Huấn luyện viên Falko Goetz không bị sa thải, có thể coi ông đã thắng VFF trong trận chiến sinh tử bởi thành tích xếp thứ tư cùng lối chơi tệ đến mức khó chấp nhận tại SEA Games 26, khó nhà cầm quân nào có thể tồn tại.
 
Từ “tiên đoán” của VFF...

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng quả quyết huấn luyện viên Falko Goetz là giỏi nhất, khả dĩ nhất trong các đời thầy ngoại từng dẫn dắt các đội tuyển quốc gia.
 
Tất nhiên, người hâm mộ nước nhà rất kỳ vọng ông Goetz thực sự là một thiên sứ của bóng đá Việt Nam. Bóng đá Đức và tính cách người Đức ưu việt thế nào ai cũng biết. Bóng đá Việt Nam đang cần sự chính xác, khoa học, hiệu quả trong lộ trình phát triển cũng như những giải đấu cụ thể. Điều quan trọng không kém, cần một tinh thần quả cảm của bóng đá Đức. Nói thế bởi tâm lý cầu thủ thiếu vững vàng luôn là nỗi ám ảnh với người hâm mộ khi bóng đá Việt Nam đứng trước những thời khắc sinh tử. Trong bối cảnh các đội tuyển chưa bao giờ có một chuyên gia tâm lý, cơn khát vàng trĩu nặng, thì bản lĩnh của huấn luyện viên trưởng sẽ là điểm tựa cho cầu thủ trong những cơn gian khó. Trong quá khứ, chúng ta cũng không ít lần chứng kiến các thầy ngoại cũng bị stress do áp lực tâm lý...
 
Huấn luyện viên Falko Goetz còn được kỳ vọng bởi trước khi đến Việt Nam, ông hoàn toàn chưa bị nhiễm những tật xấu cố hữu lẫn các chiêu trò của bóng đá nước ta. 
 
... đến hiện tượng ông Goetz đang bị đồng hóa
 
Trong các tiêu chí chọn huấn luyện viên thì am hiểu bóng đá khu vực lẫn Việt Nam, ngoài mặt tích cực, cũng có cái dở: Đấy là nhà cầm quân ngoại hiểu quá rõ bóng đá Việt Nam nên đã tận dụng điều đó để lúc cần thiết đưa VFF vào những tình thế ngặt nghèo. Chính sự chia tay bất ngờ của ông Henrique Calisto đã đẩy VFF vào thế bị động.

770722_small_68738.jpg
 Vị trí của Goetz mới là nhạy cảm với BĐVN thời gian tới. Ảnh: Quốc Khánh

Ông Goetz, từ chỗ chẳng hiểu gì về bóng đá Việt Nam lẫn khu vực, mới đây đã hiểu thế nào là bóng đá vùng trũng. Chúng ta cũng không lạ, khi huấn luyện viên này đã có những dấu hiệu hiểu quá rõ môi trường nơi ông đang làm việc, để tạo cho mình trận tuyến phòng thủ. Trong đó, là sự chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho học trò, cho hoàn cảnh lẫn điều kiện không thuận lợi.
 
Tất cả, cùng với biểu hiện thiếu nhạy cảm, non bản lĩnh tại SEA Games vừa rồi, Goetz đã không mang đến một mẫu hình thuyền trưởng có chất. Thật ngao ngán khi nhìn thấy cảnh ông quẫn, chắp tay vái đồng nghiệp, nhặng xị khi thủ môn Bửu Ngọc chấn thương, tóc tai xù cả lên.
 
Đến đây, chúng tôi đặt câu hỏi: Nếu bạn là huấn luyện viên trưởng như ông Goetz, bạn có chọn phương thức đẩy trách nhiệm để bảo vệ cái ghế của mình?
 
Chắc chắn bạn sẽ ứng xử thế. Đơn giản bởi hoàn cảnh quy định tính cách. Chúng ta hãy nhìn thái độ giải trình thất bại của lãnh đạo VFF thiếu trách nhiệm lẫn lòng tự trọng, thì sẽ “thông cảm” với Goetz hơn. Một buổi họp báo sau cuộc họp xẻ thất bại do Thường trực VFF tổ chức ngày 28/11 vừa qua nhưng vắng Chủ tịch VFF, không có Tổng thư ký (Trưởng đoàn U23), vắng cả hai ông Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn lẫn tài chính. Chủ trì buổi họp báo là ông Nguyễn Lân Trung, phụ trách truyền thông.
 
Phải làm việc, hít thở trong một môi trường yếm thế như vậy, ông Goetz không bị đồng hóa mới lạ. Thế nên, vấn đề của bóng đá Việt Nam không phải nằm ở huấn luyện viên ngoại, mà chủ yếu do trình độ của VFF chưa đáp ứng được yêu cầu, sự phát triển của bóng đá đất nước. Không quá lời khi bảo rằng đến Mourinho sang Việt Nam cũng khó thành công. Đã thế, VFF còn tồn tại như thế giới riêng, những sai lầm của họ không bị cơ quan chủ quản đả động đến, ghế những nhân vật chủ chốt ở đây vẫn vững như bàn thạch, càng khó cho cuộc cách mạng triệt để, nếu có.
 
“Đánh bạc” và tiếp tục dò đường

VFF không sa thải huấn luyện viên Goetz, trong khi đã bắt đầu “đọc vị” được năng lực chuyên môn của ông không tài như đã kỳ vọng, đồng nghĩa bóng đá Việt Nam tiếp tục “đánh bạc” với nhà cầm quân người Đức trong những chiến dịch sắp tới, cho đến nhiệm kỳ VI kết thúc.
 
Với những gì đã thể hiện, thật khó tin rằng dưới bàn tay ông Goetz, bóng đá Việt Nam sẽ cất cánh tại AFF Suzuki Cup 2012. Đến lúc đó, thì đã quá muộn. Với thái độ tiếp thu và sửa đổi sau thất bại của VFF thiếu chuyên nghiệp, chỉ khán giả nhà lẫn bóng đá Việt Nam thiệt thòi, đắng cay mà thôi.
 
Cho đến thời điểm này, VFF vẫn đang trong trạng thái mất phương hướng, chưa tìm ra được một đường đi đúng đắn nhất. Nếu chỉ để lọt vào bán kết AFF Suzuki Cup hay SEA Games, thì chẳng cần phải sử dụng ông Goetz hay một nhà cầm quân ngoại nào khác. Tin chắc rằng, huấn luyện viên nội vẫn có thể đảm trách được, thậm chí làm còn tốt hơn cả thầy ngoại. Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Sỹ... có lẽ chẳng còn bỡ ngỡ nếu như được tin tưởng. Rất nhiều lần, ông Phan Thanh Hùng đã chứng minh được khả năng đó, khi đóng thế cho ông Calisto và ông Goetz.
 
Bóng đá Việt Nam tiếp tục cần chuyên gia ngoại. Đấy là điều tất yếu trong bối cảnh cần hòa nhập mạnh mẽ hơn nữa, lĩnh vực nào cũng thế. Tuy nhiên, để đặt các chuyên gia ngoại đúng vị trí, tận dụng được chất xám của họ là cả một nghệ thuật.
 
Và cần có cả sự dũng cảm, sáng suốt trong tư duy của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam. Nền bóng đá ta, cả cấp câu lạc bộ vẫn thiếu những kiến trúc sư trưởng để tái cấu trúc ngôi nhà bóng đá của địa phương, của quốc gia khang trang hơn, vững chãi hơn.
 
Bởi thực tế, 11 năm lên chuyên chúng ta vẫn làm bóng đá kiểu xây nhà từ nóc. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Quốc gia vẫn chỉ mang tiếng hoành tráng, còn đào tạo nguồn cho bóng đá Việt Nam vẫn là số 0. Các huấn luyện viên, chuyên gia có chất đều được ưu tiên cho đội 1, đội tuyển quốc gia, còn đào tạo trẻ chủ yếu các cựu cầu thủ mới giải nghệ kiếm tấm bằng qua vài chục ngày học hành là vào nghề.
 
Triều đại ông Goetz mới chỉ qua 6 tháng nhưng đã làm lung lay niềm tin trầm trọng. Chúng ta cũng đã có thể cảm nhận sau thất bại vừa qua, đã có một rạn nứt vô hình khó hàn gắn trong mối quan hệ giữa Goetz và những người thuê ông.
 
Nhưng ông Goetz và các thầy ngoại luôn biết cách trở thành người chiến thắng sau mỗi thất bại ở Việt Nam và với VFF. Bóng đá Việt Nam, chặng đường sắp tới, thực sự thon thót với huấn luyện viên Goetz, hay nói cách khác đây là vị trí nhạy cảm nhất và sẽ còn tốn nhiều thời gian bàn luận của người hâm mộ nhất.


Theo TT&VH