(Baonghean) - Còn hơn một tuần lễ nữa mới đến ngày Rằm tháng Bảy, nhưng ở khắp mọi nẻo đường dẫn đến các ngôi chùa trong thành phố, người ta đã bày bán đủ thứ lễ lạt. Tôi ghé vào góc hàng nhỏ của một bà cụ ngồi đối diện với cổng chùa Cần Linh. Góc hàng của cụ là một chiếc xe đẩy, bày lên đó đầy đủ các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả,… Cụ già rồi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, tinh anh lắm, nhìn cách cụ cẩn thận gói ghém hương hoa rồi sắp xếp từng lễ vật sao cho đẹp, cho khéo, bất cứ ai mua hàng cũng đều cảm thấy an tâm.
Nhân lúc vãn khách, tôi xin phép cụ ngồi cạnh chuyện trò. Cụ nhoẻn miệng cười, nếp da nhăn in hằn bao nỗi vất vả. Cụ là Trần Thị Mùi, tuổi cũng gần độ 80 xuân. Quê gốc của cụ ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu. Chồng cụ được lệnh điều chuyển công tác, cụ theo chồng từ Diễn Châu vào Vinh và bán lễ đi chùa từ thời ấy cho đến bây giờ. Cụ bảo ngày xưa, chùa Cần Linh chưa được xây cao đẹp đẽ như bây giờ, nhưng khách thập phương đến đây đông lắm. Chùa nổi tiếng linh thiêng nên người dân xa gần cứ ngày Rằm, mùng Một là kéo nhau đến chùa cầu bình an. Chứng kiến sự đổi thay theo thời gian, cụ nhìn tôi cười: “Nhanh thật đấy, mới đó mà đã gần 20 năm cụ gắn với cái nghề này. Xã hội có phát triển hơn nhiều nhưng dân mình vẫn giữ được cái thuần phong mỹ tục, giữ được văn hóa lên chùa…”.
Cũng bằng ấy thời gian, nhịp sinh hoạt của cụ vẫn đều đặn: cụ dậy từ 3 giờ rưỡi sáng, đẩy xe hàng ra cổng chùa, trưa về nhà cơm nước cho cụ ông rồi chiều 2 giờ, cụ lại đẩy xe hàng ra. Chẳng kể ngày nắng gắt hay mưa dầm, bóng dáng cụ với chiếc xe đẩy hàng đã trở nên quen thuộc với người dân sống gần chùa. Cụ bảo chắc nhờ trời Phật phù hộ độ trì nên sức khỏe cụ mới được thế này, cũng chẳng mấy khi đau ốm; hôm nào ở quê có giỗ chạp thì cụ mới nghỉ bán hàng chứ bình thường thì hôm nào cụ cũng ngồi bán ở đây. Giá các mặt hàng cụ bán giá cũng rất “mềm”, thậm chí còn rẻ hơn nhiều nơi khác. Tôi hỏi: Cụ bán thế này thì lời lãi thế nào? Cụ lại nhoẻn miệng nhai trầu cười nói: “Hôm nào bán chạy hàng thì được một yến gạo, còn bình thường thì đủ tiền ăn trầu cháu ạ. Mình bán hàng cốt là ở cái tâm, bán lễ đi chùa cái tâm quan trọng lắm”. Tôi hỏi cụ để mua lễ, cụ soạn từng món hàng một rồi dặn tôi lễ này đặt ở chỗ nào, lễ kia đặt ở đâu; ban thờ nào thì dâng hoa cúc vàng, ban thờ nào dâng hoa sen trắng. Cụ hướng dẫn tỉ mỉ rồi gói gắm mọi thứ cho tôi một cách cẩn thận.
Tôi vội đỡ đồ lễ và chào cụ để lên chùa. Bóng cụ khuất từ xa, vậy mà khi nhìn lại, tôi vẫn nhìn rõ nụ cười tươi với hàm răng đen đang nhai trầu của cụ. Bỗng tôi có cảm giác gần gũi và thân thương đến lạ… Nội tôi cũng tầm tuổi cụ, cũng bán lễ vật như cụ nhưng chỉ khác là nội tôi không bán ở cổng chùa mà bán ở chợ. Hồi tôi còn bé, cứ ngày nghỉ là tôi ra phụ nội bán hàng. Công việc của tôi là thu tiền và trả lại tiền thừa giúp nội, còn việc soạn lễ cho khách, một tay nội tôi lo liệu. Nội thường nói nếu soạn đồ lễ mà thiếu hoặc có sai sót gì thì phải tội nên phải làm chu toàn và thành tâm. Những ngày Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng hay Rằm tháng Bảy, lượng khách mua hàng rất đông, hai bà cháu làm luôn tay mới kịp hàng cho khách. Nhìn tôi mồ hôi đầm đìa, nội lấy khăn mùi soa lau cho tôi rồi khen: “Chả bố cô, cũng ra dáng người lớn lắm rồi đấy”… Bây giờ nội tôi yếu hơn, vài bữa nội mới ra chợ một lần nhưng cũng chỉ để mua miếng trầu miếng cau. Với tôi, những ngày cùng nội bán lễ là khoảng ký ức tuổi thơ thật đẹp. Có lẽ cũng bắt nguồn từ ký ức ấy nên với cụ Mùi, dù chỉ mới hỏi han cụ qua dăm ba câu chuyện trò nhưng tôi vẫn cảm nhận được điều gì đó rất đỗi gần gũi và bình dị.
Bóng chiều đã ngả dần sau rặng tre, hồ sen bên cạnh chùa cũng phủ màu vàng vọt. Người đến chùa mỗi lúc một đông hơn, khói hương nghi ngút quyện trong làn gió thoảng mùi sen tháng Bảy. Trong sự xô bồ, ồn ào của phố thị, góc bình yên, tĩnh tại trong ngôi chùa cổ kính trở nên đáng trân trọng biết nhường nào.
Ngay tại góc hàng của cụ Mùi cũng vậy, người mua, kẻ bán cứ nhẹ nhàng đến lạ, khiến cho người ta cảm thấy như cuộc sống đang trôi chậm lại. Không gian tuy nhỏ bé nhưng hình như có sức mạnh rất lớn trong việc gìn giữ nếp sống người Việt từ ngàn xưa trao truyền lại. Và người giữ gìn nét văn hóa ấy dường như có cả những cụ già bán lễ ở bên ngoài cổng chùa kia…
Phương Thảo