(Baonghean) - Những con số Bộ Tài chính đưa ra trong tháng 9/2013 thật ảm đạm: Trong cả nước có 306.290 doanh nghiệp đã nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập, chỉ 104.818 doanh nghiệp có lãi trước thuế.

Trong 9 tháng có 42.460 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục tăng lên với trên 35.000 đơn vị. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2013, có tới 201.472 doanh nghiệp kê khai lỗ, chiếm 65,8% số doanh nghiệp, với tổng số lỗ lên tới trên 50.400 tỷ đồng.

Với những con số đáng lo ngại trên, ngành Thuế chỉ  thu được 57,9% thuế Thu nhập doanh nghiệp so với dự toán, tổng thu ngân sách 9 tháng chỉ đạt  66,6% tổng dự toán. Thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm chỉ đạt 50% dự toán ngân sách. Thành phố Hồ Chí Minh thu 9 tháng đạt 110,433 tỷ đồng,  đạt 70,44% dự toán. 
 
Trong khi đó, Nghệ An 9 tháng đầu năm thu thuế đạt  86% dự toán với 3.995 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 86% dự toán pháp lệnh và tăng 23% so với cùng kỳ. Kết quả này trước hết thể hiện nỗ lực lớn của Ngành thuế, đã sát sao, quyết liệt, đẩy mạnh thanh kiểm tra doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt thu hồi được 79 tỷ đồng, đôn đốc nợ thuế, quản lý thuế hiệu quả. Tuy vậy, kết quả trên có thật bền vững? 
 
Tại sao cả nước rất khó khăn, ngành Tài chính đang đau đầu vì thu kém, thu không đủ so với kế hoạch chi, các thành phố lớn ảnh hưởng suy thoái kinh tế tác động sâu sắc, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh hơn doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp lỗ nhiều hơn doanh nghiệp lãi, trong khi đó Nghệ An vẫn đảm bảo được tiến độ thu ngân sách? Có phải doanh nghiệp Nghệ An vẫn đứng vững, phát triển, hay Nghệ An ngoại lệ?
 
Tòa nhà Dầu khí Nghệ An từng là niềm tự hào của Thành phố Vinh về cả chiều cao lẫn kiến trúc, giờ đây là điển hình về kinh doanh không hiệu quả. Khu đô thị mới ở Hưng Hòa, Vinh Tân cái thì chủ đầu tư bỏ chạy, cái thì dở dang nợ thuế hàng chục tỷ đồng, dự án Công viên phần mềm của VTC ở phường Hà Huy Tập đắp chiếu, dự án Trung tâm thương mại kèm chợ xanh ở Chợ  Thực phẩm của Công ty Thiện Tài nhiều năm qua vẫn im lìm mặc cỏ mọc um tùm; Siêu thị Metro nhiều hôm vắng bóng khách hàng, tiểu thương ở nhiều chợ bán không được hàng nhưng thuế cứ tăng đều, nhiều nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa, sang chủ. 9 tháng đầu năm Nghệ An có 387 doanh nghiệp ngừng hoạt động và đóng mã số thuế  818  đơn vị. Số DN thực sự hoạt động chỉ chiếm 62,42% số DN hoạt động… Thực tế này cho thấy bức tranh kinh tế chung của tỉnh không mấy sáng sủa, song liệu có phải ai cũng thừa nhận và  chấp nhận nó? 
 
Tổng dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 19% so với đầu năm, tăng  thêm 14.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ tăng chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thiên tai, bão lũ liên miên với bão số 8, số 10, số 11. Nhiều nhà nông, tiểu thương sạt nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không có thị trường, xuất khẩu đình trệ, giảm sút.
 
Hiện nay, bên cạnh việc nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm, nợ thuế, doanh nghiệp tỉnh ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do giá thuê đất cao, đền bù giải phóng mặt bằng cao do Chính phủ quy định tăng giá thuê đất ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.Thủ tục hành chính trong thuê đất, cấp đất còn quá phức tạp, đã làm mất cơ hội đầu tư của không ít doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vào nhưng vướng mặt bằng, mặt bằng đã giao cho đơn vị khác (ở KCN, ở TP. Vinh) không đòi lại được làm nản lòng nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng, điện, nước của các Khu công nghiệp còn nhiều bất cập, giá xăng dầu, điện tăng… tất cả đã cộng hưởng thành những “trận bão” làm tơi tả nhiều  doanh nghiệp vốn tiềm lực yếu.
 
Trên địa bàn Nghệ An tuy nhiều về số lượng doanh nghiệp, song chủ yếu là DN xây dựng và khoáng sản, trong khi 2 ngành này đang rơi vào đáy khó khăn. Đá trắng, đá hộc đến đá ngô, đá mapble, gạch block, gạch ốp lát, gạch xây, xi măng… đều khó tiêu thụ, giá thiếc tụt giảm mạnh hơn 2 năm nay… Những điều đó cho thấy sự ổn định về nguồn thu thuế trong bối cảnh hiện nay rất đáng lo ngại. Chỉ có mấy mặt hàng vẫn đảm bảo là bia, sữa, điện. Bên cạnh đó, số thu ngân sách tăng do các khoản giãn thuế theo quy định của Chính phủ đã đến hạn thu. 
 
Vì vậy chưa vội mừng với kết quả  thu ngân sách 9 tháng đầu năm mà cần hơn nữa là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mía đường  bắt đầu vào vụ ép, cho tiểu thương, doanh nghiệp thương mại vào mùa buôn bán cuối năm, giảm thanh tra, kiểm tra chồng chéo, hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp khôi phục sau bão lũ… Các ngành, các cấp cần công tâm với doanh nghiệp và kịp thời giúp họ khi còn có thể.
 
Châu Lan