(Baonghean) - “Những tưởng suốt đời theo mẹ gắn bó với ruộng đồng quê lúa, nhưng những câu hò, điệu ví, những bài hát mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ đã đưa tôi đến với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Ví giặm lên ngôi, tôi lại rưng rưng nghĩ về ơn sâu nghĩa nặng cùng những câu hò, điệu ví mình đã nghe, đã hát lúc còn ở làng” - NSƯT Ngọc Hà (Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An) chia sẻ.
 
images1111256_anh_quet_25_12.jpgNSƯT Ngọc Hà biễu diễn tại Liên hoan tiếng hát dân ca khu vực Bắc miền Trung.
 
Từ đồng ruộng đến sân khấu
 
Cha đi bộ đội từ khi chị mới lên 2 tuổi, Phan Thị Ngọc Hà suốt ngày theo mẹ quẩn quanh với vườn ruộng quê nhà - xã Hoa Thành (Yên Thành). Hòa bình lập lại, người cha rời cây súng trở về khi Ngọc Hà 9 tuổi. Những hôm cha mẹ đi làm, Ngọc Hà ở nhà ru em, giọng hát cất lên trong veo và ấm áp… Chỉ là những khúc, những đoạn mà Ngọc Hà học được từ mẹ như “ví giận thương”, “hò đi đường”, những đoạn giặm kể, giặm nối, xẩm “Phụ tử tình thâm”... của chị khiến nhiều người mê mải... 
 
Là con cả trong một gia đình làm nông, chị là “quai cọc” được bố mẹ mong chờ trông cậy, chỉ mong chị trưởng thành để giao lại mấy sào ruộng khoán. Chị cũng đã từng có ý định dừng con đường học tập, yên phận lấy chồng, làm ruộng, nhưng giọng hát “trời phú” của chị lại không cho chị dừng bước. Ông Nguyễn Bá Tân – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành – là một người say mê nghệ thuật quần chúng, cho rằng không thể thiếu giọng hát của Ngọc Hà trong các buổi biểu diễn văn nghệ. Ngọc Hà trở thành cộng tác viên đặc biệt của Trung tâm Văn hóa huyện. Vừa đi học, vừa làm ruộng, vừa tham gia đội văn nghệ của huyện, thời nữ sinh tiếng hát của Ngọc Hà đến với các đêm diễn nhiều làng xã ở Yên Thành.
 
Từ những lúc sân khấu còn là sân kho hợp tác, biểu diễn dưới đèn “tỏa đăng”, đèn “măng-xông”, những khúc hát dân ca, những bài hát mang âm hưởng ví, giặm xứ Nghệ như “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (Trần Hoàn), “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận), “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên), “Màu nắng quê hương” (Bá Tân)... đã phần nào xua đi những bận rộn, mệt nhọc thường ngày của người nông dân huyện lúa một nắng, hai sương, vun đắp thêm tình yêu xứ sở và lòng say mê lời ca điệu ví, giặm quê hương. Về xã nào cũng được hồ hởi chào đón, những bữa cơm mộc mạc thân tình như thôi thúc chị phục vụ và cống hiến.  
 
Năm 1984, tại Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành, Ngọc Hà và đội văn nghệ huyện có các tiết mục chào mừng. Ngay sau khi nghe Ngọc Hà trình bày bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví, giặm”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Nguyễn Kỳ Cẩm lúc đó về dự chỉ đạo đại hội đã lấy làm ngạc nhiên về giọng hát vô cùng chuyên nghiệp của cô bé 18 tuổi, cho rằng đó là nhân tài, cần có kế hoạch bồi dưỡng và thu hút. Sau đó một thời gian, Ngọc Hà trở thành nhân viên chính thức của Trung tâm Văn hóa huyện.
 
Năm 1985, Nhạc viện Hà Nội về tuyển ca sỹ, tranh thủ lúc đi làm sớm, Ngọc Hà sang “xem cho biết”, và ghi tên đăng ký để “hát cho biết”. Hai tháng sau, có việc lên UBND huyện thì cô văn thư UBND huyện hỏi Ngọc Hà “Em đi học Hà Nội về à?”. Thì ra là đã có giấy báo trúng tuyển Nhạc viện gửi về cho Ngọc Hà, nhưng vì sợ “khó giữ được con bé” mà Trung tâm Văn hóa huyện đã giấu giấy báo của chị. Lúc đó chị chỉ biết khóc. Kể cả khi Ngọc Hà được cử đi học ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (năm 1987), sổ gạo, sổ lương và hộ khẩu của chị cũng không dễ dàng được chuyển vào trường để hưởng các chế độ. 
 
Kể lại chuyện cũ, Ngọc Hà rưng rưng, chị biết đó cũng là tình yêu và sự quý mến mà những người làm văn hóa, văn nghệ quê nhà dành cho chị. Sau thời gian học tập ở Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, năm 1989 chị được trường giữ lại làm giảng viên Khoa Thanh nhạc. Chị chính thức trở thành người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật…
 
Thành danh từ những khúc dân ca
 
Từ quê lúa ra đi, nghệ sỹ Ngọc Hà lần lượt chinh phục những giảng viên, ban giám khảo, khán giả trong và ngoài tỉnh bởi giọng nữ cao  (sopralno), có âm vực rộng, quảng rộng... với chất giọng mang âm hưởng dân gian như là “đặc sản” riêng trời phú. Vì thế, khi còn là giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An), cho đến khi được ngành Văn hóa điều động về Đoàn Ca múa Nghệ An năm 1991 (nay là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An), chị đã neo lại dấu ấn riêng trong lòng mọi người khi thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân gian, mà đặc biệt là các ca khúc được sáng tác dựa trên chất liệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
 
Những bài hát như “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Tiếng hát sông Lam” (Đinh Quang Hợp), “Em vẫn chờ anh” (Mai Cường)... gắn liền với tên tuổi của nghệ sỹ biểu diễn - Ngọc Hà. Đặc biệt là ca khúc “Tiếng hò trên đất Nghệ An” do Ngọc Hà biểu diễn song ca cùng nghệ sỹ Tiến Dũng, được nhạc sỹ Việt Thân (Đoàn Văn công Quân khu 2) phối khí và thu âm băng catset từ năm 1994, đã thành công vang dội, trở nên vô cùng gần gũi với sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, và hầu như có mặt trên các sạp bán băng đĩa toàn quốc, với người Nghệ An hầu như nhà nào có đài catset cũng đã từng truyền mở để nghe. Đến nay, nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca do Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Hà biểu diễn vẫn phổ biến trên các trang mạng nghe nhạc. 
 
Dấu ấn thành công trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục đến với Ngọc Hà trong thời gian ngắn. Năm 1995, tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tổ chức ở Hải Phòng, Ngọc Hà đã đạt Huy chương Vàng với phần trình bày ca khúc “Tình quê Nam Đàn” (Mai Cường), “Bản làng mừng đón dâu mới” (Vũ Hùng). Năm 1996, tại Liên hoan nghệ thuật các Nhà Văn hóa Lao động toàn quốc tổ chức tại Huế, chị được Huy chương Vàng với tiết mục Epinet Hồ Chí Minh (Hoàng Thành). Năm 1997, chị đạt giải Ba Giọng hát hay trên sóng phát thanh do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
 
Năm 1999, tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng, chị đạt Huy chương Vàng trong phần hát sô lô tiết mục Hương sắc sông Lam (Tiến Dũng) và Huy chương Bạc với phần trình bày ca khúc Ca dao em và tôi (An Thuyên). Vào các năm 2002, 2005, thành công tiếp tục đến với chị khi trình bày các tác phẩm: Khúc tưởng niệm người mẹ Làng Sen (Hoàng Thành), Giục khách anh hùng (Trọng Đài)... Năm 2007, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, đó là phần thưởng xứng đáng cho một chặng đường lao động say mê và những cống hiến của Phan Thị Ngọc Hà cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. 
 
Những ngày này, khi Dân ca ví, giặm lên ngôi, NSƯT Ngọc Hà và những đồng nghiệp của chị ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An trở nên bận bịu hơn bởi những sô diễn ngày càng nhiều hơn. NSƯT Ngọc Hà tâm sự, dân ca là đặc sản, là vốn quý, bất cứ ai yêu dân ca đều có thể góp công sức nhỏ bé vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm. Tuy không phải là người nghiên cứu, sưu tầm dân ca, nhưng là người biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc, Ngọc Hà cho biết chị sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động biểu diễn và giảng dạy về dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Coi như đó là cách để trả ơn sâu nghĩa nặng dân ca ví, giặm đã nâng bước cho chị trên đường đời.
 
Ngô Kiên