Có mặt trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, dễ dàng bắt gặp hàng loạt bãi chứa vật liệu xây dựng (đá, cát), các cơ sở đóng gạch táp lô ngang nhiên chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi tập kết hàng hóa. Một số bãi tập kết đá dăm đổ tràn xuống cả lòng đường, các vỉa hè dọc tuyến QL 1A chồng gạch táp lô cao ngút.
Vào thời điểm mùa xây dựng như hiện nay, hàng loạt các cơ sở đóng táp lô máy chạy hết công suất, tiếng ồn của các loại máy móc và bụi bặm khi qua tuyến đường QL 1A này.
Một người dân xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hàng ngày thường xuyên có các loại xe tải, xe ben vào ra, đậu, bốc xếp vật liệu chuyển đi các nơi, khiến tình hình giao thông tại khu vực này diễn ra phức tạp, nhất là vào thời gian cao điểm học sinh tan trường, công nhân tan ca đã gây ra ùn ứ, nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao.
Ông Nguyễn Thế Lài - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện toàn xã có trên 30 cơ sở sản xuất gạch ngói táp lô, hiện có 6 cơ sở thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường QL 1A. Xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, xử phạt hành chính mỗi hộ trên 2 triệu đồng tiền vi phạm. Tuy nhiên, vẫn “bắt cóc, bỏ đĩa”, sau xử phạt các hộ lại tái vi phạm!
Nguy hiểm nhất hiện nay là dọc QL 1A đoạn đi qua xóm 10, xã Quỳnh Thạch có các xưởng gỗ lớn tập kết và hoạt động ngay ven QL1 gây nguy cơ tai nạn giao thông. Theo quan sát một cơ sở trêb địa bàn này trong quá trình vận chuyển gỗ về xưởng, xe nâng gỗ đi ngược chiều với QL, thân gỗ chiều ngang dài trên 3-4 mét chiếm cả lòng đường. Các phương tiện tham gia giao thông đi qua đây hết sức bất bình về hành vi của xe nâng gỗ vận chuyển kiểu “liều lĩnh”.
Sát bên là cơ sở gỗ khác, cho đậu xe cẩu loại lớn ngay ven QL 1A để bốc xếp gỗ (mặc dù phía trong bãi gỗ đang còn trống). Xe cẩu gỗ còn được mở rộng 4 chân “chống” chiếm dụng cả lòng đường QL 1A, làm mất tầm nhìn hoạt động giao thông của các phương tiện khác.
Mặc dù hoạt động sản xuất sò táp lô cũng như kinh doanh gỗ phát triển đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, phía sau còn nhiều hệ lụy.Như các cơ sở trênđều chiếm dụng mặt bằng, phá vỡ hạ tầng giao thông như mương thoát nước dọc tuyến, nắp đậy, mốc lộ giới làm nơi tập kết hàng hóa gây cản trở giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn.
Vì vậy, địa phương cần tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để việc vi phạm, nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông, lòng đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông. Đối với các cơ sở kinh doanh táp lô, xưởng gỗ cần có giải pháp quy hoạch để di dời đến nơi an toàn.