Hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Nguyễn Văn Đức ở thôn 4, xã Tào Sơn là một mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao tại địa phương.

Anh Đức chia sẻ: Năm 2018 anh đã tự lặn lội vào các khe, đập trên địa bàn xã để tìm bắt ốc mẹ và nhân giống nuôi thử. Theo anh Đức, ốc bươu đen được thị trường rất ưa thích bởi thịt ốc thơm và ngọt. Ngoài ra, đây là loại thủy sản dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ đất hoặc bể xi măng. Nhờ chất lượng ốc bươu đen của anh Đức nuôi trong môi trường tự nhiên và thức ăn đều là những loại rất quen thuộc, dễ tìm như các loại bèo, rau cỏ mọc tự nhiên, không dùng đến các loại thức ăn công nghiệp, nên thị trường ưa chuộng, đầu ra chủ yếu là các đầu mối ở huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành.

bna_a14853140_6102021.jpgMô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Nguyễn Văn Đức, thôn 4, xã Tào Sơn là một mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao tại địa phương. Ảnh: Thái Hiền

Trong năm 2020 anh Đức đã có thu nhập hơn 150 triệu đồng từ ốc giống và ốc thịt. Nhằm chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ, phục vụ nhu cầu nuôi thả của bà con nông dân, nên năm 2021 này anh quyết định tập trung vào sản xuất con giống, anh mở rộng diện tích, quy mô ra 4 ao nuôi với diện tích 6 sào, tự nhân giống, phát triển mô hình với số lượng lớn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, anh Đức đã bán được 7 vạn con ốc giống, với giá 500 đồng/con, anh thu nhập được 35 triệu đồng, hiện nay anh đang chuẩn bị xuất bán hơn 7 vạn ốc giống lứa tiếp theo.

Qua một thời gian nghiên cứu tìm hiểu, anh Đặng Bá Ngọ, thôn 2, xã Phúc Sơn nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen ngày càng cao. Không những vậy, đây là loài phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, phù hợp với đồng ruộng ở địa phương, nên anh Ngọ đã ra tận huyện Quỳnh Lưu học hỏi và mua ốc giống về nuôi thả trên diện tích 1 sào ao.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc bươi đen, anh Ngọ cho biết: Ốc bắt đầu sinh sản và thời gian đẻ trứng rộ thường từ tháng 4 đến tháng 10. Trứng mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi sắp nở. Người nuôi cần thu gom trứng lại, cho vào thùng ấp ở nhiệt độ thích hợp từ 25-32 độ C để trứng nở, sau 15-17 ngày trứng sẽ bắt đầu nở. Thời gian nuôi thông thường từ giai đoạn trứng đến giai đoạn ốc thương phẩm là hơn 3 tháng, tuy nhiên nếu người nuôi kéo dài đến 4 - 5 tháng thì chất lượng ốc sẽ nâng lên, già hơn, ngon hơn và to hơn (trọng lượng cũng tăng lên).

Ngoài việc quản lý về thức ăn và môi trường ao nuôi, việc quản lý đàn ốc vào mùa nóng, mùa rét và quản lý dịch bệnh cũng được anh Ngọ hết sức quan tâm. Anh cho biết: Ốc chịu nóng kém nên mùa Hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao. Còn trong mùa Đông, ốc rúc xuống bùn trú đông gần như không hoạt động, lúc này phải rút bớt nước trong ao, thả cây, cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc.

Với diện tích 1 sào ao thả 3 vạn ốc giống, nếu chăm sóc tốt sau 4 tháng có thể thu hoạch được 6 tạ ốc thương phẩm với giá bán hiện nay 90.000 đồng/kg; trừ các khoản chi phí người nuôi lãi 30 - 35 triệu đồng, mỗi năm có thể nuôi được 2 vụ ốc. Sau thời gian nuôi hơn 1 năm, nhận thấy đây là mô hình cho thu nhập cao, đầu ra ổn định nên hiện nay anh Ngọ đang giống để nhân rộng ra 4 sào ao của gia đình.

Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, đơn giản, dễ kiếm, phù hợp với mọi điều kiện nuôi trồng tự nhiên; nhất là thị trường đầu ra ổn định, nên việc nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen là rất khả thi. Ảnh: Thái Hiền

Anh Sơn là một trong những địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản với giá trị mang lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu đen đang được bà con nông dân nhân rộng tại các xã Cẩm Sơn, Phúc Sơn, Tào Sơn, Thành Sơn... Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với mọi điều kiện nuôi trồng tự nhiên, thị trường đầu ra ổn định, nên việc nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen là khả thi.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn

Ông Khoa cho biết thêm: Hiện nay, các địa phương đang tuyên truyền bà con tận dụng diện tích đất ở những vùng trũng nước, đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc tự xây bể xi măng, làm bể bạt để nhân rộng mô hình nuôi ốc theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để mô hình ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần xây dựng các sản phẩm chủ lực, giá trị hàng hóa bền vững theo tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện.