(Baonghean) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy về những đóng góp của Ngành trong thời gian qua.
 
image_5102242.jpgGiám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Bằng Toàn trao Bằng khen cho các giáo viên đoạt giải tại Hội thi giáo viên dạy nghề giỏi năm 2014. Ảnh: P.V
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cách đây vừa tròn 70 năm, Đảng và Bác Hồ đã thành lập ngành Lao động và Cứu trợ xã hội. Ngày 28/8/1945, ngành Lao động và ngành Cứu trợ xã hội - tiền thân của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội được ra đời. Vậy, ngành LĐ-TB&XH đã có vai trò như thế nào trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang được Đảng và Nhà nước giao. Những cống hiến to lớn của ngành LĐ-TB&XH cả nước, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã góp phần quan trọng trong công cuộc chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN. Trong nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã có những nỗ lực, cố gắng không ngừng, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 
 
Đặc biệt, trong 5 năm qua, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, công tác LĐ-TB&XH đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đáng chú ý là luôn đảm bảo chế độ cho gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, người có công, công tác an sinh xã hội; giải quyết việc làm cho 35.660 lao động/năm; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị từ 4,3% xuống 3%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,15%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 33% lên gần 55%. Trong 5 năm qua (2011 - 2015) xuất khẩu lao động tỉnh Nghệ An luôn đứng đầu cả nước (bình quân mỗi năm có trên 12.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Công tác chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội... cũng có nhiều chuyển biển tích cực. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần ổn định xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
 
Phóng viên: Thưa đồng chí, ngành LĐ-TB&XH đã đóng góp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành cần tập trung vào lĩnh vực nào?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Hiện nay, đất nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH càng nặng nề hơn, thách thức lớn hơn nhưng tin tưởng với truyền thống vẻ vang 70 năm qua, ngành sẽ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Đối với tỉnh ta, một tỉnh đất rộng, người đông, địa bàn phức tạp, miền núi rộng lớn, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, tình trạng thất nghiệp cao, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm nhiều; số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo cao, tập tục lạc hậu - đây là thách thức và lực cản trong phát triển KT- XH.
 
Theo Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm liên quan đến lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH quản lý, đó là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với nông dân; tập trung đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, chủ động hội nhập quốc tế; thực hiện giảm nghèo bền vững; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ; bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em; tập trung cao cho công tác phòng ngừa và đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm; nâng cao chất lượng bình đẳng giới; kiềm chế và giảm tai nạn lao động, giảm hộ nghèo, tai nạn rủi ro, nhất là đối với trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa....
 
Thời gian tới ngành LĐ-TB&XH tỉnh cần tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nói trên. 
 
Phóng viên: Thưa đồng chí, vậy thời gian tới, tỉnh có sự chỉ đạo cụ thể như thế nào để ngành tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, trong thời gian tới tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lao động, người có công và xã hội cần phát huy những thành tích đã đạt được, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu chiến lược an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, trước hết là các chủ trương, cơ chế, chính sách về giải quyết việc làm cho người lao động, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tập trung xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là vùng miền Tây Nghệ An và ven biển. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội, tập trung phòng, chống và cai nghiện ma túy, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là các chính sách, chế độ mới được ban hành để tổ chức thực hiện kịp thời có hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực công tác của ngành, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm hỏi sức khỏe Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mai (Đỉnh Sơn, Anh Sơn). Ảnh: Trần Hải
Thứ hai, tăng cường quản lý Nhà nước, nhất là nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, biện pháp thực hiện các lĩnh vực LĐ-TB&XH; đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng sở, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc sở; nâng cao chất lượng tham mưu, đổi mới lề lối, phong cách làm việc hiệu quả. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các huyện, thành, thị trong việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ LĐ-TB&XH ở cấp huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên ở thôn, xóm gắn với xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kỹ năng giao tiếp ứng xử nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Thứ ba, bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII sắp tới, Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH đến năm 2020 trên các lĩnh vực: Lao động, việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề cho người lao động, chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội để tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc sở, các trường trung cấp, cao đẳng nghề, các huyện, thành phố, thị xã chủ động tìm các giải pháp thực hiện ngay từ đầu năm một cách có hiệu quả. 
 
Thứ tư, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự ủng hộ của Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác LĐ-TB&XH. Tăng cường hoạt động đối ngoại thu hút đầu tư nguồn lực cho các lĩnh vực của ngành; tăng cường hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp để đào tạo có địa chỉ, đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động giải quyết việc làm. Tăng cường sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, HĐND, UBND huyện, thành phố, thị xã, cấp ủy, chính quyền xã tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu dạy nghề và an sinh xã hội.
 
Thứ năm, tiếp tục phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội các lĩnh vực lao động, người có công bằng nhiều hình thức, cách làm phong phú. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ nhằm vận động thu hút các đơn vi, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đóng góp nguồn lực phát triển các lĩnh vực trọng tâm như: Giải quyết việc làm; giảm nghèo; trợ giúp các đối tượng xã hội khó khăn, gia đình chính sách và người có công; bảo vệ chăm sóc trẻ em và dạy nghề theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
 
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó, Sở LĐ-TB&XH cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy làm công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giỏi về chuyên môn, có đạo đức công chức, đảm bảo số lượng; làm tốt công tác cải cách hành chính, tiếp xúc công dân, giải quyết đơn thư thuộc các lĩnh vực của ngành quản lý. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động của ngành. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về LĐ-TB&XH; đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ nhằm phát hiện kịp thời những sai sót để xử lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đối tượng được thụ hưởng.
 
Tôi mong rằng, ngành LĐ-TB&XH tỉnh nhà sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn, vững chắc hơn và đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
 
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
 
Thanh Thủy
(Thực hiện)