Trong ngôi nhà khuất sau rặng tre thuộc xóm 21, xã Nghi Phong (Nghi Lộc), bà Nguyễn Thị Châu (SN 1951) lặng lẽ ngồi ủ giống lúa, chuẩn bị bắc mạ để gieo cấy kịp mùa vụ sắp tới. Chỉ còn mấy ngày nữa là bước sang tuổi 68, bước đi của bà Châu đã chậm chạp và khó khăn, tấm lưng bà đã quá sức trước nặng mưu sinh và những bất hạnh cuộc đời.

“Đời tôi, từ khi lấy chồng đến giờ, và có lẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có được mấy ngày vui vẻ, hạnh phúc. Vì lúc trẻ đằng đẵng chờ chồng đi chiến trường miền Nam hơn 8 năm. Chồng trở về bị bệnh tật hành hạ, tôi gần như một mình chăm lo 2 đứa con. Rồi con trai đột ngột qua đời, không bao lâu thì chồng mất, từ đó một mình chăm cháu” – bà Châu tâm sự.

bna_ba_chau_2anh_cong_kien524497_512019.jpgBà Nguyễn Thị Châu chuẩn bị ủ giống bắc mạ cho mùa vụ sắp tới. Ảnh: Công Khang

Chồng bà Châu là ông Nguyễn Hữu Tài, từng là người lính tham gia chiến đấu ở miền Nam, xuất ngũ năm 1977. Hơn 8 năm chồng đi biền biệt, bà Châu ở nhà chờ đợi đến mỏi mòn, có lúc tưởng chừng như vô vọng. Chồng trở về, phải mất 2 năm sau bà mới mang thai và sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Duy Kim (SN 1979). Rồi 3 năm sau, bà sinh con gái út là Nguyễn Thị Liên (SN 1982).

Khoảng 10 năm trước, anh Nguyễn Duy Kim – con trai bà Châu thường đưa hàng mây, tre đan ra nhập ở Hà Nội, có dịp gặp gỡ chị D và nên duyên. Hai người kết hôn năm 2008, hai năm sau sinh bé gái Nguyễn Khánh Th. Khi bé Th. vừa tròn 1 tuổi, anh Kim vừa đi cày ruộng về thì cơn đau tim đột ngột xảy đến khiến anh quỵ ngã và từ giã cuộc đời khi mới ở tuổi 30.

Mất người con trai, vợ chồng bà Châu đau đớn đến tột cùng, có lúc tưởng chừng như không gượng dậy nổi. Một thời gian ngắn sau, do sức yếu và không chịu nổi cú sốc mất con, ông Tài cũng về thế giới bên kia, bỏ lại 3 người phụ nữ trong gia đình (vợ, con dâu và cháu gái).

Bà Nguyễn Thị Châu đồng hành cùng cháu gái trong mọi hoạt động. Ảnh: Công Khang

Ba mẹ con, bà cháu đùm bọc, cưu mang và làm lụng để kiếm sống qua ngày. Một thời gian sau thấy con dâu còn quá trẻ, đường đời còn dài, bà Châu động viên chị D. trở về quê ngoại và nên đi bước nữa. Ban đầu, chị D. không bằng lòng vì thương con gái còn quá bé bỏng nhưng trước sự dứt khoát của mẹ chồng đành phải chiều lòng. Và cách đây vài năm, chị đã đi bước nữa nhưng chắc cuộc sống khó khăn nên không mấy khi về thăm con hay gửi tiền về hỗ trợ bà trong việc nuôi nấng cháu nhỏ.

Hai bà cháu sống trong căn nhà trống hoác, những cánh cửa lâu năm đã mục nát cũng không có tiền thay thế. Bé Th. năm nay 8 tuổi, đang học lớp 3, nhà cách trường 3 km, không có xe đạp nên hàng ngày phải cuốc bộ đi, về. Dù rất thương đứa cháu nhỏ côi cút nhưng bà Châu chưa có cách nào để sắm cho cháu chiếc xe, vì nguồn thu nhập chỉ biết nhìn vào 2 sào ruộng và mấy con gà trong chuồng.

 

Bà Nguyễn Thị Châu nuôi gà kiếm thêm thu nhập nuôi cháu nhỏ ăn học. Ảnh: Công Khang

Rồi những đêm mưa gió, bão bùng, nước tạt vào nhà ướt tứ tung, bé Khánh Th. kiếp sợ ôm chầm lấy bà. Hai bà cháu chỉ biết ôm nhau mà khóc, khi cháu đã say giấc ngủ, nước mắt buồn tủi của bà vẫn lã chã rơi. Độ vài ba năm về trước, mỗi khi đi học về bé lại hỏi: “Bà ơi! Mẹ cháu đâu?”. Bà Châu cố kìm nén nỗi xúc động để trả lời cháu mình: “Mẹ đang đi làm xa, một thời gian nữa mới về với cháu”.

Buổi chiều, trời trở gió, không khí lạnh tràn về mang theo những cơn mưa phùn và rét buốt, bà Nguyễn Thị Châu vội vã ra đồng che chắn luống mạ. Người phụ nữ bất hạnh ấy chia sẻ: “Còn sức lực tôi sẽ còn làm việc để nuôi cháu ăn học để cuộc đời nó sau này đỡ khổ. Chỉ mong trời cho sống thêm nhiều năm nữa để cháu Khánh Th. đỡ phải sống cảnh côi cút, bơ vơ và được thấy nó học hành đến nơi, đến chốn”.