(Baonghean.vn) - “Ký ức tuổi thơ tôi là những ngày mưa quanh quẩn trong góc bếp ấm nồng xem mẹ gói bánh. Vị thơm dẻo của gạo chiêm, vị nồng cay của tiêu, hành, vị dịu nhẹ của lá dong, lá chuối đã làm nên món bánh đặc sản làng Kẻ Cuồi không nơi nào có được. Chiếc bánh nhỏ bé ấy đã dìu anh chị em tôi qua bao tháng ngày đói rét, và “cõng” cả những hoài bão, ước mơ bay xa”…

Vệt ký ức đầy cảm xúc của ông Hồ Sỹ Khai đã mở ra những bồi hồi và thôi thúc chúng tôi tìm về ngôi làng Kẻ Cuồi thanh bình ấy. Ông Hồ Sỹ Khai năm nay 53 tuổi, hiện đương chức Chủ tịch Hội CCB xã Thọ Thành (Yên Thành). Ông kể về ngôi làng của mình với niềm yêu thương cố thổ vô bờ, với thứ cảm xúc rưng rưng lắng đọng không thể che giấu nơi khóe mắt đã chớm hằn những nếp nhăn tuổi tác. Làng nay gọi là làng Tam Thọ, nhưng với ông và nhiều người dân làng, thì vẫn cứ là làng Kẻ Cuồi dấu yêu năm nao đấy thôi! Định danh mộc mạc ấy chẳng biết có tự bao giờ, dân làng bảo, từ thuở cây khoai cuồi- một loại cây dại thân như dọc mùng, lá to xanh ngả vàng, cho củ rất ngứa nhưng là thức cứu đói của người làng bao đời có mặt trên đất này.
 
Chốn quê kiểng còn thân thương với ký ức bàu Cuồi quàng xanh một dải trước cổng vào làng, nghe đâu chảy mãi từ Ngàn Cẩn xuống. Nay thì bàu đã được “nắn” thành cống nông giang ăm ắp nuôi cánh đồng trù phú dọc đôi bên. Mà cánh đồng Kẻ Cuồi cũng là điều đáng kể, mênh mang vụ chiêm vụ mùa, trĩu vàng hạt lúa mây mẩy óng, bền bỉ nuôi mấy trăm hộ dân làng qua bao đận khó. “Gạo chiêm làng Kẻ Cuồi còn làm nên món bánh đặc sản nữa chứ!”- ông Hồ Sỹ Khai vồn vã níu chuyện, như thể ngầm ý bảo khách rằng, đã về làng Kẻ Cuồi mà chưa thưởng món bánh này thì hẳn còn “xa” làng lắm!
 
images1115371_bia_d_n_t_ch_c_a_qu_n_th__dt_lsvhqg___n_th__tr_ng_nguy_n_h__t_ng_th_c.jpgBia dẫn tích của quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc.
 
Thế rồi ông phăm phăm dẫn đường cho khách vào tận “lò” bánh ở cuối làng. Đường nông thôn mới trải dài, sáng nhánh lên trong tiết trời se lạnh đã nhem nhẻm tối. Quyện những nghiêng nghiêng mái ngói, hòa tan trong nỗi dịu dàng thanh bình và trầm mặc toát lên từ nếp làng cổ ngót ngàn năm tuổi, chúng tôi bước chân đây mà tưởng như thấm thía bao tâm thức buồn vui kiếp nào gói trọn trong phong vị dân dã quê hương. Làng Kẻ Cuồi kể ra cũng là hiếm quý bậc nhất trên bản đồ những ngôi làng Việt bởi tầm di tích hiện hữu trong không gian làng.
 
Uy nghi trấn giữ địa thế cho ngôi làng là hàng loạt những di tích lịch sử- văn hóa đã và đang chờ được xếp hạng: di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia quần thể mộ và đền thờ Thái bảo Quận công Hồ Đình Trung… Đất nghèo nhưng rạng ngời khoa bảng, riêng dòng họ Hồ đã vinh danh bảng vàng với 4 đời Trạng Nguyên: Trạng Nguyên Hồ Tông Thốc, Trạng nguyên Hồ Tông Đốn, Trạng nguyên Hồ Tông Thành. Truyền thống hiếu học ấy trở thành niềm tự hào của dân làng Kẻ Cuồi, chắp cánh cho bao thế hệ vượt qua nghèo khó thành tài, và tình yêu làng, cũng khai sinh từ niềm tự hào ấy.
 
Ông Hồ Sỹ Khai thủ thỉ: “Tôi kể ra cũng có tình yêu với làng kỳ lạ. Sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, chỉ xa làng thời gian đi bộ đội, còn thì vừa rời quân ngũ là xin chuyển ngành về địa phương luôn. Kinh qua đủ các vai trò, nhiệm vụ cán bộ cơ sở, nào là Bí thư Chi bộ, xóm trưởng, rồi Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thành, rồi giờ là Chủ tịch Hội CCB xã… “Vai” nào thì “vai”, vẫn cứ phải là ở làng này, ăn gạo làng, uống nước làng, rời đất hương hỏa ông cha ngày nào, thấy sống liêng biêng không thực.” Rồi ông miên man chuyện làng chuyện xóm, rằng ở làng nay chẳng thiếu gì, cũng chợ Kẻ Cuồi và chợ chiều sôi động đủ thức hàng đắt rẻ, cũng đường xá nông thôn mới sạch sẽ trải vào tận chân từng nhà, cũng nhà cao cửa rộng, đông ấm hè mát... Quý hóa nhất là nghĩa tình chòm xóm tối lửa tắt đèn. “Ở đâu không biết, nhưng ở làng Kẻ Cuồi, xóm giềng đùm bọc nhau trên dưới một lòng. Cái nghĩa tình ấy là thứ giữ cho làng này không bị “nghiêng” đi trong nhiều xô bồ cuộc sống, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới” - Ông Hồ Sỹ Khai chốt lời.
 
Vừa kịp lúc khói lam chiều đã tỏa nồng một góc làng. “Lò” bánh Kẻ Cuồi ríu rít tiếng trẻ thơ khắp làng tìm đến hóng từng chiếc bánh hôi hổi. Bà Hồ Thị Dân kê chiếc mẹt to lên loẻng xoẻng thau nhôm, nhanh tay nhón từng chiếc bánh thuôn dài ướt rượt màu lá đã ngả chín đặt vội lên mẹt. Khói bếp củi rừng rực nồng cay cả mắt, quyện với hương bánh thơm tho vừa chín tới. Mấy đứa trẻ háo hức chen người lên, cấu chít trêu đùa nhau rộn cả góc bếp. Bà Dân vờ đưa đũa cả huơ một vòng, trẻ con sợ mắng chạy láo nháo cả ra. Cảnh tượng ấy, vừa ấm áp thân quen, vừa cảm động như khảm vào miền thơ dại thẳm sâu, khiến chúng tôi bất giác đứng lặng đi.
 
Bà Dân đằng hắng mào chuyện, đoạn bảo, mấy khi có khách thành phố về thăm làng, thì thật tình mời nhấm nháp thử thức bánh quê xem có hợp vị không? Bà Dân năm nay gần thất tuần, người đầy đặn phúc hậu, nói chuyện sang sảng mà thực bụng kiểu của người đã có phần lãng tai, nhanh tay bóc cho chúng tôi chiếc bánh vừa dỡ ra lò. Bánh làng Kẻ Cuồi hay còn gọi là bánh ống vì được gói hình ống, cầm đằm tay bởi nén chặt thứ bột gạo chiêm đặc sánh dẻo thơm. Bánh có nhân từa tựa như nhân bánh chưng, với thịt ba chỉ ướp tiêu cay tê đầu lưỡi, với mỡ hành phi thơm nhưng nhức, chút đặm đà của gia vị ẩn trong từng li ty bột gạo.
 
Chuẩn bị lá để gói bánh.
 
Bà Hồ Thị Dân mừng rỡ khi thấy vừa lòng khách, tíu tít kể nào là chuyện làm bánh, chuyện bán bánh. “10 tuổi tôi đã thạo gói bánh ống rồi. Mà con gái làng Kẻ Cuồi này ai cũng thế cả, cứ tầm tuổi chắc tay là xay gạo, ướp nhân, cắt lá thoăn thoắt. Chẳng ai rõ món bánh này có tự bao giờ, chỉ biết là dịp lễ, tết, dịp trọng đại buồn vui nào của làng cũng không thể thiếu món bánh ống này dâng lên ban thờ tổ tiên.” – bà Hồ Thị Dân tâm sự. Và bảo, bánh ống làng Kẻ Cuồi phải làm bằng thứ gạo chiêm đồng làng mới trắng ngon, còn gạo mùa, gạo lai nơi khác cũng làm được, nhưng ra cái vị nhừa nhựa lợt lạt và màu ngả nâu. Rồi thì lá, lá dong hoặc lá chuối trong vườn, rửa lau thật sạch và khô, cứ lần lượt trong tươi ngoài héo mà lèn gói chặt tay, khéo vấn vòng dây giang sao cho luộc sùng sục tiếng rưỡi đồng hồ không bục ra là đạt. Trong làng, người phụ nữ nào cũng làu làu bí quyết làm bánh ống thơm ngon, nhưng thường chỉ làm nhà ăn, còn làm bán thì hiện chỉ có vài gia đình như nhà bà Hồ Thị Dân. Bánh nhỏ chỉ ba ngàn đồng, bánh to sáu ngàn đồng, sớm sớm bà kĩu kịt kéo thùng xe bò cỡ 200 - 300 chiếc bánh ra chợ Kẻ Cuồi bán. Túc tắc nghề bánh vậy mà đã hơn chục năm nay, góp thêm vào cho sự khang trang của gia đình, nuôi con cái phương trưởng thành người.
 
Tinh hoa của hồn đất, hồn làng phải chăng đã hòa vào chiếc bánh ống mộc mạc ấy, để rồi, từ nôi làng êm ái, những bước chân từ đồng chiêm trũng đã bước tới muôn nẻo phương xa, rốt cuộc vẫn trở về ấm áp trong tình làng nghĩa xóm. Ở làng Kẻ Cuồi có nhiều gia đình nổi tiếng vì sự hiếu học, vượt khó thành đạt. Gia đình ông Hồ Sỹ Ngoan là một trong những gia đình như thế. Khi chúng tôi tìm đến, vợ ông- bà Lê Thị Huân đang lúi cúi gói bánh để mai sớm luộc cho các con ăn bữa sáng. Bà bảo: “Ba đứa con thì mấy năm học đại học xa nhà, cứ hễ dịp nghỉ về là giục mẹ làm bánh ống để ăn cho đỡ nhớ!” Ông bà có 3 người con, 2 gái 1 trai thì cả ba đều nằm trong top đầu vào của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, và khi tốt nghiệp, cũng đều xếp loại xuất sắc.
 
Người con trai đầu- anh Hồ Sỹ Cường (1986) sau khi tốt nghiệp, có nhiều lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn ngoài Hà Nội, nhưng vẫn kiên quyết về làng, nhận “vai” cán bộ tín dụng xã, xốc vác việc đoàn thể thanh niên lắm. Nề nếp thế, nhưng ông Hồ Sỹ Ngoan bảo, gia đình ông tính về sự học thì cũng “tầm tầm” thôi, chi li phải kể đến nhiều nhà khác, hoàn cảnh khó gấp mấy mà vẫn thạc sỹ, tiến sỹ đều đều. Quan trọng hơn cả, là dẫu người làng Kẻ Cuồi có thành “ông to, bà nậy”, thì trở về làng, vẫn vèn vẹn nếp cổ dân dã và gia giáo ấy, như việc nhớ đến thức bánh ống truyền thống đặt lên ban lễ tạ tổ tiên ngày vinh quy bái tổ. Ông đùa bảo, ăn bánh mà thành tài, có lẽ chỉ có ở làng Kẻ Cuồi!
 
Hương – Chi