Thu nhập tăng, hạ tầng hoàn thiện
Đường Hồ Chí Minh huyết mạch trải dài qua 11 tỉnh, thành đất nước, trong đó qua huyện Tân Kỳ gần 40km. Đây là con đường rất có giá trị về quân sự quốc phòng, góp phần lưu thông hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường này kết nối từ Bắc vào Nam, với các cửa khẩu sang nước bạn Lào: Thanh Thủy, Nậm Cắn, Thông Thụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa, phát triển bộ mặt nông thôn toàn diện.
Vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, kêu gọi thu hút đầu tư vào những lĩnh vực lợi thế, Tân Kỳ đã lựa chọn các nhà đầu tư thật sự có tiềm lực để các chương trình lớn, dự án động lực có tính khả thi cao khi thực hiện trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao; chăn nuôi gắn với chế biến; khai thác, chế biến khoáng sản; công nghiệp may mặc.
Huyện cũng đã kêu gọi thành công và đang phát triển Khu đô thị phía Tây thị trấn Tân Kỳ tại xã Kỳ Sơn, với tổng diện tích 15,7ha, quy mô dân cư khoảng 1.200 người. Khu đô thị mới này được quy hoạch, thiết kế với đầy đủ tiện nghi, đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đây sẽ là khu đô thị dịch vụ, thương mại kết hợp vui chơi giải trí và sinh sống của khu dân cư trong tương lai thể sự quyết tâm của lãnh đạo huyện nhà về xây dựng một Tân Kỳ đổi mới, hiện đại.
Giao thông là “mạch máu” của sự phát triển, vì vậy một mong mỏi khác của chính quyền và nhân dân Tân Kỳ là sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông N5 từ Hòa Sơn - Đô Lương đến Tân Long - Tân Kỳ. Như được “chắp thêm đôi cánh”, tuyến đường N5 đoạn Đô Lương - Tân kỳ được kỳ vọng khơi dậy tiềm năng miền Tây Nghệ An, đặc biệt là những thế mạnh toàn diện của Tân Kỳ trong kết nối hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi lựa chọn Tân Kỳ nói riêng và Nghệ An để đầu tư các công trình tầm cỡ.
Du lịch độc đáo, hấp dẫn
Với địa bàn rộng lớn, Tân Kỳ có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Đáng chú ý, đây là địa phương duy nhất có Di tích Quốc gia đặc biệt Km số 0 - đường Hồ Chí Minh; Khu di tích lịch sử thành Lê Lợi và các đình làng cổ. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của huyện là cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: hệ thống hang Mó ở Tiên Kỳ, thác Bồn ở Tân Hợp, cụm hang Thung Khiển, khe Xanh ở Nghĩa Phúc, Tân An; hệ thống hồ đập phong phú và dòng sông Con thơ mộng... Để phục vụ nhu cầu du khách, Tân Kỳ đã phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, cùng với các loại dịch vụ hàng hóa khác phát triển mạnh mẽ.
Hiện huyện Tân Kỳ đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển ngành Du lịch xứng tầm với tiềm năng. Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú là 75.000 - 80.000 lượt, bình quân 15.000 - 16.000 lượt/năm, ít nhất có 3-5 homestay phục vụ lưu trú đạt chuẩn; tạo ra 100 - 150 việc làm, tạo doanh thu 5 - 7 tỷ đồng/năm.
Phát triển công - nông nghiệp hiện đại, bền vững
Địa phương còn sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, UBND tỉnh quyết định xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm, quy mô 15 ha tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, là lợi thế để huyện và các huyện địa phương lân cận đẩy mạnh chăn nuôi, giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Tân Kỳ có vị thế hết sức thuận lợi để có thể mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng miền trong tỉnh và trong nước. Về phía Bắc, Tân Kỳ gần như nối liền với toàn bộ vùng đất Phủ Quỳ xưa. Với tầm nhìn liên vùng, quy hoạch phát triển kinh tế ta có thể đặt Tân Kỳ trong cả một phạm vi không gian với vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hay cây ăn quả với diện tích lớn đủ khả năng cung cấp cho các nhà máy có trang thiết bị hiện đại, công suất lớn; Quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Telair Quỳ Hợp. Hoặc như quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cỏ phục vụ cho Nhà máy sữa TH có công suất lớn nhất cả nước ở Nghĩa Đàn.
Về phía Đông, Tân Kỳ tiếp giáp với huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn, và các huyện khác hội đủ cả hai yếu tố là miền núi trung du và đồng bằng. Đây là cơ sở để quy hoạch mở ra những hướng đi mới cho những dự án kinh tế lớn trên vùng đất Tân Kỳ.
Ngoài ra, Tân Kỳ còn tiếp giáp với vùng đất Yên Thành, Quỳnh Lưu ở phía Đông và Đông Bắc. Đây là hai huyện có diện tích lớn, dân cư đông đúc, có lực lượng lớn lao động, trình độ dân trí cao và truyền thống lao động cần cù, sáng tạo đáp ứng kịp thời cho những dự án lớn về kinh tế.
Với những thế mạnh về công, nông nghiệp đầy tiềm năng, nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã và đang đón đầu sự "bùng nổ" của Tân Kỳ về kinh tế để xây dựng những dự án tầm cỡ đầy triển vọng. Trong đó có các nhà máy tuynel, các công ty thực phẩm đã bước đầu hình thành và tạo nên những dấu ấn đậm nét. Đáng kể, trên địa bàn huyện đã khởi công xây dựng Công ty cổ phần May Minh Anh Tân Kỳ trên diện tích 9 ha tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, Công ty CP May Minh Anh Tân Kỳ sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.500 lao động. Ngoài ra, Tân Kỳ còn là địa phương có lợi thế khai thác và phát triển các loại vật liệu xây dựng như trữ lượng các mỏ cát, sỏi và nhất là thương hiệu ngói Cừa nổi tiếng.
Nếu nhìn từ góc độ văn hóa vùng thì rõ ràng, Tân Kỳ nằm trong cả một không gian văn hóa rộng lớn của vùng trung hạ lưu sông Lam. Đây là một trong những vùng văn hóa có nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo mà từ nhiều thế kỷ trước ông cha ta đã xếp ngang hàng với các vùng văn hóa khác như: xứ Lạng, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng… Tài nguyên vị thế thuận lợi này cho phép Tân Kỳ bước vào hội nhập với cộng đồng khu vực và thế giới mà không bị hòa tan trong dòng chảy văn hóa, văn minh của nhân loại.