(Baonghean) - Mẹ đã hy sinh tuổi thanh xuân để dành trọn tình thương yêu nuôi dưỡng chúng tôi - những đứa trẻ không may mắn khôn lớn. Dù vất vả nhưng khi chứng kiến những đứa con nên người, trong ánh mắt mẹ lại tràn ngập hạnh phúc như bao người mẹ khác trên thế gian này.
Giống như các anh, chị em cùng trang lứa, mới lên 5, lên 6, với sự nhạy cảm của một đứa trẻ sống trong làng trẻ, tôi đã lờ mờ hiểu được hoàn cảnh của mình. Nhu cầu tìm hiểu của tôi lớn dần theo năm tháng, một ngày nọ tôi đánh bạo hỏi mẹ về quê quán, cha mẹ mình là ai. Lúc ấy tôi nghĩ việc làm đó là cần thiết, bởi tôi cần biết về quá khứ của mình, và tại sao tôi lại sớm rời xa quê hương đến vậy?
Chợt ánh mắt mẹ nhìn về phía xa xăm và ngấn lên những giọt lệ chực trào. Lúc ấy tôi nghĩ mình đã làm mẹ buồn. Tôi sà vào lòng mẹ và khóc, như bao lần, mẹ dang rộng vòng tay bao dung ôm lấy tôi, những giọt nước mắt mẹ rơi xuống đầu tôi nóng ấm. Mẹ bảo: “Thành ạ, mẹ sẽ kể cho con nghe. Nhưng con phải nhớ một điều, mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh, một số phận. Số phận đã đưa con đến với mẹ, đối với mẹ đó là một sự hạnh phúc vô bờ, nhưng với con, có thể đó lại là một sự thiệt thòi. Và chẳng có cha mẹ nào muốn xa con cái mình, tất cả chỉ vì hoàn cảnh thôi con. Con hiểu không?”. Dang đôi bàn tay yếu ớt của mình, tôi siết chặt lấy mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Mẹ ơi! Từ trước đến giờ con đã biết mẹ không phải là người sinh ra con, nhưng trong lòng con, mẹ thực sự là mẹ của con và mãi mãi về sau cũng vậy. Con chỉ muốn biết tại sao con lại có thêm một người mẹ nhất mực yêu con mà thôi”.
Ngừng lại một lúc, bằng tất cả sự dịu dàng thường thấy, mẹ bắt đầu kể tôi nghe về những ngày đầu tôi vào làng trẻ. Quê tôi ở Nam Đàn, vì hoàn cảnh khó khăn nên từ năm 1991 (lúc ấy tôi mới 3 tuổi) gia đình gửi tôi vào Làng trẻ SOS. Tôi còi cọc, ốm yếu lại hay khóc đòi mẹ vì nhớ nhà. Vì thế nhiều đêm ròng rã, mẹ phải ôm tôi vào lòng, dỗ dành tôi, rồi mẹ kể tôi nghe những câu chuyện cổ tích về nàng tiên, cô Tấm, ông Bụt… rồi mẹ hát ru cho đến khi tôi ngủ. Cũng vì người còi cọc do suy dinh dưỡng, hồi đó tôi thường xuyên đau ốm. Những lúc như thế, mẹ lại thức trắng đêm cho tôi uống thuốc đúng giờ, giặt khăn đắp lên trán mỗi khi tôi sốt cao.
“Lòng tham” của một đứa trẻ trong tôi lại nài nỉ muốn biết tại sao mẹ lại đến đây ở với chúng tôi. Bởi trong mắt tất cả chúng tôi, mười người con trong gia đình mẹ, mẹ vô cùng xinh đẹp, hiền từ và mẹ xứng đáng có được một gia đình hạnh phúc, xứng đáng có những đứa con do chính mẹ sinh ra. Nhưng ngần ấy thời gian sống bên mẹ, mẹ chỉ kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ tích, về tình thương giữa con người với con người, về đối nhân xử thế... Mẹ gieo vào lòng chúng tôi những câu chuyện về sự nhân hậu, hiền lành và ngoan ngoãn sẽ gặp được những điều may mắn trong cuộc sống, và đối lập với đó là sự trả giá cho cái ác của mọi sinh linh trên trái đất này. Thế nhưng mẹ chưa bao giờ kể về cuộc đời mẹ, mẹ vui và hạnh phúc khi ở bên các con, thế là đủ…
Lớn thêm chút nữa, tôi được mẹ kể cho nghe về cuộc đời của mẹ. Mẹ sinh năm 1959, trong một gia đình ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), lớn lên khi đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ tình nguyện lên đường nhập ngũ vào một đơn vị thanh niên xung phong và cống hiến tuổi xuân của mình cho đất nước hòa bình. Rời quân ngũ, mẹ được cử đi học trung cấp y tế và về quê công tác một thời gian. Năm 1990, Làng trẻ SOS Vinh thành lập, cần người tình nguyện chăm sóc những mảnh đời không may mắn, một lần nữa mẹ lại tình nguyện “lên đường”. Lúc mới ra làm việc ở làng trẻ, mẹ thực sự rất lo lắng, bởi dù đã luống tuổi nhưng mẹ chưa hề có kinh nghiệm nuôi con nhỏ. Nhiều đêm mẹ tự hỏi rằng không biết mình làm thế nào khi phải chăm sóc tận 10 đứa con bé bỏng? Tôi biết rằng, bằng tình yêu bao la, bằng tấm lòng nhân hậu của mình, mẹ đã vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả để chăm sóc chúng tôi từng bữa ăn giấc ngủ. Rồi những lúc trái gió trở trời, đứa này ốm, đứa kia đau, một mình mẹ thuốc thang, bón từng thìa cháo, dỗ dành, cưng nựng…
Đến tuổi dậy thì, chúng tôi phải ra cư xá dành cho các bạn nam, tôi buồn lắm. Với sự nhạy cảm của người mẹ, mẹ đọc được trong ánh mắt tôi sự hụt hẫng khi phải xa gia đình. Mẹ ôm tôi vào lòng và bảo: “Quy định của làng ta là vậy, con cũng đã khôn lớn và biết tự chăm sóc bản thân mình. Ngoài kia còn rất nhiều em bé cần tới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của mẹ. Con phải vui vì điều này mới phải, và dù con phải ra cư xá nhưng con vẫn là con của mẹ cơ mà, dũng cảm lên nhé chàng trai”. Không kìm được nước mắt, tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào, mẹ ơi con hiểu, nhưng con không muốn phải xa mẹ, xa chị và các em trong gia đình ta. Con muốn như ngày xưa để bất cứ khi nào gặp chuyện gì khó khăn thì mẹ là người đầu tiên giúp đỡ, tâm sự động viên con!
Mẹ chẳng nói gì, mẹ chỉ siết vòng tay ấm áp và cất lên lời ru nồng hậu, vỗ về, an ủi tôi: “Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/ Bầm ơi có rét không bầm/ Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần…”. Và rồi như một đứa trẻ, tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết, khi tỉnh dậy tôi thấy mẹ cùng chị và các em đang nấu cho tôi bữa cơm liên hoan chia tay.
Sau bữa cơm ấy, tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, bởi trước đó, mẹ đã trang bị cho tôi mọi kỹ năng cho cuộc sống tự lập sau này. Và rồi chúng tôi cứ thế lớn lên trong tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của mẹ. Giờ đây tôi đã là một học viên cao học, nhưng những lúc khó khăn, tôi và các anh, chị em trong gia đình vẫn thường xuyên được mẹ chia sẻ, động viên. Chúng tôi nay đã lớn khôn, có những ước mơ riêng để theo đuổi, nhưng mọi người đều nhớ gia đình nhỏ của mẹ, gia đình lớn của Làng SOS thân yêu!
Cảnh Nam
(Theo lời kể của Trần Văn Thành, học viên cao học ngành Quy hoạch Đô thị, Đại học Kiến Trúc Hà Nội về mẹ Nguyễn Thị Bình - người đã nuôi dưỡng Thành ở Làng trẻ SOS Vinh)