Đình Sừng được người dân Kẻ Sừng - làng Quỳ Lăng khởi dựng vào năm 1583. Nguyên xưa đình được làm bằng tranh tre, nứa, lá, sau mới được tôn tạo lại. Ảnh: Huy Thư Năm 1797, làng Quỳ Lăng dựng thêm tòa hậu cung để làm nơi thờ phụng thành hoàng của làng. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đình được tu sửa vào các năm: 1637, 1677, 1787, 1913 và đến năm 1929 đình được tôn tạo to đẹp như hiện nay. Đình Sừng hiện có 3 công trình cổ là bái đình, hậu cung và miếu thờ. Bái đình 5 gian, dài 24,7m; rộng 11,2m. Ảnh: Huy Thư Bái đình do 2 hiệp thợ thi công, nửa đình phía Đông do thợ Diễn Châu đảm nhận, nửa phía Tây được giao cho hiệp thợ Yên Thành. Sau khi các vì đình sàm đục xong, mỗi hiệp thợ huy động khoảng 300 người để dựng đình. Tòa đình có 6 vì, mỗi vì có 4 cột, 2 cột cái cao 5,63m, 2 cột quân cao 4,33m. Ảnh: Huy Thư Khung gỗ của bái đình được điêu khắc chạm trổ công phu. Đặc biệt các đường kẻ của bái đình đều được chạm khắc hai mặt với các đề tài như: “Phượng hàm thư”, “Cá chép hóa rồng, “Tùng lộc”, “Rồng chầu nguyệt”. Hình ảnh “Long vân” được thể hiện nhiều trên các xà, đầu dư, đuôi bẩy... Ảnh: Huy Thư So với nhiều ngôi đình cổ trong tỉnh, đình Sừng nổi bật với 4 bức cốn mê ở 4 góc của bái đình được chạm lộng tỷ mỷ, công phu hình ảnh "tứ linh": long, ly, quy, phượng. Ảnh: Huy Thư Một điều đặc biệt khác trong nghệ thuật điêu khắc chạm trổ ở đình Sừng là xen lẫn trong các mảng điêu khắc gỗ theo kỹ thuật bong kênh còn có cả chạm sành sứ. Ảnh: Huy Thư Đầu rồng ở hậu cung đình Sừng độc đáo không phải ở chỗ điêu khắc bờm cao, chuôi dài, vây nhọn.. mà là ở tính sống động của vật thể với những "đầu rồng vênh", nghiêng cổ chầu về bàn thờ. Ảnh: Huy Thư Cận cảnh điêu khắc lá sen, đài sen mang vẻ đẹp thanh thoát, uyển chuyển của đình Sừng. Ảnh: Huy Thư
.
Ngoài phần gỗ, trên bờ nóc, con xô và tường đốc của đình còn được đắp nổi hình ảnh rồng, phượng, hoa sen và những mảng phù điêu sinh động....bằng những nguyên liệu như vôi, hàu, mật mía... Ảnh: Huy Thư
Tại đình còn lưu giữ được 2 tấm bia cổ (1 tấm bia 4 mặt, 1 tấm bia 2 mặt), trong đó có tấm bia nói rõ quá trình xây dựng tôn tạo đình Sừng. Năm 2004, Đình đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Năm 2010, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Trải qua gần 500 năm lịch sử, đình Sừng là chứng tích sinh động và là niềm tự hào của người dân Kẻ Sừng, quê lúa. Ảnh: Huy Thư