Chúng tôi đến nhà Thanh khi em vừa đi học về, ngôi nhà nhỏ ở giữa làng của hai bà cháu Thanh hôm nay dường như có đông người hơn vì anh em, bà con láng giềng đến hỏi thăm sức khỏe của cụ Nguyễn Thị Hồng (80 tuổi) - bà nội em. Mấy bữa nay, cụ đau bệnh, đang được mọi người đưa đi chữa trị tại bệnh viện Đa khoa huyện.
Trong câu chuyện về hoàn cảnh éo le của nữ sinh nghèo, bà Nguyễn Thị Tám – láng giềng cạnh nhà Thanh cho biết: “Ở xóm này, gia đình hai bà cháu Thanh thuộc diện khó khăn nhất. Bà nội cao tuổi, thường xuyên đau yếu, Thanh thì côi cút, cả hai bà cháu đều sống nhờ vào sự đùm bọc của anh em, chòm xóm. Vừa rồi xóm cũng phát động quyên góp, nhà 10 - 20 nghìn đồng, tùy lòng hảo tâm, để động viên cháu bước vào năm học mới”.
Thanh là cháu nội duy nhất của cụ Hồng. Bố em, ông Nguyễn Tất Hoàng (SN 1972) trước đây cũng là một người bình thường, nhưng sau lần đi xuất khẩu lao động không thành công, đã dần đổ bệnh tâm thần. Khi Thanh sinh được 6 tháng, do bố em phát bệnh nặng, mẹ em không chịu được cảnh này, đã rời nhà ra đi, bỏ mặc con nhỏ cho bà nội. Có thể nói tuổi thơ của Thanh đã lớn lên trong những tháng ngày đau khổ, thiếu thốn tình cảm của mẹ, đặc biệt là luôn bị ám ảnh, sợ hãi về một người bố điên loạn.
Theo lời kể của bà Tám, những năm tháng bố Thanh bị bệnh, người ngoài ít ai dám đến nhà. Ông Hoàng thường xuyên đốt lửa giữa sân, nhảy múa, chửi bới, kêu gào thảm thiết… Khi bệnh quá nặng, không kiểm soát được, anh em nội ngoại đã phải xích tay, xích chân ông để nuôi cơm tại chỗ. Tháng 3/2019, ông đã qua đời sau một cơn đau nặng.
Cụ Nguyễn Thị Hồng (80 tuổi) - bà nội Thanh, nuốt nước mắt vào trong, cố gắng chắt chiu từng bó rau, từng cái trứng để nuôi đứa cháu nội. 15 năm qua, bà vừa thay cha vừa thay mẹ của đứa cháu gái tội nghiệp. Những năm gần đây, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút, ốm đau thường xuyên. Đầu tháng 9 này, không thể gắng được nữa, bà đã phải đi bệnh viện.
Thanh cho biết, khi bà còn khỏe mạnh, hai bà cháu thường cuốc đất vườn trồng rau, trỉa đậu, nuôi gà… để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Hàng ngày, sau những buổi học, Thanh còn theo cô ruột đi chợ xa để bán rau, bán trứng, nhiều đêm theo bạn bè trong làng đi bắt cua, bắt ốc ngoài ruộng bán, kiếm tiền mua sách vở. Nay bà ốm, buổi sáng đi học, buổi chiều em lại phải đi viện chăm bà, cuộc sống đã khó khăn nay lại muôn phần vất vả.
Lớn lên trong hoàn cảnh éo le, Thanh luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi. Mấy năm trở lại nay, vượt lên khó khăn, Thanh liên tục đạt học sinh tiên tiến, đặc biệt là trong kỳ thi chuyển cấp vừa qua, Thanh đã đỗ vào lớp 10 Trường THPT Đô Lương 3. Nguyện vọng của nữ sinh nghèo là mong muốn học hết lớp 12, tìm được một công việc phù hợp, để đi làm và giúp đỡ bà.
Nói về học sinh của mình, thầy Nguyễn Công Pháp – giáo viên chủ nhiệm lớp 10 T3, Trường THPT Đô Lương 3 cho biết: “Ngay trong ngày lễ khai giảng, chúng tôi đã đến nhà, thăm hỏi, động viên em Nguyễn Thị Thanh. Hoàn cảnh của Thanh là trường hợp đặc biệt nhất trong lớp. Hi vọng các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội sẽ giúp đỡ em, để Thanh tiếp tục được đến trường”.
Hoặc thông qua Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP Vinh. Điện thoại: 02383.686.585