(Baonghean) - “Ông ấy đúng là bộ đội cụ Hồ !” Đó là những lời khen, tình cảm tốt đẹp của bà con thôn Tân Lập nói riêng, nhân dân vùng thị trấn và xã Bồng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) dành cho ông Trần Mạng Cường, người cựu chiến binh, người đảng viên không cam chịu đói nghèo, biết trồng cây và trồng người làm giàu cho gia đình và xã hội.
 
Ông Trần Mạnh Cường sinh ngày 10 tháng 10 năm 1927, tại xã Duy Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mảnh đất Quảng Nam anh hùng và những năm tháng trong quân ngũ đã tạo cho ông đức tính cần cù và lòng dũng cảm, ở tuổi bát thập nhưng trông ông vẫn còn khoẻ và nhanh nhẹn lắm.
 
17 tuổi, ông đã tham gia du kích đánh giặc giữ làng, đến năm 1949, ông vào bộ đội chính quy, chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam -  Đà Nẵng; năm 1954 tập kết ra Bắc, tiếp tục phục vụ trong quân đội, là sĩ quan phục vụ trong binh chủng đặc công thuộc sư đoàn 324; Năm 1959 theo yêu cầu xây dựng đất nước, ông chuyển ngành về Nông trường Bãi Phủ, huyện Con Cuông Nghệ An. Tại đây ông nên duyên với cô Lữ Thị Nguyệt, quê huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Và mảnh đất Con Cuông đã gắn bó với ông. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, theo tiếng gọi của Đảng, tạm biệt người vợ trẻ và hai cô con gái, ông tái ngũ vào đơn vị Phòng không chiến đấu, từng đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên, đại đội trưởng thuộc C.1, D.365, E.803, Quân khu 4, cho đến năm 1973, ông được Đảng và quân đội cho về nghỉ hưu. Trong 8 năm quân ngũ chiến đấu bảo vệ vùng trời tổ quốc, 5 lần được thưởng phép về gặp vợ con, vui thì không kể hết nhưng lại để lại gánh nặng cho vợ là thêm 5 cô con gái ra đời, cho đến khi về nghỉ hưu với mấy đồng lương hưu của cả hai vợ chồng chia đều cho 9 miệng ăn, lại còn chuyện học hành của các cháu, thật trăm bề thiếu thốn, nhưng nhờ được tôi luyện trong quân đội và trời cho ông sức khoẻ. Người ta thấy toàn bộ vùng đất hoang hoá của vùng Tân Lập rộng hơn 20 ha, được ông ngày đêm khai phá, biến nó thành ngô, lạc, đậu và cây ăn quả, cây nguyên liệu, lấy gỗ. Vùng Cửa Rọ bị núi đá vây quanh theo kiểu quấn cót, đây là vùng ven thị trấn Con Cuông, trước đây cây cối rậm rạp, nhưng do không ai quản lý trong một thời gian dài, nên bị chặt phá, biến nó thành hoang trọc. Từ ngày ông Cường về hưu, nơi đây cây cối ngày càng xanh tốt trở lại. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, toàn bộ thung lũng gần  20 ha, ông cơ cấu theo công thức nông – lâm kết hợp chăn nuôi, chỗ đất bằng, ông trồng cây lương thực, để cung cấp lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi gà, lợn, dê; vùng chân lèn, ông trồng bầu, bí và cây ăn quả như chuối, na, đu đủ, hồng xiêm.vv.. đến nhà ông bất cứ mùa nào chúng ta cũng được thưởng thức hoa quả. Vùng phía trên ông trồng cây lấy gỗ như xoan đâu, lát hoa, dổi, tre, mét. Sự cơ cấu hợp lý và công sức, mồ hôi của ông đã biến vùng “đất chết” này thành gạo, thành tiền, để ông bà nuôi con ăn học nên người.
 
Bây giờ nhìn lại vùng đồi cây gồm hơn 4 ha cây lát hoa, dổi cây nào cũng thẳng, to đường kính 35 – 40 cm, nhìn vườn mét tốt xanh, đồi xoan to thẳng, tôi nhẩm tính chỉ dăm năm nữa “khu vàng xanh” này  sẽ cho ông tiền tỷ. Điều quan trọng nhất là rừng cây này đã tạo cho môi trường sinh thái nơi đây mát mẻ hơn, cung cấp nguồn ô xy để đêm về vùng ven thị trấn Con Cuông không khí trong lành.
 
Điều mà bà con nơi đây khâm phục là ngoài chăm lo phát triển kinh tế, ông Cường luôn  quan tâm đến việc học hành nên của các con, con cháu đều chăm học và học giỏi. Với vẻ khiêm tốn, ông Cường nói: “ Điều ông bà sướng và hạnh phúc nhất là cả 7 người con gái của ông bà đã thành đạt cả, Cô con gái cả đang công tác tại ngành dược huyện Con Cuông, 6 cô sau đều tốt nghiệp đại học, người là giáo viên, người là kỹ sư nông nghiệp, là cán bộ, đảng viên phục vụ nhà nước”. Không dấu nổi vẻ xúc động, nhưng rất tự hào ông Cường nói tiếp: “Năm 2007 có hai tin vui, hai niềm tự hào lớn mang về cho ông bà đó là cô Trần Thị Hà (con gái thứ tư, là giảng viên Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên),  bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại OXTRAYLIA; Cô con gái thứ 6 là kỹ sư Trần Thị Lộc được Đại hội Phụ nữ tỉnh Bắc Cạn bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh Bắc Cạn và được nhân dân tỉnh Bắc Cạn bầu làm đại biểu Quốc Hội khoá XII, nhiệm kỳ 2007 – 2011”. Ngoài 7 người con thành đạt, có thêm 4 người cháu trong quê Quảng Nam, do gia đình anh em khó khăn, ông đem ra nuôi dạy, nay cũng rất thành đạt, có người bây giờ là Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, 3 người còn lại đều thành danh cả.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Tam (Bí thư Chi Bộ Thôn Tân Lập) cho biết: “Bác Cường là một đảng viên gương mẫu, một hội viên năng nổ nhiệt tình của hội cựu chiến binh và hội người cao tuổi. Gia đình bác Cường là một điển hình trong việc nuôi dạy con cháu.
 
Bây giờ đã ngoài tuổi tám mươi, nhưng ông vẫn chưa hề ngơi nghỉ, ngày hai buổi ông vác dao, vác cuốc lên chăm, bảo vệ vườn cây, thời gian còn lại ông hướng dẫn mấy đứa cháu ngoại học hành, giúp bà làm nội trợ, trong thôn, nhất là hội đồng hương miền Nam có ai đau ốm, là ông có mặt thăm hỏi và sẵn sàng giúp đỡ. 81 tuổi đời, hơn 50 tuổi đảng, nhưng ông chưa hề vắng một buổi sinh hoạt nào, kể cả sinh hoạt đảng, sinh hoạt hội hay sinh hoạt xóm. Ông là một trong những người có công lớn trong việc thành lập và tài trợ cho hội người cao tuổi thôn Tân Lập hoạt động có phong trào, là người góp công xây dựng Chi bộ Tân Lập nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.
 
Khu “vàng xanh” của ông bây giờ là “khu sinh quyển” của thị xã Con Cuông ngày mai. Tại đây chim, sóc, khỉ vượn... đã bắt đầu về trú ngụ và sinh sống. Những na, ổi, chuối, nhãn, hồng xiêm.. quả đang trĩu cành, hẹn những mùa bội thu.
 
Câu nói “Ông ấy đúng là bộ đội Cụ Hồ” là niềm tin, lòng kính trọng của bà con dành cho ông Trần Mạnh Cường, một tấm gương sáng cho mọi người học tập.


Phùng Văn Mùi