(Baonghean) - Vẫn biết từ lâu, vùng 5 Nam, huyện Nam Đàn (gồm: Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim) là nơi thường phải hứng chịu thiên tai lũ lụt. Vậy nhưng, về đây trong một ngày mưa mới phần nào cảm nhận được những khó khăn, vất vả của người dân trên mảnh đất này...
Chúng tôi về Nam Kim, xã cuối cùng của vùng 5 Nam đúng một ngày sau cơn bão số 11. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh, gió lớn liên hồi, trời mưa như giăng mắc, trắng xóa núi đồi, cây cối, nhà cửa, đồng, bãi... Ở các xóm Nhà Hươu, Động Dài..., từng tốp người dân tay gậy, tay cào nhẫn nại trong mưa cào đá núi, thu dọn cành cây để thông nước tại các miệng cống dọc đường. Vậy mà nước từ núi hung hãn đẩy đất, đá tràn xuống làm nhiều nơi mất hẳn đường.
Tại trụ sở xã Nam Kim, Bí thư Đảng ủy Đặng Xuân Quang cùng Chủ tịch UBND xã Nguyễn Như Khôi đang tập trung chỉ đạo cán bộ, dân quân sẵn sàng ứng cứu cho các vùng có nguy cơ bị cô lập. "Yêu cầu tất cả các trường học đóng chặt cổng trường. Kiên quyết không để học sinh ra về trong mưa. Đề nghị các giáo viên ở lại với các cháu cho đến khi mưa ngớt" - Chủ tịch Nguyễn Như Khôi nói như ra lệnh thông qua máy điện thoại.
Xã Nam Kim có tổng diện tích tự nhiên 1969,5 ha, với 2.241 hộ, gần 10.000 khẩu, nhưng cũng như các xã vùng 5 Nam, bởi nằm kẹp giữa hai con sông Lam, sông La nên thời tiết khắc nghiệt, thường bị ngập lụt vào những mùa mưa nên đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Trước đây, người dân Nam Kim sống ở vùng đồng, hạ tầng yếu kém, sản xuất chủ yếu chỉ một vụ lúa đông xuân nên hết sức khó khăn. Sau trận lũ lớn năm 1978, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ chính quyền xã Nam Kim đã tổ chức di dân lên vùng đất đồi. Sau 4 lần di dân, chỉ còn khoảng 400 hộ ở lại vùng đồng, gần 1.800 hộ lên vùng đồi. Sự chuyển đổi này đã tạo một bước tiến mạnh mẽ trong đời sống người dân. "Đặc biệt trong những năm gần đây, khi hạ tầng giao thông của vùng 5 Nam được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng đã tạo thuận lợi cho vùng đất này phát triển mạnh mẽ kinh tế vườn đồi..." - ông Khôi nói.
Sau chanh, cam, ở vùng đồi, bây giờ Nam Kim có thêm hoa thiên lý, là loại cây đem lại kinh tế cho người dân. Với địa thế đồi núi rộng lớn, việc chăn nuôi bò sinh sản ở Nam Kim cũng rất phát triển, toàn xã có trên 3.000 bò lai sind sinh sản, mỗi năm xuất trên 2.000 con bê. Cùng với chăn nuôi, sản xuất, Nam Kim có trên 2.000 lao động làm việc ở các nơi, trong đó có trên 500 lao động làm việc ở nước ngoài đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân. Đã xuất hiện những điển hình làm kinh tế giỏi như hộ anh Trần Hoài Nam (xóm Khe Lau), Võ Văn Thân (xóm Tra Ngậy), Lê Văn Nam (xóm Eo Vồng), Trịnh Văn Dũng (xóm Động Dài)... Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng sự đầu tư của Nhà nước có tham gia đóng góp của người dân nên hạ tầng giao thông, các công trình thủy lợi và công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trường học, trạm y tế, 22 nhà văn hóa xóm được xây dựng, thực sự làm đổi thay bộ mặt của Nam Kim. Trong tương lai, bên cạnh đầu tư mở rộng chợ Đình, chợ Rọ phát triển dịch vụ, thương mại, hiện Nam Kim đang quy hoạch chuyển đổi ruộng đất để phát triển các loại cây hàng hóa chất lượng cao và mở rộng chăn nuôi bò vỗ béo... "Dù có những bước chuyển vững chắc nhưng Nam Kim vẫn chịu ảnh hưởng nặng trong mùa mưa bão. Chúng tôi mong tới đây, ở Nam Kim có những con đường vượt lũ để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Những khi mưa lớn như thế này, nhiều xóm ở Nam Kim vẫn bị chia cắt...." - ông Khôi chia sẻ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ kéo dài được vài chục phút bởi một phụ nữ quần áo lấm đất bùn đội mưa đạp xe ào vào nói với Bí thư Đặng Xuân Quang giọng hốt hoảng: Các bác ơi, đá núi tràn vào nhà em làm hư hỏng hết mọi thứ rồi... Gọi điện giao cho dân quân tổ chức ứng cứu kịp thời cho chị, Chủ tịch xã Nguyễn Như Khôi quay lại nói: “Đấy là chị Nhung, nhà tại xóm Mảnh Sau, cạnh đường vào mộ cụ Nguyễn Thiếp. Đường đang thi công dang dở nên khi mưa lớn đã xô đất đá trên núi vào nhà...”.
Chúng tôi rời Nam Kim về các xã Nam Phúc, Nam Trung. Đã gần 12 giờ trưa nhưng trời vẫn mưa xối xả. Đồng ruộng hai xã này đã ngập băng trong nước, nhiều nhà dân bị nước tràn vào. Dù vậy, không hề có cảnh người dân lo lắng, hốt hoảng. Anh Nguyễn Văn Phượng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã cho hay, vì địa hình địa thế tự nhiên như vậy nên nhân dân có khả năng tự ứng cứu rất nhanh. Hầu như nhà nào cũng có xuồng, chòi tránh lũ. Xã có phương châm 4 tại chỗ, "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ" sẵn sàng ứng cứu những khu vực nguy hiểm. Trong tăng gia sản xuất, chăn nuôi cũng vậy, với sự chỉ đạo của huyện, xã chủ động nhiều biện pháp để hướng người dân thực hiện phù hợp với điều kiện thời tiết. "Vụ đông xuân phải gặt trước lũ tiểu mãn. Vụ hè thu phải gieo cấy xong trước ngày 20/6 và gặt trước 10/8”. Dù vậy, mưa lũ cũng gây thiệt hại đáng kể cho người dân. Anh Hường - một điển hình làm kinh tế giỏi của Nam Trung cho biết, gia đình anh thiệt hại trên 300 kg cá trong mưa lũ. "Nước ngập băng hết Bàu Sen, bàu rộng gần 2 km nên dù biết sẽ có mưa lớn nhưng chúng tôi chăng lưới không xuể..." - anh Hường nói.
Nam Trung có 1620 hộ, 6200 khẩu, với diện tích tự nhiên 849,2 ha. Xã đã hoàn tất công tác chuyển đổi ruộng đất, mỗi hộ không còn quá 3 thửa (500m2/thửa) nhưng vì thường gặp lũ lụt vào mùa mưa nên nhiều người dân không mặn mà sản xuất. Nhiều hộ cho con em xuất khẩu lao động, hoặc đi làm ăn xa. Điển hình như tại xóm 7, xóm 8, là nơi có nghề truyền thống về mộc và nề, người dân lập tổ sản xuất và sang nước bạn Lào làm ăn lâu dài. Bên cạnh đó, bởi là trung tâm của 5 Nam, có chợ Rồng là điểm giao thương của cả khu vực nên rất nhiều gia đình theo đuổi nghề dịch vụ thương mại. Một số con em Nam Trung đi làm ăn xa học thêm ngành nghề phù hợp nay trở về làm ăn buôn bán tại quê nhà. Chị Hoa, con gái ông Lê Thành Vinh (nhà cạnh chợ Rồng) là một người như vậy. Cùng chồng lau lại nền nhà đẫm nước mưa, chị Hoa nói: “Em làm công nhân trong Nam ít năm. Sau khi học được nghề nấu ăn, em về quê cùng chồng mở quán bán đồ ăn uống”... Theo ông Nguyễn Văn Tính - Cán bộ địa chính xã, để tránh tình trạng thừa đất sản xuất, xã mở hướng động viên một số hộ dân nhận đất làm trang trại. Những năm trước đây, Nam Trung có 7 hộ làm trang trại nuôi cá, trồng lúa rất thành công. Sau khi chuyển đổi đất, xã vận động thêm được 7 hộ dân làm trang trại...
Rời Nam Trung, chúng tôi về xã Nam Cường - vùng thấp nhất trong các xã 5 Nam. Chủ tịch UBND xã - Thái Hồng Sơn đứng nhìn móng nhà trụ sở đang ngập trong nước, bộc bạch: Để khắc phục điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân Nam Cường lựa chọn các giống cây màu phù hợp như lạc, rau, ngô, đậu để sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và thu mua trung chuyển các loại trâu bò. Và đây được xem là các mũi nhọn chính để phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với sự năng động của người dân, xã Nam Cường rất chú trọng việc huy động nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 2012 đến nay, xã đã kêu gọi sự hỗ trợ của Quỹ ủng hộ thiên tai miền Trung với số tiền 4 tỷ đồng để xây dựng Trạm y tế xã, đồng thời làm Nhà cộng đồng tránh lũ có sức chứa 300 người; Nâng cấp trường THCS và xây dựng mới 12 phòng học từ nguồn kinh phí hỗ trợ 2,8 tỷ đồng của Bộ GD&ĐT; Xây dựng mới 2 km đường bê tông liên thôn từ nguồn tiền 2 tỷ đồng của con em trong xã đi làm ăn xa... Nhờ vậy, bộ mặt xã Nam Cường đã có những thay đổi đáng kể”.
Sau một ngày thực tế tại vùng 5 Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng ông Đinh Xuân Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn - là người có hơn 20 năm gắn bó sát sao với vùng đất 5 Nam. Ông Quế cho biết: Dù còn nhiều khó khăn nhưng các xã 5 Nam đã có những bước chuyển khá tích cực. Đến nay, xã Nam Trung đạt 13 tiêu chí; Khánh Sơn đạt 8 tiêu chí; Nam Cường đạt 10 tiêu chí; Nam Phúc đạt 7 tiêu chí; Nam Kim đạt 10 tiêu chí, trong đó, số nội dung của các tiêu chí đạt được khá cao, từ 21 - 32/trên tổng số 39 nội dung của 19 tiêu chí nông thôn mới. Vùng 5 Nam đã hình thành từng khu vực phát triển kinh tế khá rõ. Đó là vùng kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi bò sinh sản ở Khánh Sơn, Nam Kim; vùng dịch vụ thương mại và chăn nuôi, kinh doanh bò vỗ béo ở Nam Trung, Nam Cường; sản xuất nông nghiệp ở Nam Phúc, Nam Kim, Khánh Sơn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo cho vùng ngập lũ. Bởi vậy, huyện đang quyết tâm theo đuổi Dự án hạ tầng vùng ngập lũ 5 Nam với tổng kinh phí 32 triệu USD từ nguồn vốn ODA để hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đất này...
Qua Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn - Thái Văn Nông, được biết Dự án hạ tầng vùng ngập lũ 5 Nam sẽ được triển khai vào năm 2014. Ông Thái Văn Nông cho biết "Cùng với tỉnh, huyện Nam Đàn đã hoàn tất việc đàm phán với cơ quan chức năng của Chính phủ A rập Xê út để thực hiện dự án trong năm tới...". Đây thực sự là tin rất vui với người dân vùng ngập lũ. Ước mong những con đường vượt lũ của cán bộ, nhân dân vùng 5 Nam sẽ có cơ hội trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Khi cơ sở hạ tầng thực sự hoàn thiện sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, 5 Nam sẽ là vùng cây trồng kết hợp chăn nuôi trù phú. Và có thể cùng với dự án này, mai đây khi ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Lam để vào vùng 5 Nam đoạn qua xã Nam Cường cũng trở thành hiện thực thì vùng đất có những di tích lịch sử danh thắng nổi tiếng cả nước như Núi Thiên Nhẫn, Đền thờ và mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Đình Trung Cần, Đình Hoành Sơn... sẽ gắn được với những điểm du lịch khác của Nam Đàn để trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương, và 5 Nam sẽ trở thành vùng phát triển kinh tế du lịch của tỉnh!
Bài, ảnh: Nhật Lân