó không đủ sức để làm giàu. Còn với cây mới đưa về như chanh leo ở Tri Lễ (Quế Phong), thì cũng chỉ mới giải quyết được việc xóa đói, giảm nghèo, chưa thể làm giàu được. Bởi vì cách thức sản xuất vẫn thế: nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật sản xuất thì chỉ ở trình độ biết trồng. Còn nhiều thực tế mà có thể qua đó tổng kết để đi đến nhận thức rằng: Trồng cây gì, nuôi con gì là cần phải xác định; nhưng quan trọng hơn và quyết định hơn phải là trồng cây ấy, nuôi con ấy vì mục đích gì, và từ đó phải trồng, phải nuôi bằng cách nào, cả về phương diện tổ chức sản xuất lẫn phương diện kỹ thuật và công nghệ.
Ai cũng nhận thức rằng, sản xuất tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Muốn xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, đi tới làm giàu, nhất thiết phải chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa, tiến tới sản xuất hàng hóa lớn. Muốn thế, phải vượt qua câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, để đặt ra câu hỏi làm gì và làm thế nào để nông nghiệp địa phương mình, tỉnh mình đi lên sản xuất hàng hóa, rồi tiến lên sản xuất hàng hóa lớn.
Trương Công anh