bna_19602731_3152020.jpgVới trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Ảnh: Đức Anh

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Phương Lan - một chuyên gia tâm lý trị liệu và đào tạo huấn luyện con người và đã tham gia giảng dạy về tâm lý ở các nhà trường.

Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có thể thích nghi được với mọi môi trường sống

PV:Gần đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nhưng mỗi ngày trôi qua chúng ta lại vẫn phải nghe nhiều chuyện buồn liên quan đến trẻ em và có không ít sự việc đau lòng, thương tâm như câu chuyện về một cô bé bị đuối nước ở thành phố Vinh. Bản thân bà, khi nghe về những câu chuyện này, bà có suy nghĩ gì?

Bà Nguyễn Phương Lan: Chúng ta vẫn thường nói “dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất” nhưng trên thực tế không phải lúc nào, không phải ở đâu trẻ em cũng được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ.

Và để xây dựng được môi trường an toàn cho trẻ thì phải có sự phối hợp giữa các đơn vị, cấp ngành, từ gia đình đến nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội để cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột...

Tôi lấy ví dụ ở gia đình, người lớn chỉ nghĩ rằng trẻ con chỉ cần được che chắn, đảm bảo an toàn là được. Vậy nhưng, chỉ cần bị mắng thì ngay ở trong nhà các em nhỏ cũng đã thấy mình không được an toàn. Hay, nhiều gia đình, bố mẹ sinh con ra nhưng lại không có những kiến thức để chăm sóc trẻ em và quan tâm nuôi dưỡng trẻ em một cách đúng đắn. Việc thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết đã góp phần dẫn đến những sự việc đáng tiếc với trẻ nhỏ.

Bà Nguyễn Phương Lan tại một buổi dạy kỹ năng cho học sinh. Ảnh: NVCC

PV:Nhân nói đến an toàn cho trẻ em, mới đây trong những ngày nắng nóng trên diễn đàn mạng đang có 2 tranh luận. Một ý kiến thì cho rằng nếu con học cả ngày ở trường thì sẽ nắng nóng, vất vả. Nhưng có quan điểm lại cho rằng, phải để cho con trải nghiệm. Theo bà vì sao có hai luồng ý kiến này và bà đồng tình với ý kiến nào?

Bà Nguyễn Phương Lan: Cả hai quan điểm này, theo tôi có đúng, có sai bởi mỗi người có một quan điểm của riêng mình và trong cuộc sống việc có nhiều quan điểm khác nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, với riêng cá nhân tôi thì cho rằng các bạn trẻ nên được trải nghiệm. Có thể, một cái cây nuôi trong lồng kính cũng đẹp nhưng sức sống và sức chịu đựng của nó sẽ không tốt. Còn một cái cây được nuôi ngoài nắng, ngoài mưa sẽ chắc chắn hơn. Hiện, thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt và phải luyện cho con để quen và thích ứng với mọi điều kiện sống.

PV:Như phân tích của bà, liệu có sự khác nhau giữa trẻ con thành thị và trẻ con nông thôn. Và liệu môi trường sống khác nhau có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Về tinh thần, trẻ con lớn lên ở những vùng nông thôn các em được tự do nhiều hơn. Điều ấy cũng khiến cho việc phát triển và sáng tạo của các em ở những vùng này tốt hơn nhiều. Ảnh: Đức Anh

Bà Nguyễn Phương Lan: Rõ ràng, so với những vùng thuận lợi những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, trong những gia đình khó khăn thì các em không được quan tâm thường xuyên. Bởi lẽ, bố mẹ các em còn phải lo mưu sinh, phải đi kiếm miếng cơm manh áo. Sự thiếu quan tâm, đôi khi cũng dẫn đến những sự việc không đáng có. Tuy nhiên về tinh thần, trẻ con lớn lên ở những vùng nông thôn các em được tự do nhiều hơn. Điều ấy cũng khiến cho việc phát triển và sáng tạo của các em ở những vùng này tốt hơn nhiều.

Ngược lại với trẻ em thành phố do được bố mẹ quan tâm nên việc bảo đảm an toàn về thân thể rất tốt. Thậm chí các em cũng được quan tâm về tinh thần. Tuy vậy, do được chăm sóc quá kỹ nên tự do về tinh thần cho các bạn trẻ không có. Vì thế, có không ít bạn trẻ rất giỏi, sinh ra trong gia đình có nền tảng tốt nhưng cuối cùng lại hạn chế sáng tạo và khả năng tư duy của đứa trẻ.

Làm bố, mẹ cũng cần nghệ thuật       

PV:Để một đứa trẻ phát triển bình thường thì phương pháp dạy con rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bố mẹ vẫn cho rằng, làm bố, làm mẹ là một bản năng và “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Điều này, dường như khác rất nhiều với triết lý của bà khi bà đang đảm nhận một câu lạc bộ nghệ thuật làm cha mẹ?

Bà Nguyễn Phương Lan:Thực tế hiện nay có nhiều bố mẹ rất quan tâm và tạo điều kiện tốt cho con. Tuy nhiên, có thể phương pháp của họ chưa đúng và họ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho con nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng. Qua những khóa nuôi dạy con, tôi vẫn nói với rất nhiều phụ huynh rằng, chúng ta không cần quá vất vả. Nếu mình nuôi dạy con đúng phương pháp thì việc nuôi dạy con rất nhẹ nhàng và cả bố và mẹ đều hạnh phúc. Hơn thế, trước khi làm bố, làm mẹ chúng tôi vẫn khuyên mọi người phải tìm hiểu về con mình, về cơ cấu hoạt động của cơ thể. Bởi lẽ, con người cũng như bộ máy có cơ chế hoạt động và hướng dẫn sử dụng riêng. Và nếu chúng ta nắm bắt rõ về sở thích, tính cách, thói quen của trẻ thì chúng ta sẽ vận hành thuận lợi.

Qua nhiều năm làm trong lĩnh vực này, nhiều phụ huynh đã tìm đến tôi và tôi thấy vướng mắc lớn nhất là do phụ huynh chưa học nuôi dạy con. Hoặc nhiều phụ huynh vẫn áp dụng một phương pháp đơn giản, đó là ông bà mình dạy mình cái gì thì mình mang vào để dạy con. Tất nhiên điều này cũng có những cái đúng vì ông bà là những người có kinh nghiệm. Tuy vậy, bên cạnh đó lại có nhiều điều khác biệt vì hai hoàn cảnh cách nhau đã xa và đặt trong điều kiện hiện nay sẽ không còn phù hợp. Lẽ dĩ nhiên, những cái không đúng thì trẻ con sẽ phản ứng lại. Đơn giản như cách dùng mạng Internet và điện thoại, ti vi. Chúng ta không cổ vũ việc dùng điện thoại quá nhiều nhưng hiện nay công nghệ phát triển và nếu sử dụng đúng thì những đứa trẻ vẫn học được trên mạng khá nhiều. Mặc dù vậy, nhiều bố mẹ cứ thấy con cần điện thoại lại nghĩ vô bổ, chơi game và đều thể hiện thái độ phản ứng. Nhưng càng phản ứng thì các bạn trẻ lại càng xung đột.

Ảnh: Đức Anh

Nên chăng, để tránh tình trạng này chúng ta nên đặt chính bản thân mình vào vai trò của con. Khi con sử dụng điện thoại, Internet, chúng ta phải tìm hiểu con dùng để làm gì, dùng như thế nào. Và muốn hiệu quả thì phụ huynh cũng phải là tấm gương bởi bố mẹ không thể tay cầm điện thoại nhưng lại cấm con sử dụng. Chúng ta hãy dành thời gian để chơi với con.

PV:Tôi được biết bà có 2 người con gái và từ nhỏ gia đình bà đã có cách nuôi dạy các cháu khá khác biệt. Bà có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm của gia đình mình?

Bà Nguyễn Phương Lan:So với nhiều gia đình khác thì quả thực cách ứng xử trong gia đình chúng tôi có những khác biệt. Trong gia đình tôi, không có sự phân biệt trẻ con hay người lớn và 4 thành viên trong gia đình đều có quyền như nhau, có quyền phát biểu và bày tỏ chính kiến. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức “cuộc họp” để lấy ý kiến và tất cả chúng tôi sẽ đồng tình nếu ý kiến ấy là hợp lý. Tôi còn nhớ khi con tôi đang học lớp 1 và tôi cũng như những người mẹ khác cố gắng xin cho con vào “lớp điểm” của trường. Thế nhưng, buổi sáng khi tôi chuyển con sang lớp “theo mẹ là tốt hơn” thì buổi chiều cháu về và cháu nói rằng “con đã chuyển lại lớp cũ và mẹ không nên chuyển lớp cho con”... Tôi biết rằng, nếu tình huống này xảy ra nhiều bà mẹ vẫn sẽ khăng khăng cho con sang lớp mình đã định từ trước vì việc xin lớp cũng không dễ dàng gì. Nhưng tôi lại quan tâm đến cảm xúc của con và tối chắc chắn con không vui khi ở lớp mới và tôi đồng tình với quyết định của con.

Nói như vậy, không có nghĩa bất cứ vấn đề nào mình cũng có thể cho các bé quyết định. Vì thế, với mỗi gia đình cần có một quy tắc tương tự như quy tắc ở các đơn vị và gia đình nào cũng cần có kỷ luật. Trong quá trình thực hiện, bố mẹ phải là người đầu tiên thực hiện nghiêm túc các quy định.

PV:Vì nhiều lý do khác nhau, thường lâu nay nhiều bố mẹ vẫn áp đặt con theo mong muốn của mình, đặc biệt là trong việc học tập, chọn trường, chọn lớp, chọn nghề nghiệp. Điều này, liệu có dẫn đến một lớp trẻ sống thụ động?

Bà Nguyễn Phương Lan:Theo tôi cũng không hẳn, nếu có sự định hướng của bố mẹ sẽ rất tốt bởi những trải nghiệm mà bố mẹ đã trải qua là bài học quý báu cần được học hỏi và tham khảo. Tuy nhiên, khi định hướng cho con, bố mẹ cần xem xét có phù hợp với năng lực của con hay không và con mình có thích hay không. Nếu đó không phải là lựa chọn của các con thì không nên ép buộc.

Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng định hướng tốt cho con không khó bởi bố mẹ là người đã sống với con từ nhỏ đến lớn và vô tình trong ý thức cũng phần nào ảnh hưởng đến cách sống, cách suy nghĩ của con trẻ. Điều quan trọng, trước khi thực hiện, bố mẹ cần tìm hiểu về sở trường của con và phải truyền được động lực, tình yêu của con đối với công việc mà mình định hướng. Ngay trong việc học, mình cũng không nên ép buộc mà cần khuyến khích trẻ. Phải làm sao để các con thấy được, học để làm gì và từ đó tìm được niềm đam mê trong việc học và xem việc học là một sự yêu thích.

PV:Vậy, qua nhiều năm làm về công tác giáo dục trẻ em, điều bà trăn trở nhất là gì và làm thế nào để trẻ có thể phát triển toàn diện?
Cô giáo Nguyễn Phương Lan cùng các học trò. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Phương Lan: Thực ra trẻ con ngày nay rất phát triển về trí tuệ. Điều còn lại chúng ta cần băn khoăn đó là cách giáo dục của người lớn. Dường như hiện nay chúng ta đang bọc trẻ lại với nỗi sợ hãi bằng những câu nhắc nhở rằng “con không làm được đâu”, “không nên làm”. Điều đó vô hình trung đóng lại tất cả khả năng của con và kìm hãm sự phát triển của trẻ.

Nếu đã làm cha, mẹ, mong muốn lớn nhất của đó là phụ huynh hãy dành thời gian với con nhiều hơn, hiểu con một cách đúng đắn. Ngoài ra, không nên bởi phương pháp sai của mình thui chột tài năng của đứa trẻ, vô tình làm cho đứa trẻ rơi vào sợ hãi, thiếu tự tin và không dám phát biểu chính kiến của mình.

 Cả nhà trường và xã hội cũng đừng nên nhìn trẻ em như đứa trẻ con. Thay vào đó hãy nhìn các em như một thành viên trong xã hội và đối xử một cách tôn trọng, chia sẻ. Chúng ta cũng cần ứng xử theo hướng tích cực, truyền động lực để các em có niềm tin và phát triển một cách tốt nhất.

PV:Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!