Dù lớn lên với đôi chân bại liệt nhưng nữ VĐV cử tạ 33 tuổi người Quảng Trị Nguyễn Thị Hồng chưa bao giờ coi mình là phế nhân. Và sự lạc quan trong cuộc sống đã giúp chị đoạt suất dự Paralympics London 2012.
Cơn bệnh nặng năm 4 tuổi đã khiến đôi chân Hồng teo lại rồi liệt hẳn. Bệnh tật, nhà nghèo, mù chữ, tương lai của Hồng gần như xám xịt. Nhưng cô vẫn sống mạnh mẽ như xương rồng giữa sa mạc. 15 tuổi, Hồng mở quán nước ven quốc lộ để kiếm sống.
Quyết tâm học chữ
Năm 1996, nhân viên chương trình nhân đạo “Cây xanh hòa bình” cho Hồng chọn giữa hai cơ hội: được tặng một chiếc máy may hoặc đi học. Rất nhiều người khuyên Hồng nên chọn máy may nhưng cô lại quyết tâm chọn đi học. 1
8 tuổi, Hồng mới cắp sách đến trường với rất nhiều trở ngại, nào là những tiếng cười trêu ghẹo của các em nhỏ, rồi phải lắc xe lăn hơn 3,5km mỗi ngày đến trường,... Nhưng Hồng vẫn học giỏi và đến lớp 8 mới nghỉ để chuyển sang học may.
Đến tuổi cập kê, mối tình giữa chị với bạn trai cùng thôn Nguyễn Trần Vũ bị gia đình hai bên ngăn cấm. Nhưng với tình yêu chân chính và nghị lực lớn, họ dắt tay nhau vào TP.HCM lập nghiệp.
Chị Hồng tập luyện ở Trung tâm TDTT quận Tân Bình - Ảnh: Tấn Phúc
Vượt lên chính mình...
Chúng tôi gặp chị ở nơi tập trung của đội cử tạ khuyết tật TP.HCM bên hông nhà thi đấu Trung tâm TDTT quận Tân Bình. Nơi đây chỉ có một bộ tạ cũ kỹ sau hơn chục năm sử dụng.
Chị cho biết nghiệp VĐV đến với mình rất tình cờ. Năm 2003, một cán bộ xã thấy cô chủ quán có sức khỏe tốt đã đề nghị Hồng đua xe lăn ở cuộc đua do huyện tổ chức. Tuy Hồng từ chối nhưng người cán bộ này vẫn đăng ký tên cô. Bị đặt vào thế đã rồi, cứ mỗi sáng Hồng lại lẳng lặng lấy xe lăn ra tập trên quốc lộ. Đi thi đấu cũng phải trốn ba mẹ, vậy mà Hồng bất ngờ đoạt HCV cự ly 3.000m xe lăn nữ. Một tháng sau, Hồng đoạt tiếp 3 HCV tại Giải vô địch tỉnh Quảng Trị.
Lần đầu tiên dự Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc 2003 ở Hà Nội, Hồng đoạt HCV cự ly 3.000m. Nhận huy chương buổi sáng, buổi chiều Hồng được HLV cử tạ rủ thử sức ở môn này và đoạt luôn HCB. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ khi vài tháng sau Hồng được triệu tập vào đội tuyển quốc gia dự ASEAN Paragames ở môn... cử tạ, chứ không phải đua xe lăn sở trường. Và từ đó Hồng gắn nghiệp VĐV của mình cùng môn cử tạ.
Hoàn thành giấc mơ Paralympics
Con gái tập cử tạ gặp rất nhiều rào cản. Chị Hồng nói: “Người khuyết tật làm gì cũng khó, đặc biệt là khi tập cử tạ. Vấn đề là mình phải nỗ lực vượt qua ngưỡng của bản thân để vươn đến thành công và một tương lai tươi sáng hơn”.
Với nghị lực phi thường, Hồng gắn đời mình cùng chiếc tạ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi ở Quảng Trị, tiền công tập của Hồng mỗi tháng 300.000 đồng. Đầu quân cho TP.HCM từ năm 2008, Hồng chủ yếu tập chay và nhận tiền thưởng theo thành tích. Ba tháng gần đây, Hồng phải bỏ hẳn chuyện may vá để tập trung chuẩn bị cho ASEAN Paragames 2011 và được hỗ trợ 8,4 triệu đồng.
Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai anh Vũ, chồng chị, với lương thợ sắt chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của họ càng chật vật hơn khi đứa con trai đầu lòng ra đời năm 2007. Đó là chưa kể Hồng cần những khẩu phần ăn đặc biệt để đủ thể lực tập luyện. Cả nhà chị hiện sống trong căn nhà trọ chật hẹp ở quận Bình Tân với giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng.
Vất vả là thế nhưng bộ sưu tập huy chương của Hồng không ngừng phong phú thêm theo thời gian với 2 HCV Asean Paragames, 1 HCV Giải cử tạ người khuyết tật châu Á mở rộng 2006...
Đặc biệt, tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới mở rộng ở Saudi Arabia hồi giữa tháng 10, Hồng đã đoạt HCĐ và đạt chuẩn A dự Paralympics London 2012. Hồng nói: “Tôi rất hạnh phúc khi nghĩ đến việc được có mặt tại London thi đấu với những VĐV hàng đầu thế giới.