(Baonghean) - Một sự kiện nổi bật của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và của Việt Nam trong năm 2014 được cả thế giới biết đến là ngày 27/11, tại Thủ đô Paris, Cộng hoà Pháp, UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là thành viên đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ hồ sơ Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tại cuộc họp của UNESCO. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh về vấn đề gìn giữ, phát huy giá trị Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
P.V:Xin chào đồng chí! Trước hết xin chúc mừng chuyến đi thành công của đồng chí trong vai trò là thành viên phái đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ hồ sơ Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tại phiên họp lần thứ 9 do Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO tổ chức ở Paris, Cộng hòa Pháp vừa qua. Chắc hẳn chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên của đồng chí?
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh:Vâng! Đó là một kỷ niệm sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Bởi tính chất của một kỳ họp lớn mà cả thế giới đón đợi, với sự tham gia của hơn 900 đại biểu, đại diện cho 129 nước thành viên và khách mời khắp năm châu. Mặc dầu đã có bộ hồ sơ chuẩn bị công phu và đoàn Việt Nam mang đến Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp trước ngày khai mạc kỳ họp để giới thiệu, minh chứng cho các bạn bè thế giới thấy được bản sắc riêng, độc đáo và tính nhân văn sâu sắc của Dân ca ví, giặm. Khi đó, đoàn Việt Nam vẫn trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi hết sức căng thẳng, bởi có tới 46 hồ sơ đưa ra xem xét thì 14 hồ sơ không được công nhận. Nhìn những nét mặt buồn bã với những giọt lệ rơi của các nước bạn có hồ sơ bị loại càng thấy không khí căng thẳng hơn.
Khi vị Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO giơ cao chiếc búa và tiếng gõ vang lên chính thức tuyên bố Dân ca ví, giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi, gồm đại diện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và đoàn công tác của nước Việt Nam đứng dậy, vỡ òa những tiếng reo, tiếng vỗ tay và những tiếng hô Việt Nam, Việt Nam... vang dội cả hội trường. Các bạn bè quốc tế đến chúc mừng với những cái bắt tay, ôm nhau thật nồng ấm. Chúng tôi xúc động, nghẹn ngào không cầm được nước mắt, bởi niềm vui mừng và tự hào. Sự kiện này cho thấy, thế giới đánh giá rất cao loại hình nghệ thuật đặc sắc Dân ca ví, giặm của Việt Nam.
Dân ca ví, giặm xứ Nghệ góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ngay sau phút được vinh danh, tôi đã nhắn tin về cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các anh chị em ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ cùng anh em Báo Nghệ An, Đài PTTH để truyền tin vui đến mọi người ở quê nhà… Dân ca ví, giặm được vinh danh là kết quả của các thế hệ người dân 2 địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh trong việc bảo tồn, gìn giữ, sáng tạo và phát huy. Cùng đó là sự hỗ trợ tích cực bảo vệ hồ sơ của Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan, các chuyên gia của Việt Nam, UNESCO, đặc biệt là của Viện VHNT Việt Nam.
P.V:Xin chia sẻ với đồng chí Phó Chủ tịch là thời khắc 23h10 phút (giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, ở Báo Nghệ An, từ lãnh đạo đến phóng viên, kỹ thuật viên cũng vỡ òa niềm vui khi nhận được tin nhắn từ Paris của đồng chí. Ngay sau đó, báo đã đưa tin sớm nhất trên ấn phẩm báo điện tử và báo in. Với niềm tự hào được cả thế giới tôn vinh như vậy, theo đồng chí, chúng ta cần hành động như thế nào để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị của Dân ca ví, giặm?
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh:Trong sự kiện này, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc rất kịp thời, trách nhiệm, nhiệt tình và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị truyền thông. Sau khi tham dự cuộc họp trở về, tôi thực sự cảm động khi các ấn phẩm của báo, đài, các trang mạng... đăng tải nhiều thông tin, bài viết sắc sảo về Dân ca ví, giặm khi được UNESCO vinh danh. Đặc biệt, sau đó 1 ngày, Báo Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ tổ chức thành công cuộc giao lưu, chào mừng đầy ý nghĩa. Tiếp đó, một số đơn vị, địa phương, trường học và các Câu lạc bộ Dân ca đã có nhiều hoạt động giao lưu, chào mừng. Tôi nghĩ tuyên truyền là một kênh quan trọng để chúng ta tiếp tục làm cho Dân ca ví, giặm đi sâu vào quần chúng nhân dân và du khách. Bởi truyền thông đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi lĩnh vực và đó được xem là một giải pháp để chúng ta tiếp tục tuyên truyền cho Dân ca ví, giặm lan tỏa.
Danh hiệu di sản mang lại niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn của chúng ta, đặc biệt là chính quyền, nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ cam kết quốc tế về bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản.
Thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, giặm đã được tỉnh, các ngành và nhân dân các địa phương thực hiện từ lâu nay. Đó là việc truyền nối những lời ca, điệu hò trong cuộc sống hàng ngày; đó là những hoạt động bền bỉ, hiệu quả của hàng chục Câu lạc bộ Dân ca ở các địa phương thu hút đông đảo người dân tham gia; bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực trong sưu tầm, cải biên và trình diễn ở khắp mọi miền của đội ngũ diễn viên, nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn nghệ nhân còn lưu giữ nhiều làn điệu Dân ca ví, giặm và còn đủ sức khỏe, tâm huyết để truyền dạy cho các thế hệ sau. Phong trào dạy hát, thi hát Dân ca ví, giặm trong các trường học ở mọi vùng miền trong thời gian vừa qua đã diễn ra khá sôi động…Những yếu tố trên sẽ là những “hạt nhân” quan trọng để chúng ta tiếp tục truyền bá sâu rộng, để Dân ca ví, giặm sống mãi với thời gian.
Ngay sau khi UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã họp với Bộ VH-TT&DL về tổ chức Lễ vinh danh, nếu không có gì thay đổi thì buổi lễ trang trọng, ý nghĩa này sẽ diễn ra vào tối 31/1/2015 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4, NTV phát sóng qua vệ tinh và một số đài PTTH trên cả nước. Đồng thời, các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ trong đời sống nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thêm vẻ đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc trong dòng chảy hội nhập văn hóa thế giới cũng được triển khai.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng bàn các giải pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng chiến lược (được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đồng ý), lập Đề án “Bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng 2020 - 2030” trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời, có những kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị của Dân ca ví, giặm như: Tăng cường truyền dạy dân ca bằng nhiều hình thức, đưa dân ca vào trường học; dạy hát dân ca trên sóng PTTH; phát huy mô hình CLB; tiếp tục xây dựng hệ thống mạng lưới câu lạc bộ đều khắp ở các địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, đến từng khối, xóm, cộng đồng dân cư để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tự nguyện tham gia bảo tồn, phát huy di sản. Cùng với việc sưu tầm, sẽ tổ chức liên hoan ví, giặm các cấp có sự kế thừa làn điệu cổ, kết hợp cải biên cho phù hợp với cuộc sống đương đại để những bài hát mang âm hưởng dân ca trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Tỉnh cũng nghiên cứu, ban hành các chính sách để hỗ trợ các nghệ nhân, vinh danh các nghệ nhân; hỗ trợ các câu lạc bộ để họ “sống” được bằng chính niềm đam mê của mình, để dân ca đích thực là do dân... ca.
Tỉnh cũng đã tính đến phương án tổ chức bảo tồn, phát huy Dân ca ví, giặm bằng hình thức kết hợp với các công ty lữ hành du lịch, bố trí tour, đưa du lịch về với di sản. Thông qua đó, gắn việc giới thiệu du khách tham quan danh thắng, di tích vừa nghe hát dân ca...Tăng cường biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật Dân ca ví, giặm trong các hoạt động chào mừng những sự kiện như chương trình Xuân quê hương - gặp mặt kiều bào; tổ chức các cuộc hội thảo “Học sinh, sinh viên với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”; “Giao lưu với các nghệ nhân, các CLB dân ca”…
P.V:Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật dân gian, xuất phát từ lao động, gắn liền với cuộc sống người dân ở các vùng, miền khác nhau và được truyền miệng qua nhiều đời. Vậy, theo đồng chí, trong chiến lược bảo tồn Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, cần có giải pháp bền vững như thế nào?
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh: Chúng ta biết rằng Dân ca ví, giặm xuất hiện trong lao động và sự tồn tại của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đồng hành cùng quá trình lao động, sáng tạo của nhân dân. Đó là không gian của làng quê, bến nước, sân đình, gắn với những làng nghề đặc trưng ở các địa phương. Chính đó là sức hút thú vị, gần gũi, vừa là không gian mở, rất tự nhiên của Dân ca ví, giặm. Nhưng loại hình này từ lâu được truyền miệng, có cải biên qua từng thời kỳ và có giai đoạn, chúng ta chưa chú trọng ghi chép lại. Đây là vấn đề cấp thiết, cần tập trung một cách bài bản trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ phối hợp chặt chẽ với các CLB và các nghệ nhân phục dựng lại các làn điệu cổ, các làn điệu đặc sắc của Dân ca ví, giặm, tích cực ghi lại để lưu truyền. Điều nay có thể sớm thực hiện, bởi trong điều kiện hiện nay có nhiều công cụ hỗ trợ như ghi âm, ghi hình.
Một vấn đề đặt ra là Dân ca ví, giặm đang đối mặt với nhiều thách thức về thay đổi không gian diễn xướng trong đời sống đương đại. Giờ đây, Dân ca ví, giặm không chỉ đóng khung trong làng quê nữa mà chúng ta còn phải mở rộng không gian sân khấu hiện đại, có thể là sân khấu đầy đủ ánh đèn, phông màn trang trí hoặc diễn ở các hội nghị, sân trường, khu phố. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải có sự kết hợp hài hòa giữa người hát xướng, chơi nhạc cụ cũng như sáng tác lời mới cho phù hợp.
Để di sản văn hóa phi vật thể hòa quyện vào văn hóa cuộc sống đương đại và hội nhập tốt với văn hóa nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải “ứng vạn biến”, đúc kết giá trị lịch sử, tạo cho dân ca mang hơi thở của thời đại. Đồng nghĩa với việc cần thiết phải có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của nhà quản lý, từng thành viên cộng đồng làng xã và các nhà khoa học cùng doanh nghiệp hoạt động du lịch. Làm được như vậy, Dân ca ví, giặm sẽ tiếp tục được phát huy, tạo thêm những giá trị mới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
P.V(Thực hiện)