(Baonghean) - Chuyện rằng, mùa Xuân năm 1424, theo hiến kế của Nguyễn Chích - một tướng tài của Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn tổ chức hành quân từ căn cứ Lam Sơn (Thanh Hoá) vượt rừng vào Nghệ An đánh hạ đồn Bồ Đằng, mở màn cho chiến dịch đánh thành Nghệ An. Từ đó mở rộng cuộc tấn công ra Bắc đánh tan quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước.
 
images1113882_bo_dang_2.jpgNúi Bồ Đằng nhìn từ Châu Tiến - Quỳ Châu.
 
Đồn Bồ Đằng – nay thuộc xã Châu Hội (Quỳ Châu) là một căn cứ hiểm yếu đóng quân của giặc Minh dưới sự chỉ huy thống lĩnh của Trần Trung – một viên tướng khét tiếng thâm độc và kiêu ngạo. Đồn được đóng trên núi cao với lối bố trí liên hoàn dựa vào thế núi hiểm trở, các đồn trại có thể hỗ trợ ứng cứu cho nhau. Sườn núi có nhiều nơi cao dốc đứng, rất thuận lợi cho việc sử dụng “máy” bắn đá  là một loại  dụng cụ lăn bẩy đá hộc tiêu diệt và ngăn cản bước tiến của bất cứ đạo quân nào tấn công lên các đồn binh của giặc Minh.
 
Được nhân dân các dân tộc ở vùng Châu Nga – Châu Hội (Quỳ Châu) hết lòng ủng hộ, cung cấp chính xác những vị trí hiểm yếu mà giặc Minh đã xếp đặt bày sẵn trận đá phòng ngự, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự trực tiếp chỉ huy của Lê Lợi đã được đồng bào trong vùng ủng hộ hàng trăm con dê - một loài vật rất giỏi leo núi. Nhờ do thám kỹ lưỡng, nghĩa quân đã bí mật trước khi vào trận, buộc chặt trên sừng của các chú dê những cây nến sáp ong. Lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc quân ta thắp nến, xua đàn dê ào lên núi cùng với muôn tiếng hò reo nghi binh. Giặc Minh trên đồi thấy lửa lập lòe, ẩn hiện trong sương đêm và kèm theo dồn dập tiếng kèn, tiếng chiêng trống, ngỡ là quân ta đánh đồn, lập tức phát động các cỗ máy cần gạt bẫy lăn đá chống trả. Hàng trăm khối đá hộc được chúng ào ào xô xuống nhằm tiêu diệt và cản bước tiến của quân ta. Cứ vậy, hết đợt này đến đợt khác, đá đổ như thác, nhưng vốn là loại vật tinh khôn và nhanh nhẹn, lại giỏi leo trèo, nhảy trên các vách đá, nên các  “chiến binh dê” đội lửa theo hướng đồn trại của quân Minh mà tiến, khiến quân Minh mắc kế, hoảng sợ tung bằng hết những đống đá lớn dự trữ vào việc ngăn cản đàn dê. Tuy nhiên, chúng không thể ngăn nổi những chú dê đang hưng phấn trong vai “chiến binh” đội lửa nhảy qua từng vách đá, làm nên thế trận hỏa đăng vây 4 mặt thành Bồ Đằng.
 
Khi “nghe” tiếng đá của quân Minh rệu rạo lăn xuống, biết đó là những viên đá cuối cùng, bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn mới thực sự dùng quân chủ lực tiến lên công triệt đồn Bồ Đằng. Lúc này, vũ khí bắn đá của giặc đã mất hiệu lực, quân ta tràn lên và chỉ trong chớp nhoáng đã đánh thốc vào trung tâm đồn Bồ Đằng, chém chết tướng giặc Trần Trung, tiêu diệt toàn bộ quân Minh trú tại đây… làm nên một “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” rồi tiếp đến cuộc công phá giặc Minh tại “miền Trà Lân (Con Cuông, Nghệ An) trúc chẻ tro bay” vang vọng  mãi đến muôn sau.
 
Đến nay ở Bồ Đằng, dưới chân những vị trí hiểm trở có đồn trại giặc Minh ngày xưa, còn vô khối những đống đá hộc xếp thành dãy  mà quân Minh đã dùng vào việc phòng ngự trận chiến năm đó. Những đống đá hộc nằm câm lặng phủ đầy rêu xanh như bao bọc một chứng tích lịch sử, nơi một điểm cao hiểm yếu chiến lược đầy kiêu ngạo của quân Minh. Với sự ủng hộ hết lòng của đồng bào dân tộc vùng cao Nghệ An, cùng mưu kế tài tình của nghĩa quân và sự góp phần của những con dê hiền lành, khi được đưa vào trận với vai trò “chiến binh”  đã làm vô hiệu thứ vũ khí lợi hại trong phòng ngự của giặc Minh, làm nên một chiến thắng lẫy lừng, khởi đầu cho những chiến thắng tiếp theo trong công cuộc dấy binh kháng chiến đánh đuổi giặc Minh  của nghĩa quân Lam Sơn. 
 
 
Lê Bá Dương