Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện UBKT Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.

bna_img_09242068119_29112021.jpgToàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

CƠ CẤU KINH TẾ CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng, tác động do dịch Covid-19, song công tác phòng, chống dịch Covid -19 được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh có 22/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,25%.

Xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh bị ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19, dự ước cả năm 2021 đạt khoảng 1,61 tỷ USD, tăng 43,4% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu hàng hóa 1,4 tỷ USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ. 

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày Tờ trình báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Thành Duy

Tính đến ngày 25/11, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 106 dự án, điều chỉnh 118 lượt dự án, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 41,33% về số lượng dự án và gấp 2,92 lần số vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. 

Toàn tỉnh có 1.740 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,35% so với cùng kỳ, có 721 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 162 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả. Thu ngân sách vượt dự toán đề ra, ước thực hiện 17.678 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 16.075 tỷ đồng.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến về công tác cải cách hành chính. Ảnh: Thành Duy

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ.

Dự kiến trong năm 2021, toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 72,99%; có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 6/28 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP/người, tổng nguồn vốn toàn xã hội, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn nước ngoài còn chậm; cung - cầu hàng hóa bị gián đoạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. 

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Năm 2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét 28 nhóm chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 8,5 - 9,5%; thu ngân sách 14.997 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 1,85 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người khoảng 50 - 51 triệu đồng;…

Để thực hiện các nhóm chỉ tiêu trên, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình 11 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó, tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát  tốt dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tỉnh tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quôc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, đồng thời trao đổi, đề xuất thêm một số giải pháp cho năm 2021 như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là khâu thực hiện các thủ tục ở các cấp; cùng với thu hút các dự án đầu tư lớn cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích để phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa, các hợp tác xã, mô hình tổ hợp sản xuất; chia sẻ thông tin dữ liệu dùng chung để xây dựng đô thị thông minh tại TP. Vinh; thực hiện các bước chuẩn bị để xây dựng Đề án mở rộng TP. Vinh;…

THỐNG NHẤT 28 CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2022 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song dưới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid -19 và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Phân tích bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2021, mặc dù không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, song theo Chủ tịch UBND tỉnh trong cơ cấu các khu vực của nền kinh tế có nhiều điểm sáng. Đó là, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,21%, cao hơn so với kế hoạch đã tạo ổn định trong đời sống Nhân dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 14,05%, riêng công nghiệp ước tăng 19,95% cũng vượt so với kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD, song dự kiến năm nay sẽ đạt hơn 1,8 tỷ  USD, sẽ vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ. Công tác thu hút đầu tư cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Về mục tiêu tăng trưởng của năm 2022 phấn đấu đạt 8,5 - 9,5%, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quyết tâm đặt ra mục tiêu này, là tiệm cận so với mục tiêu cả nhiệm kỳ là 9,5 - 10% để thực hiện.

Đề cập đến các giải pháp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tiếp tục tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các dự án kết cấu lớn; kiên trì, bám sát để giải quyết triệt để các nút thắt về hạ tầng, đặc biệt là sân bay và cảng biển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, ưu tiên bố trí có trọng tâm, trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan cần rà soát để trả lời ngay các vướng mắc được doanh nghiệp đề xuất.

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết, đã chỉ đạo các ngành chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện; đồng thời đang chuẩn bị để đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị gắn với nghiên cứu, đề xuất thêm các cơ chế, chính sách đặc thù khác cho tỉnh. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, công tác cải cách hành chính. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao những nỗ lực thực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2021, cũng như thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 mà Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình. 

Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu luôn luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid -19, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện biến thể mới; thực hiện tốt “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ngay từ đầu năm 2022 chủ động phối hợp với các bộ, ngành để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách đặc thù cho tỉnh; đây là việc rất quan trọng. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Mặt khác, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó, năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần xác định chủ đề cải cách hành chính là chuyển đổi số.

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu phải quyết liệt, chỉ đạo ngay từ đầu năm; đồng thời phát huy vai trò của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong theo dõi, đôn đốc thực hiện gắn với ngành, lĩnh vực phụ trách.

Cùng với đó, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ, chính sách đặc thù về phát triển tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực, khả năng quản lý, chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị. 

Cũng tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách năm 2022; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2022.