Vừa tang tảng sáng, bà con ngư dân xã Quỳnh Nghĩa đã tập trung tại bãi biển của địa phương để khai thác ruốc biển. Theo bà con, mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 dương lịch năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Từ lâu, bà con khai thác ruốc ở khu vực ven bờ, sử dụng đồ nghề đơn giản nhưng nếu gặp may họ đánh được hàng tạ ruốc mỗi ngày.

bna_a12107607_3102021.jpgTừ khi trời bắt đầu hửng sáng, bà con xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) đã lội biển để đánh bắt con ruốc. Ảnh: Hồ Định

Ngư dân Hồ Văn Tú cho biết: “Hiện nay đang vào mùa ruốc biển nên bà con dậy từ rất sớm để ra biển đánh bắt. Theo kinh nghiệm mấy năm gần đây, bà con đi săn bắt ruốc biển khi trời chưa sáng, lúc này con ruốc nổi lên, bơi vào bờ rất nhiều nên cũng dễ đánh. Có người gặp may “xúc” lên hàng chục kg ruốc, nếu đánh bắt cả buổi có khi được hàng tạ ruốc”.

Để săn bắt được ruốc biển, hiện nay bà con đang sử dụng một chiếc sào hình chữ Y dài 3 – 4 mét; phía 2 đầu được khoanh một lớp lưới để khi người dân lội dưới nước sẽ “xúc” được luồng ruốc biển vào bên trong.

Ngư dân mang ruốc lên bờ. Ảnh: Việt Hùng

Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Ở đây chúng tôi đi đánh bắt ruốc ở ven bờ biển, năng suất sẽ không nhiều như các thuyền đi khai thác ở vùng lộng, sử dụng công cụ tốt hơn. Sáng nay, khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi đã tập trung ở dưới biển để săn ruốc, may mắn hôm nay đi theo đúng luồng ruốc biển dày đặc, xúc được 2 - 3 tạ ruốc cho thu nhập hơn 1,5 triệu đồng”.

Hiện nay đang vào mùa ruốc biển nên bà con đánh bắt tương đối nhiều, sau khi ruốc được đánh về, bà con mang đi các chợ bán với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Ruốc biển là thực phẩm quen thuộc với người dân Việt Nam. Không chỉ giàu canxi, ruốc biển dồi dào protein, nhiều hơn so với thịt gà, thịt lợn, thịt bò... Vì thế, khi bước vào mùa ruốc biển, nhiều gia đình đã mua về chế biển các món như: Nấu canh, rang, hấp… ăn kèm với khế chua, các loại rau.

Ruốc đánh lên được cho vào khay để chuẩn bị mang đi chợ bán. Nhiều cụ cao tuổi cũng tranh thủ ra biển đánh bắt ruốc để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hồ Định - Việt Hùng.

Ngoài ra, ruốc biển đánh bắt lên bờ sẽ được người dân vùng biển Quỳnh Lưu chế biến thành mắm ruốc, phơi khô để dùng và bán dần, còn lại phần lớn được thương lái thu mua về bán cho người dân ở xa, các nhà hàng, khách sạn, xuất khẩu,…

Theo tìm hiểu, hiện nay bà con ở vùng biển huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đang tích cực đi khai thác ruốc biển. Có nhiều nơi bà con đánh ruốc ở vùng lộng như xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), có ngày họ thu về hàng tấn ruốc biển cho giá trị cao.../.