(Baonghean) - Công ước Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là CƯLB 1982) với 320 điều khoản và 9 phụ lục, được thông qua năm 1982 tại Hội nghị Luật Biển lần thứ III của Liên hợp quốc (LHQ), đến nay đã có 161 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết, trong đó có 7 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Bruney.
           
CƯLB 1982 là giải pháp công bằng, là đỉnh cao trong quá trình phát triển tiến bộ ngành luật biển quốc tế, nó xác lập quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển. Nó quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển, cùng một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện CƯLB 1982, đồng thời thành lập Tòa án Luật Biển quốc tế, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương, Ủy ban Thềm lục địa, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước nhằm để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia về biển.

Biển Đông có diện tích hơn 3,5 triệu km² thuộc khu vực Thái Bình Dương, có 9 quốc gia ở ven là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Bruney, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore. Sau tuyến hàng hải Địa Trung Hải, tuyến Biển Đông là tuyến nhộn nhịp thứ hai trên thế giới dành cho một phần quan trọng hàng hóa của toàn thế giới được vận chuyển bằng đường biển, hằng ngày có trên dưới 200 tàu trọng tài lớn đi qua Biển Đông, của các nền kinh tế-thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công.

766806_small_64324.jpg
 Đảo Trường Sa lớn.


 Bộ đội Việt Nam luyện tập gữa sóng gió cấp 6-7 trên biển Đông.

Biển Đông giàu hải sản, có những vỉa địa chất chứa nhiều dầu mỏ và khí thiên nhiên. Biển Đông là "thao trường" tập trung nhiều hạm đội hải quân của các nước trong và ngoài khu vực. Với các yếu tố nêu trên, Biển Đông tất yếu là nơi đan xen lợi ích (với các mức độ khác nhau) của nhiều nước, vì vậy, hòa bình ổn định ở Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng đến hòa bình ổn định của khu vực ASEAN và thế giới.

Nhìn vấn đề Biển Đông trên cơ sở pháp lý CƯLB 1982, ta thấy nổi bật những điểm cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ mà các quốc gia ven Biển Đông tuân thủ, đó là:
 
1/ Mỗi quốc gia có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của mình. (Luật biển quốc tế trước đó quy định vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông chỉ có 3 hải lý, toàn bộ phía ngoài 3 hải lý là vùng biển quốc tế). Như vậy so với luật biển cũ, CƯLB 1982 đã mở rộng phạm vi vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông thêm 9 hải lý.
 
2/ Mỗi quốc gia ven Biển Đông:
 
- Có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiếu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trong trường hợp thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven Biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ đúng các quy định và thủ tục nêu trong CƯLB 1982.
 
- Có toàn quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên trong các vùng biển của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để phát triển đất nước và phục vụ đời sống nhân dân.
 
- Có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển của mình.
 
- Có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền đó của các quốc gia láng giềng khác ven Biển Đông phù hợp các quy định của CƯLB 1982.
 
- Các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác được tự do hàng hải, tự do hàng không ở trong vùng đặc quyền kinh tế, ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
 
Trên cơ sở pháp lý CƯLB 1982 của LHQ mà Trung Quốc là nước đã ký kết, và đem xâu chuỗi nhũng việc làm do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông, càng thấy những việc làm đó hoàn toàn đi ngược lại tính pháp lý của CƯLB 1982.


 Hình ảnh bản đồ Việt Nam do 1.500 sinh viên TP Nha Trang nắm tay nhau xếp hình.

Chỉ tính từ năm 1982 là khi ra đời CƯLB 1982 LHQ đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Điển hình là vụ ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận hải chiến không cân sức ấy, tàu chiến của Trung Quốc đơn phương xả đại liên sát hại 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, còn một số vụ việc mà gần đây báo chí trong và ngoài nước đã lên án, đưa tin, những hành động ấy hoàn toàn đi ngược lại nhận thức chung của nhân dân hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Ðông.


 Yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ : Không có cơ sở pháp lý.

Bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ tuyên bố đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) không có cơ sở theo luật quốc tế: "Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu."  
 
Trung Quốc đã đang làm cho tình hình Biển Ðông căng thẳng


 Yêu sách “9 đoạn” của TQ vẽ sát vào bờ các nước ven biển Đông:
Không có nội dung pháp lý.

Đồng bị hại với Việt Nam, Chính phủ Philippines sớm mạnh mẽ lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc đã ít nhất 6 vụ xâm nhập vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tổng thống Philippines Aquino khẳng định: “Chúng tôi sẽ không leo thang căng thẳng nhưng chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình”. Phái đoàn Thường trực Philippines tại LHQ lên tiếng phản đối Trung Quốc mở rộng khái niệm về khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong đó tính cả những vùng thuộc thẩm quyền Philippines. Nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, 6 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Singapore đã cùng với Philippines đưa ra kêu gọi giải pháp hòa bình và sử dụng CƯLB 1982, Phái đoàn Thường trực Philippines đã đọc lời kêu gọi của các nước: “Tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ đảm bảo hòa bình và giải quyết các xung đột. Luật pháp quốc tế tạo ra tiếng nói bình đẳng với các quốc gia bất kể tầm vóc chính trị, kinh tế hay quân sự, và loại bỏ việc sử dụng vũ lực trái pháp luật một cách tuyệt đối… Các quy tắc của pháp luật là nền tảng của trật tự, hòa bình, và công bằng trong xã hội hiện đại. Sự gia tăng của một hệ thống quốc tế dựa trên những nguyên tắc ấy tạo ra tính công bằng lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu”.


Mai Thuận Ngôn