Nông dân trồng tiêu giờ không còn hoảng hốt như trước đây nữa, thậm chí có lúc khách hàng nước ngoài “nắn gân” cả tháng nhưng nguồn hàng hồ tiêu trong nước không hề lay động, thậm chí còn tăng giá cao hơn.
Một trong những nguyên nhân chính, theo VPA, là nông dân, doanh nghiệp VN đã chủ động nắm thị trường giá cả. “Nông dân trồng tiêu giờ không còn hoảng hốt như trước đây nữa, thậm chí có lúc khách hàng nước ngoài “nắn gân” cả tháng nhưng nguồn hàng hồ tiêu trong nước không hề lay động, thậm chí còn tăng giá cao hơn”, ông Nam nói.
Thống kê trong 5 năm qua, giá tiêu mỗi năm lại tăng lên: năm 2009 là 39.000 đồng/kg, năm 2010 là 62.000 đồng/kg, năm 2011-2013 đạt từ 125.000-140.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc lên đến 160.000 đồng/kg. Tiêu VN đang chiếm hơn 50% thị phần giao dịch tiêu trên toàn cầu. Nhiều vùng trồng tiêu nông dân giàu lên, hình thành nên phố trong làng không thua kém gì thành thị, nông dân đã sử dụng internet để theo dõi giá cả, diễn biến thị trường.
Giá tiêu tăng cao đã thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích, đến năm 2013 cả nước ước đạt 60.000 ha, vượt 17% so với quy hoạch 50.000 ha đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT.Tuy nhiên, VPA cảnh báo diện tích tăng nhanh trên đất không phù hợp, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế sẽ dẫn đến nguy cơ sản xuất thiếu bền vững.
Mặt khác, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới khuyến cáo từ năm 2015 trở đi sản lượng tiêu thế giới có thể tăng, do đó giá cả có thể biến động theo hướng giảm. Vì vậy, VPA khuyến cáo nông dân nên hạn chế mở rộng diện tích, chuyển từ phát triển số lượng sang chất lượng, áp dụng sản xuất theo quy trình hữu cơ, không dùng hóa chất thuốc trừ sâu để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng nghiên cứu đầu tư sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng vì hầu hết hồ tiêu hiện nay đang xuất khẩu thô và 70% phải qua trung gian.
Theo Thanh Niên-PH