(Baonghean) - Chỉ khi mỗi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đất nước mới phát triển. Trái với điều đó là thiếu kỷ cương, bộ máy Nhà nước vận hành kém hiệu quả.
Ngôn ngữ Hiến pháp vốn khái quát, cô đọng. Cái cụ thể sẽ có các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) hướng dẫn. Tuy thế, Hiến pháp vẫn không có chuyện hiểu nhầm, trừ sự cố tình. Xin đơn cử: Luật quy định “Người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm”, vế sau bổ sung “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép”. Như thế là rõ. Đáng tiếc, một số cơ quan cố tình hiểu sai, lảng tránh vế thứ hai: “Được làm những gì mà luật pháp cho phép”. Họ chỉ chăm chú vế một “Làm cái gì luật pháp không cấm”.
Thành thử Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đem tiền Nhà nước, tiền điện của dân, đầu tư ngoài ngành (bất động sản, xây trụ sở quá mức, mua xe hơi đắt tiền, chứng khoán...) để rồi lúc nào cũng kêu lỗ, đòi tăng giá điện. Trong khi đó, hệ thống truyền tải điện yếu kém, dân thiếu điện sinh hoạt, nhà máy không đủ điện để sản xuất. Nói là “bán điện tại gia”, nhưng dân phải mua công tơ của Điện lực (để họ quản lý), tự sắm dây từ trục chính vào nhà mình. Lương thấp nhất của ngành Điện là 7 triệu đồng/người/tháng. Còn cao nhất là bao nhiêu, ai biết? Ông Tổng Giám đốc Điện lực Việt Nam còn than phiền trước Quốc hội là rất băn khoăn khi đời sống công nhân còn quá thấp. Xin nói rằng, lương thấp nhất của một công nhân ngành điện cũng bằng lương cao nhất của 2 giáo viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, giảng dạy từ 6 năm trở lên.
Chẳng hiểu các vị nghĩ thế nào, chứ người dân bình thường như chúng tôi cũng thấy: Toàn bộ cơ sở vật chất của ngành Điện (bao gồm đập nước, nhà máy, hệ thống truyền tải...) là tiền của dân đóng góp, Nhà nước đi vay. Các vị có đặc ân là ngồi thu tiền trên sự hy sinh của dân, sự chắt bóp và nợ nần của Chính phủ. Thừa tiền, EVN lại đưa đầu tư ngoài luồng. (Việc này Nhà nước không cấm, nhưng chỉ được phép làm chừng nào ngành Điện đã làm tốt nhất nhiệm vụ của mình). Khi kiểm tra, việc đã rồi. Giải pháp là “thoái vốn !.. Không biết ông nào trong cơn mê - tỉnh lại nghĩ ra khái niệm hết sức tù mù này. Vốn đã xây nhà, mua đất để kinh doanh, làm chứng khoán, mua xe hơi... còn đâu nữa mà “thoái”. Nói chúng tôi đang “thoái vốn” là đồng nghĩa với sự ù xòe, mị dân, lấp liếm vốn của Nhà nước. Mà cũng không riêng gì EVN, Dầu khí, Than - Khoáng sản, Ngân hàng... đều thế cả. Tất cả đều do ông “độc quyền” sinh ra. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh “cổ phần hóa”, nhằm từng bước xóa bỏ độc quyền, đề cao tính cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng XHCN là hoàn toàn đúng.
Ngô Trí Sỹ